Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng chống dịch COVID-19
Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, trong phiên thảo luận tại tổ vào sáng 21/10, các đại biểu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao nỗ lực, kết quả đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, đặc biệt là trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.
Nêu cao vai trò của người đứng đầu
Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đánh giá, Chính phủ rất chủ động trong việc triển khai điều hành kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt, sâu sát, tập trung cao độ cho công tác chỉ đạo, điều hành trong việc cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội để triển khai các biện pháp, giải pháp để đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa phát phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết như: Nghị quyết 68, Nghị quyết 105, Nghị quyết 116, Nghị quyết 128... , để chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống dịch trên tinh thần đảm bảo an toàn sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết.
Người đứng đầu Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã sâu sát, quyết liệt xuống tận cơ sở để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác chống dịch ở các điểm nóng, kịp thời động viên các lực lượng tuyến đầu, động viên người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung sức nỗ lực vượt qua đại dịch. Công tác tiêm chủng, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, ngoại giao vaccine được Chính phủ đặc biệt quan tâm để sớm đạt độ bao phủ vaccine, chăm lo tốt nhất sức khỏe cho nhân dân.
Cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương cũng xác định rõ thẩm quyền gắn với trách nhiệm người đứng đầu, giúp cho việc triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch thông suốt, hiệu quả. Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là việc phát huy được vai trò của người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch nên đến nay, dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, đất nước đang dần trở lại trạng thái “bình thường mới”.
Đánh giá cao những kết quả đạt, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân cũng cho rằng, công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế đòi hỏi Chính phủ phải có nghiên cứu, đánh giá kỹ hơn và có sự điều chỉnh trong thời gian tới. Chẳng hạn, qua công tác ứng phó với đợt dịch thứ 4 này đã bộc lộ điểm yếu về hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng. Chính phủ cũng cần đánh giá một cách toàn diện ảnh hưởng của dịch bệnh đối với người dân không chỉ ở góc độ ảnh hưởng tới sinh kế mà còn các khía cạnh khác như sức khỏe, tâm lý.
Một tồn tại khác là việc tiêm vaccine phòng dịch COVID-19 chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ phân chia vaccine giữa các địa phương chưa đồng đều. Đơn cử như tại tỉnh Đắk Lắk, tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 và 2 mới đạt khoảng 20% là rất thấp, trong khi đó đây là địa phương có tình hình dịch phức tạp nhất ở Tây Nguyên. Đại biểu nêu kiến nghị trong thời gian tới, Chính phủ, Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên tiêm chủng vaccine, phân bổ vaccine đồng đều, hợp lý. Bởi khi chúng ta mở cửa, dần chuyển sang trạng thái “bình thường mới” thì điều kiện tiên quyết là tỉ lệ bao phủ vaccine phải đảm bảo.
Rà soát, điều chỉnh chính sách hỗ trợ người lao động
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đánh giá, mặc dù đại dịch COVID-19 ảnh hưởng rất to lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, tâm trạng, tư tưởng người dân nhưng kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, các chỉ số sản xuất công nghiệp trong 9 tháng ở một số địa phương tăng... Thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, Chính phủ đã quyết liệt, tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, thực hiện “mục tiêu kép” nhưng ưu tiên hàng đầu cho việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.
Chính phủ không chỉ chỉ đạo quyết liệt ở Trung ương mà còn sát tới tận cơ sở, đồng thời rất linh hoạt, kịp thời thay đổi chiến lược, phương châm điều hành thích ứng tình hình của thực tiễn đặt ra; gắn trách nhiệm của cấp ủy với người đứng đầu trong công tác chỉ đạo phòng, chống dịch. Việc chống dịch không chỉ là việc làm của chính quyền nữa mà còn thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy đảng. Chính phủ cũng đã tăng cường, hỗ trợ kịp thời nhân lực, vật lực cho những địa phương là những điểm nóng, chịu sự tác động lớn của dịch như Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Điều đó đã góp phần huy động sức mạnh tổng hợp cho công tác phòng, chống dịch và đã khống chế được dịch tại các “điểm nóng”.
Trong thời gian tới, để công tác phòng, chống dịch COVID-19 phát huy hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt kiến nghị Chính phủ quan tâm đánh giá lại các chính sách hỗ trợ cho người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch. Những gói hỗ trợ, đặc biệt là Nghị quyết 68 của Chính phủ được ban hành nhưng tỷ lệ tiếp cận, hưởng lợi của người dân, doanh nghiệp còn ít. Tỉ lệ giải ngân rất thấp, có gói hỗ trợ dưới 20% (như hỗ trợ đào tạo nghề) nguyên nhân là do vướng mắc về thủ tục. “Người lao động gặp khó khăn, Chính phủ thấy được điều này và đã ban hành chính sách hỗ trợ. Tuy nhiên, việc tiếp cận khó khăn thì Chính phủ phải chỉ đạo rà soát, điều chỉnh để tháo gỡ nhằm bảo đảm tính nhân văn của chính sách”- đại biểu Thu Nguyệt nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại nguồn lực mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch để đảm bảo vừa tiết kiệm, vừa sử dụng đúng mục đích, chống thất thoát, lãng phí. “Nhân dân rất quan tâm đến vấn đề này về giá cả, chất lượng nên Chính phủ cần phải kiểm soát kỹ, kiểm tra, giám sát thế nào để có sự đồng bộ trong cả nước”, đại biểu Thu Nguyệt nói.