Gánh nặng kép khi mắc HIV đồng nhiễm lao
Đồng nhiễm lao/HIV làm tăng nguy cơ tử vong ở những người nhiễm HIV. Người nhiễm HIV có hệ miễn dịch bị tổn thương, suy yếu làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng cơ hội như lao...
Biện pháp phát hiện bệnh nhân HIV đồng nhiễm lao
Do bệnh lao ở người nhiễm HIV diễn tiến rất nhanh, tốt nhất là tất cả bệnh nhân nhiễm HIV đều cần được thực hiện xét nghiệm lao ngay khi vừa phát hiện bị HIV. Mỗi lần tái khám, bệnh nhân HIV đều cần phải làm xét nghiệm sàng lọc bệnh lao.
Hầu hết khi bệnh nhân mắc lao tiềm ẩn thường sẽ không bộc lộ các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên khi lao tiềm ẩn phát triển thành thể lao thực sự, các dấu hiệu của bệnh lao sẽ xuất hiện, gồm:
Ho kéo dài, ho có thể khạc ra đờm và lẫn máu, đau tức ngực.
Cơ thể uể oải, mệt mỏi, đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm.
Ăn không ngon, sụt cân không rõ lý do.
Sốt âm ỉ, đặc biệt thường sốt vào buổi chiều...
Nếu xuất hiện những dấu hiệu bất thường này, người bệnh cần nghi ngờ nhiễm lao và phải đến cơ sở y tế để được chụp X-quang phổi, lấy mẫu đờm xét nghiệm tìm vi khuẩn lao. Trường hợp người mắc HIV cần nghi ngờ mắc đồng nhiễm lao để được làm xét nghiệm đầy đủ càng sớm càng tốt.
Nếu bệnh nhân không có đủ 4 dấu hiệu như: Sụt cân, ho, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm thì có thể loại trừ khả năng đã mắc thể lao tiến triển, nhưng nếu xuất hiện ít nhất 1 trong 4 biểu hiện trên thì bệnh nhân cần ngay lập tức đi xét nghiệm để phát hiện lao tiềm ẩn.
Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ dựa vào các yếu tố nguy cơ mắc bệnh lao ở bệnh nhân bị HIV:
Tiền sử điều trị bệnh lao trước đó.
Đã từng điều trị ở các trại giam hoặc trại cai nghiện.
Có tiền sử nghiện rượu và ma túy.
Có tình trạng bị suy dinh dưỡng...
Các biện pháp điều trị lao đồng nhiễm HIV
Phác đồ điều trị bệnh lao đơn độc và điều trị lao đồng nhiễm HIV và người không bị HIV là tương tự nhau. Mục đích của việc sử dụng thuốc điều trị lao nhằm ngăn chặn khả năng lao tiềm ẩn tiến triển thành thể lao thực sự. Trường hợp đã tiến triển thành thể lao thực sự thì dùng thuốc tiêu diệt vi khuẩn lao. Ở mỗi trường hợp bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc và thời gian điều trị bệnh khác nhau.
Khi người bệnh mắc lao đồng nhiễm HIV, tốt nhất là cần điều trị song song cả 2 bệnh lý này. Mặc dù vậy, nhưng các loại thuốc trị HIV và lao khi kết hợp sử dụng cùng một lúc có khả năng làm gia tăng tình trạng tương tác thuốc và việc kiểm soát các tác dụng phụ của thuốc cũng khó khăn hơn. Do đó, tùy thể trạng của người bệnh để quyết định thời điểm bắt đầu và lựa chọn loại thuốc để điều trị.
- Nếu bệnh nhân chưa từng dùng thuốc kháng virus (ARV) thì sẽ được ưu tiên điều trị lao trước. Sau khoảng 2 tháng đầu hoàn thành giai đoạn điều trị lao tấn công, bệnh nhân sẽ bắt đầu dùng thuốc ARV nhằm hạn chế tối đa sự tương tác thuốc giữa thuốc kháng lao và thuốc kháng virus HIV so với sử dụng đồng thời 2 loại cùng một lúc.
- Trường hợp người bệnh đang dùng thuốc ARV mới phát hiện mắc thêm bệnh lao, thì bệnh nhân có thể dùng song song thuốc kháng lao và thuốc ARV. Tuy nhiên, cả 2 loại thuốc này đều gây ảnh hưởng bất lợi lên gan, do đó bác sĩ điều trị sẽ cân nhắc cẩn thận tình trạng bệnh lý đồng thời chỉ định theo dõi chặt chẽ cho người bệnh trong suốt quá trình điều trị.
Do sự tương tác thuốc và độc tính của cả hai loại thuốc có thể khiến bệnh nhân gặp phải các phản ứng rất khó chịu, khiến cho tình hình điều trị trở nên phức tạp hơn và bệnh nhân dễ có suy nghĩ từ bỏ thuốc điều trị giữa chừng. Đây là điều hết sức nguy hiểm vì sẽ khiến bệnh bùng phát mạnh mẽ và khó kiểm soát, điều trị hơn sau này. Do đó, bệnh nhân cần có ý chí vững vàng, quyết tâm vượt qua những trở ngại để có cơ hội phục hồi dần và chữa khỏi bệnh lao.
Hiện nay tình trạng bệnh nhân mắc bệnh lao đồng nhiễm HIV thường gặp tại các cơ sở điều trị. Vì vậy, tất cả những người bệnh lao cần được cung cấp thông tin, tư vấn và xét nghiệm HIV theo quy trình PITC (provider initiated HIV testing and counseling), tức là nhân viên y tế phải chủ động tư vấn, đề xuất và cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV cho người mắc bệnh lao để giúp cho việc phát hiện và có biện pháp xử trí phù hợp.
Các địa chỉ điều trị HIV hiện nay có khắp trên toàn quốc, trừ các trường hợp cần điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân đã được điều trị ngoại trú có thể lựa chọn địa chỉ gần nơi sinh sống để đi khám và làm các xét nghiệm định kỳ để được thuận lợi.