Gánh nặng của các bậc cha mẹ có con tự kỷ

Số lượng trẻ mắc chứng tự kỷ đã tăng cao trong vài thập kỷ gần đây. Gánh nặng tài chính về y tế và giáo dục đang đè nặng lên vai các bậc cha mẹ có con mắc hội chứng này.

 Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội, nên phải có các phương pháp giáo dục chuyên biệt. Ảnh:VTT.

Trẻ tự kỷ gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội, nên phải có các phương pháp giáo dục chuyên biệt. Ảnh:VTT.

Vào năm 1970, hội chứng tự kỷ xảy ra ở trẻ em trên toàn nước Mỹ với tỷ lệ 1/10.000. Trong vài thập kỷ qua, đặc biệt trong những năm 1990, số ca được chẩn đoán đã gia tăng đáng kể. Vào năm 2005, Viện Y tế Quốc gia Mỹ ước tính rằng tỷ lệ chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em là 1/500. Vào tháng 10 năm 2009, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh, cùng Viện Y tế Quốc gia Mỹ đã tổ chức họp báo để công bố con số này đã được đổi thành 1/100.

Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ xảy ra ở riêng nước Mỹ; nó là hiện tượng mang tính toàn cầu, có thể bắt gặp từ Mỹ đến Nam Phi, từ Nga đến Ấn Độ. Dường như không ai giải thích được sự gia tăng khủng khiếp của số lượng các trường hợp tự kỷ, nhưng một số phụ huynh và bác sĩ đang chứng kiến điều bất ngờ: sự đảo ngược do can thiệp vào chế độ ăn uống và các liệu pháp khác mang lại.

Tự kỷ là hội chứng phổ biến nhất trong một loạt các rối loạn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ (ASDs). Nhóm này cũng bao gồm Hội chứng Asperger và Rối loạn phát triển thần kinh diện rộng - Chưa được xác định (PDD - NOS). Tự kỷ thường được chẩn đoán trong ba năm đầu đời và ở trẻ em trai có số ca gấp ba đến bốn lần so với trẻ em gái.

Các triệu chứng điển hình của chứng tự kỷ bao gồm hướng nội hoặc từ chối giao tiếp với người khác; chỉ quan tâm đến bản thân; chơi những trò lặp đi lặp lại và gắn liền với các chuyển động nhịp nhàng như bập bênh.

Trẻ tự kỷ thường gặp khó khăn trong việc diễn giải các dấu hiệu cảm xúc và biểu hiện trên khuôn mặt, đồng thời cũng có thể bộc lộ cơn giận dữ dội và tự làm tổn thương bản thân. Nhiều trẻ tự kỷ không giao tiếp bằng mắt với cha mẹ hoặc người chăm sóc, một số có thể ngừng giao tiếp bằng lời nói. Một phần ba trẻ tự kỷ cũng gặp phải tình trạng động kinh.

Các tác động về tình cảm, tài chính và xã hội đối với cha mẹ của trẻ tự kỷ lớn khủng khiếp. Suy ngẫm về số lượng lớn các trường hợp được ghi nhận ngày nay, Tiến sĩ Andy Shih của Liên minh Quốc gia về Nghiên cứu Tự kỷ tại Mỹ cảnh báo: “Gánh nặng tài chính mà hội chứng này gây ra cho xã hội của chúng ta thật đáng kinh ngạc.”

Một nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Harvard đã ước tính rằng các phương pháp điều trị y tế, giáo dục đặc biệt và các liệu pháp cần thiết cho một đứa trẻ mắc chứng tự kỷ có thể khiến cha mẹ mất tới 72.000 USD một năm và 3,2 triệu USD trong suốt cuộc đời. Nhiều chương trình bảo hiểm không chi trả cho các phương pháp điều trị như vậy, hoặc chi trả đi kèm những hạn chế.

Đã có những trường hợp tình trạng của trẻ được cải thiện nhờ biện pháp can thiệp vào chế độ ăn uống. Ở đây là chế độ ăn kiêng casein và gluten.

Không thiếu giả thuyết về nguyên nhân của chứng tự kỷ, một cuộc tranh luận sôi nổi đã xảy ra. Một giả thuyết trong đó thu hút được sự chú ý. Người ta cho rằng chứng tự kỷ bắt đầu khi một yếu tố tấn công đường tiêu hóa của trẻ.

Sau khi đường tiêu hóa bị suy giảm, các protein bị chuyển hóa một phần hoặc các đoạn protein được gọi là peptide có thể đi qua ruột và đi vào máu. Từ dòng máu, các peptide có thể tiếp cận các tế bào mang thụ thể quan trọng trong não, nhờ đó mà sự tàn phá xảy ra.

Bình thường niêm mạc, lớp lót của ruột, hoạt động như một rào cản đối với các yếu tố khác nhau xâm nhập vào máu. Ban đầu, người ta tin rằng do kích thước nên peptide không bao giờ vượt qua được thành ruột, thay vào đó nó hoạt động trên các hormone và những vị trí có các tế bào mang thụ thể mà chúng tiếp xúc trong ruột.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây đã chỉ ra ở một số người, peptide có thể vượt qua thành ruột và đi vào máu, cuối cùng tới não, nơi chúng cản trở sự dẫn truyền thần kinh.

Joseph Keon/ Skybooks & NXB Hà Nội

Nguồn Znews: https://znews.vn/ganh-nang-cua-cac-bac-cha-me-co-con-tu-ky-post1487133.html