Gánh nặng của người phụ nữ nuôi mẹ hơn 90 tuổi và em trai tâm thần giữa mùa dịch
Đã nhiều lần, bà Phan Thị Lan muốn tìm đến cái chết để được giải thoát gánh nặng trên vai. Nhưng rồi, nhìn lại người mẹ già nằm một chỗ và người em trai tâm thần đáng thương, bà lại dùng chút sức lực cuối cùng để gượng dậy.
Căn nhà của gia đình bà Phan Thị Lan nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ, Quận 10. Gọi là nhà cho sang chứ chỉ rộng khoảng 10m2, thêm cái gác lửng. Tầng trệt là nơi trú ngụ của mẹ già và 2 chị em bà Lan, còn gác lửng là nơi ở của vợ chồng người anh trai.
Khi chúng tôi đến, bà Lan đang chuẩn bị cơm tối cho người mẹ già hơn 90 tuổi. Bữa cơm chỉ có đậu bắp luộc và rau muống xào. Bà giãi bày: “Mấy hôm trước còn có trứng của nhà hảo tâm cho, nhưng nay đã hết sạch rồi, chúng tôi có gì thì ăn nấy thôi”.
Cụ bà đang nằm nghỉ trên chiếc giường đơn. Tuổi đã cao, cụ không còn minh mẫn, gầy hom hem và phải nằm một chỗ nhiều năm nay. Cạnh đó, người đàn ông trung niên cởi trần, ngồi bệt dưới đất, khuôn mặt ngơ ngác, vô hồn. Vừa đút từng muỗng cơm cho mẹ, bà Lan nghẹn ngào trải lòng về hoàn cảnh khốn khổ của mình.
Bà Phan Thị Lan sinh năm 1958, chồng bà đã mất nhiều năm trước vì căn bệnh ung thư phổi. Người con gái đã có gia đình riêng, ở trọ trong thành phố.
Nhiều năm về trước, bà bán hủ tiếu, khách hàng đa phần là người dân trong hẻm nhỏ. Về sau, sức khỏe yếu dần, bà mở sạp tạp hóa con con, nhưng rồi biến cố ập đến với người em trai khiến bà phải bỏ nghề.
Cách đây 2 năm, em trai bà, ông Phan Văn Hiệp (sinh năm 1964) bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não. Sau những ngày chạy vạy, cứu chữa, mặc dù cứu được tính mạng, nhưng tinh thần của ông Hiệp chẳng còn tỉnh táo, quanh năm sống dựa vào thuốc. “Hễ không uống thuốc là nó lên cơn, nhiều khi nó đánh tôi đau điếng”, bà Lan đau xót.
Di chứng của tai nạn còn khiến ông Hiệp bị biến chứng sang bệnh tiểu đường, bệnh tim. Mỗi đợt mua thuốc cũng hết hơn 2 triệu đồng. Khó khăn chồng chất lên đôi vai của bà, bởi người mẹ già lú lẫn đã phải nằm một chỗ trước đó.
Bởi không thể đi làm nên cả 3 người sống dựa vào tiền trợ cấp hằng tháng vài trăm nghìn đồng, cùng với số tiền ít ỏi mà con gái bà Lan dành dụm được, mỗi tháng chỉ khoảng 1-2 triệu đồng. Vợ chồng người anh trai cũng đã già, vất vả kiếm sống cũng chỉ đủ nuôi nhau nên chẳng thể đỡ đần. Một mình bà Lan gồng đôi vai để “gánh” 2 người thân đang sống lay lắt.
Bà những tưởng cố gắng hết sức thì mọi chuyện sẽ ổn, thế nhưng đợt dịch Covid-19 lần này quá tàn khốc. Thành phố giãn cách xã hội kéo dài khiến gia đình bà lâm vào cảnh sức cùng lực kiệt.
Biết mình có nhiều bệnh nền như viêm gan, hội chứng thận hư, tim mạch, huyết áp, xương khớp, nhưng không có tiền mua thuốc, bà cố gắng tuân thủ thực hiện 5K để tránh con virus nguy hiểm. Và dù biết rằng nếu ở trong nhà sẽ phải chịu đói, nhưng dịch bệnh ngoài kia cũng đáng sợ không kém.
“Có những đợt hết sạch đồ ăn, cả nhà nhịn đói. Người hàng xóm thương tình nên kêu gọi các nhà hảo tâm giúp đỡ cho chúng tôi bao gạo, vài quả trứng, mớ rau, cố gắng cầm cự qua ngày”, bà Lan tâm sự.
Trong 3 tháng thành phố thực hiện giãn cách xã hội, con rể thất nghiệp, con gái công việc bấp bênh, chẳng thể đỡ đần được nữa. Áp lực cuộc sống đè nén, nhiều lúc bà muốn tìm đến cái chết để giải thoát, nhưng rồi lại chẳng đành.
“Cả tháng nay em tôi không có thuốc uống, thường xuyên lên cơn, không chỉ đánh tôi mà còn thường lén bỏ nhà đi. Nhiều đêm rồi tôi không dám ngủ, sợ nó đi ra ngoài kia rồi không may nhiễm bệnh”, bà Lan nghẹn ngào.
Trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn hết sức căng thẳng, bà Lan mong sao được các nhà hảo tâm giúp đỡ cho ít lương thực thực phẩm và chi phí tiền thuốc cho em trai bà để gia đình yên ổn vượt qua mùa dịch.