Gánh hàng rong và thức ăn đường phố

Việt Nam có nền ẩm thực vô cùng phong phú. Trong đó, thức ăn đường phố và biểu tượng của nó là những gánh hàng rong mang nét văn hóa độc đáo và thân thương đến lạ.

Bởi, những gánh hàng rong (có lẽ xuất hiện từ khi có những đô thị lớn) mang cả một chặng thời gian theo chiều dài lịch sử dân tộc với người dân thị thành.

Những ký họa của các danh họa Lê Phổ, Tô Ngọc Vân và thầy giáo của họ Ferdinand de Fénis (đều của Trường Mỹ thuật Đông Dương) miêu tả những gánh hàng rong trên đường phố Hà Nội trong khoảng 1925 đến 1929 sống động đến kỳ lạ. Những bức tranh này sau đó đã được giới thiệu với công chúng trong một cuộc triển lãm cách nay mấy năm.

Những tiếng rao bán hàng cũng được các nhạc sĩ thời đó ký âm thành câu nhạc, như: “Bánh trưng bánh cốm ra mua” (lưu ý là tác giả ký âm là “bánh trưng” chứ không phải “bánh chưng” như cách gọi ngày nay).

Hình ảnh và cả lời rao của gánh hàng rong từ cách nay 100 năm giờ đây đã có những thay đổi, cả về hình thức lẫn chất lượng món ăn (nâng cao hơn). Những đầu bếp nổi tiếng trên thế giới như Anthony Bourdain đã sang Hà Nội và thưởng thức món bún chả (với Tổng thống Mỹ lúc đó Barack Obama). Đầu bếp trứ danh này đánh giá rất cao các món ăn Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, trong đó có thức ăn đường phố..

Đặc biệt, khác với xưa, thức ăn đường phố chủ yếu phục vụ cho khách ẩm thực địa phương; nay nó là điều cốt yếu để phát triển du lịch ẩm thực và tất nhiên, hầu hết du khách không thể bỏ qua những món ăn ngon nơi mình đến trải nghiệm.

Tuy nhiên, cùng những điều mới đáng quan tâm và đáng mừng đó, thức ăn đường phố hiện mang nỗi lo về chất lượng, về ngộ độc thực phẩm.

Gần đây, những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở nhiều địa phương. Điều đáng nói là các cơ quan chức năng nói chung, ngành y tế nói riêng luôn luôn có những biện pháp kiểm tra lĩnh vực này.

Trên đường phố Hà Nội, thậm chí một số con đường còn được gắn biển đại loại như “khu vực đã được kiểm tra về an toàn thực phẩm”, có nghĩa là thực khách có thể yên tâm ăn cơm, phở, bún… ở đây.

Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn thực phẩm, cụ thể ở đây là thức ăn đường phố, ngoài việc kiểm tra thường xuyên, truy xuất nguồn gốc thực phẩm, chúng ta cần làm vấn đề từ gốc đến ngọn, nghĩa là kiểm soát toàn bộ quy trình để đến “gánh hàng rong” ngày nay.

Mới đây, châu Âu phát động chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (Farm to Fork). Theo đó, chiếc lược này bảo đảm thực phẩm sạch ngay từ nuôi trồng, đến sơ chế, lưu kho, vận chuyển và chế biến thành món ăn. Đây là bước chuyển đổi đã được nhiều nước thực hiện từ nhiều năm nay, nhưng chưa thành chiến lược cụ thể.

Việt Nam vẫn có thể làm theo chiến lược nói trên, ngoài việc kiểm tra, cần buộc các quán ăn (và cả nhà hàng sang trọng) trình ra được tài liệu cho biết nguồn gốc thực phẩm. Lâu dài hơn, mở rộng những trang trại nuôi trồng theo hướng hữu cơ, an toàn… Những vùng nuôi trồng nhỏ lẻ của hộ gia đình nên chỉ để tự cung, tự cấp hoặc trao đổi, mua bán trong làng xã mà thôi. Chỉ khi như vậy, các vụ ngộ độc thực phẩm mới giảm thiểu; gánh hàng rong, thức ăn đường phố… mãi là nét đẹp thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Thành Thực

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ganh-hang-rong-va-thuc-an-duong-pho.html