Gắn việc xây dựng xã hội học tập với đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong những năm qua, Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh việc xây dựng xã hội học tập (XHHT), học tập suốt đời (HTSĐ) gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

 Người dân vùng cát ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ném mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: S.H

Người dân vùng cát ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cây ném mang lại hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: S.H

Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Nguyễn Thị Hồng Vân cho biết, nhằm hiện thực hóa Đề án 281 của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị đến năm 2020”, Quyết định 89 của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020” cùng với việc thực hiện Quyết định 448 của Hội Khuyến học Việt Nam và Chỉ thị 03 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc đẩy mạnh phong trào HTSĐ, XHHT, thời gian qua, Ban Chỉ đạo Xây dựng xã hội học tập tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh việc xây dựng XHHT, HTSĐ gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, người lao động nông thôn đã xem các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) là “mái trường” quen thuộc để họ được HTSĐ, được đào tạo nghề… Tính đến nay, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh có TTHTCĐ; có 768 TTHTCĐ vệ tinh ở các thôn, bản, khu phố. Từ năm 2015 đến nay, các cấp hội khuyến học trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức mở 7.273 lớp với gần 400.000 lượt người tham gia học tập. Các nội dung học tập thiết thực, phong phú như: Chuyển giao tiến bộ KHKT vào sản xuất, đời sống; dạy nghề ngắn hạn cho người dân gồm: Nghề mộc, nề, cơ khí, điện dân dụng, kỹ thuật chế biến món ăn…

Phó Giám đốc TTHTCĐ xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Thủy cho biết, thời gian qua TTHTCĐ xã Vĩnh Thái đã chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Linh tổ chức nhiều lớp dạy nghề, tập huấn chuyển giao KHKT, công nghệ cho người dân; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nhiều lao động nông thôn học tập và mở thêm nhiều ngành nghề mới mang lại thu nhập cao. Từ năm 2016 đến nay, TTHTCĐ xã đã mở 30 lớp tập huấn (950 lượt người tham gia) về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nước mắm, đánh bắt thủy hải sản… Mở hàng chục lớp dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã về các nghề như: Trồng và chăm sóc cây ném, môn nịt, chế biến nước mắm phơi công nghệ cao, nghề thêu tranh… Nhiều lao động nông thôn sau khi tham gia các lớp tập huấn, dạy nghề đã ứng dụng hiệu quả vào sản xuất, đảm bảo việc làm thường xuyên và cải thiện rõ rệt thu nhập của gia đình…

Nói về hiệu quả của việc xây dựng XHHT, HTSĐ gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) tỉnh Lê Nguyễn Huyền Trang cho biết, những năm qua, Sở LĐ,TB&XH đã chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với xây dựng XHHT, HTSĐ. Cụ thể, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được củng cố và phát triển. Toàn tỉnh hiện có 24 cơ sở GDNN và các đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN được phân bổ ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, còn có các trung tâm khuyến công, khuyến nông và một số đơn vị tham gia đào tạo nghề theo hình thức kèm nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. Đến nay, 100% cơ sở đã triển khai thực hiện việc dạy học văn hóa kết hợp với học nghề đối với học sinh THCS, THPT, từng bước gắn kết việc đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường… Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo và hướng tới người học, Sở LĐ,TB&XH cũng đã chú trọng đến việc phát triển đội ngũ giáo viên GDNN. T

oàn tỉnh hiện có 283 giảng viên, giáo viên, người dạy nghề và cán bộ quản lý. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ở các trung tâm được sắp xếp, bố trí hợp lý đảm bảo về số lượng cũng như yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đào tạo. Bên cạnh đó, một lực lượng lớn cán bộ kỹ thuật, công nhân, nông dân sản xuất giỏi, người lao động có tay nghề cao cũng tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Trong giai đoạn năm 2016 - 2021, Sở LĐ,TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh bố trí hơn 91,6 tỉ đồng để đầu tư xây dựng các thiết chế và kinh phí phục vụ công tác đào tạo, cung ứng nhu cầu HTSĐ, tạo cơ hội cho người dân, đặc biệt là các đối tượng yếu thế tham gia học tập, nâng cao trình độ hiểu biết, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cũng trong giai đoạn năm 2016 - 2021, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 68.088 lao động, trong đó trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng có 61.224 lao động…

Để đảm bảo sự thành công của chủ trương xây dựng XHHT, HTSĐ gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thời gian tới, Sở LĐ,TB&XH sẽ tập trung vào các giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người lao động về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm… từng bước thay đổi nhận thức của người lao động về công tác đào tạo nghề; tăng cường rà soát, quy hoạch, củng cố và phát triển mạng lưới các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh; nâng cao năng lực hoạt động và ưu tiên đầu tư mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện dạy học của các cơ sở GDNN; đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực GDNN; cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở GDNN tiếp tục đóng vai trò then chốt trong tổ chức phát động phong trào học tập thường xuyên, HTSĐ gắn với công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; có biện pháp khuyến khích người học thông qua các chính sách về đào tạo nghề nhằm thúc đẩy phong trào học tập;

Tích cực tham mưu với Bộ LĐ,TB&XH, UBND tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích người học, trong đó chú trọng đề xuất các chính sách dành cho nhóm đối tượng yếu thế…; không ngừng đổi mới chương trình đào tạo theo hướng đa dạng, linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu của người học; xây dựng chương trình và biên soạn tài liệu học tập hướng đến đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, người lao động nghèo, người khuyết tật…; xây dựng và phát triển đội ngũ quản lý, giáo viên làm công tác đào tạo nghề; chú trọng bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để đáp ứng nhiệm vụ dạy học cũng như làm nòng cốt trong việc tham gia xây dựng XHHT của cộng đồng; phát huy vai trò của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia hoạt động GDNN…

Sỹ Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163728&title=gan-viec-xay-dung-xa-hoi-hoc-tap-voi-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon