Gánh nặng tiền điện ngày càng gia tăng lên các hộ gia đình Nhật Bản
Chính phủ Nhật Bản đang áp dụng chính sách hỗ trợ giá điện nhưng chính sách này sẽ thay đổi vào mùa Thu tới và điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng khi giá điện tăng lên.
Theo báo Nikkei, gánh nặng chi tiêu hộ gia đình ở Nhật Bản đang gia tăng, đặc biệt là giá điện vốn phụ thuộc vào giá nhiên liệu hóa thạch toàn cầu.
Khi so sánh trong Nhóm các nước Công nghiệp Phát triển Hàng đầu Thế giới (G7), có thể thấy hai nước có tỷ lệ nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn là Italy và Anh đều ghi nhận tiền điện hộ gia đình cao gấp 1,4 lần so với Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, chính phủ đang áp dụng chính sách hỗ trợ giá điện. Tuy nhiên, chính sách này sẽ thay đổi vào mùa Thu tới và điều này có thể ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng khi giá điện tăng lên.
Trong khối G7, Italy là quốc gia có mức tiền điện tiêu thụ hộ gia đình trung bình 1 tháng cao nhất, tương đương 13.080 yen (89,89 USD), tăng 40% so với năm 2021. 50% cơ cấu nguồn điện là nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và không có điện nguyên tử. Giá điện tại Italy chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động giá tài nguyên.
Đứng thứ hai là Anh, với mức tiền điện tiêu thụ trung bình tương đương 12.942 yen, tăng 49% so với năm 2021. Trong đó, 40% cơ cấu là nhiệt điện sử dụng LNG. Anh là quốc gia có mức phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đứng thứ 2 sau Italy.
Đứng vị trí thứ 3 là Đức, với mức tiền điện trung bình tương đương 11.921 yen, tăng 3% so với năm 2021. Mặc dù tỷ lệ tăng giá điện của Đức ở mức thấp, song kể từ tháng 4/2023, nước này bắt đầu giảm vận hành các nhà máy điện nguyên tử và điều này có khả năng khiến giá điện tăng mạnh.
Nhật Bản đứng thứ 4 trong khối G7 về tiền điện tiêu thụ trung bình của hộ gia đình, đạt 8.993 yen/tháng, tăng 31% so với năm 2021. Một trong những lý do khiến giá điện tại Nhật Bản không tăng cao như một số quốc gia châu Âu khác là do các công ty điện lực lớn của Nhật Bản đang ký kết hợp đồng cung ứng LNG theo hợp đồng dài hạn, mức giá ổn định.
Chỉ số giá tiêu dùng của Nhật Bản trong tháng 6/2023, không tính giá mặt hàng tươi sống, tăng 3,3% so với cùng kỳ. Con số này cao hơn mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). Việc tiết kiệm điện trong bối cảnh lạm phát là rất khó khăn, do đó, người tiêu dùng dễ có tâm lý hạn chế mua sắm các mặt hàng không thật sự cần thiết. Điều này có thể ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có tính phổ biến.
Tại Nhật Bản, giá điện tại các khu vực có sự chênh lệch đáng kể. Trong số 10 công ty điện lực lớn, giá điện tại khu vực thủ đô Tokyo cao hơn 30% so với khu vực Kansai. Cùng với xu hướng của thế giới, tỷ lệ nhiệt điện và tình trạng tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân đang ảnh hưởng đến giá điện tại Nhật Bản.
Ngoài Công ty Điện lực Kansai, Điện lực Kyushu, Điện lực Chubu, 7 công ty điện lực lớn tại Nhật Bản đã nâng giá điện từ 10-40% trong tháng 6/2023. Dựa trên mức tiêu thụ điện trung bình, tiền điện tiêu thụ hộ gia đình trung bình của Tập đoàn Điện lực Tokyo trong tháng 9/2023 sẽ đạt khoảng 6.796 yen, trong khi Điện lực Kansai chỉ có 5.236 yen, thấp hơn khoảng 1.500 yen.
Tập đoàn Điện lực Tokyo hiện không vận hành nhà máy điện hạt nhân nào, và khoảng 80% cơ cấu là nhiệt điện. Ở chiều ngược lại, điện lực Kansai đang vận hành 6 tổ máy điện hạt nhân, trong đó có tổ máy số 1 Takahama bắt đầu hoạt động từ tháng Bảy vừa qua.
Điện lực Kyushu cũng duy trì mức giá điện ổn định nhờ việc vận hành 4 tổ máy điện hạt nhân và đi đầu trong việc đầu trong việc đầu tư điện mặt trời. Có thể thấy, các công ty điện lực có mức độ phụ thuộc vào nguyên liệu hóa thạch cao, sẽ có mức giá điện cao hơn.
Kể từ mùa Thu tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ giảm một nửa tiền hỗ trợ giá điện. Người tiêu dùng sẽ chịu thêm gánh nặng trung bình khoảng 1.000 yen cho tiền điện của tháng 10/2023 và khoản này có thể được bù đắp nhờ xu hướng giá LNG và giá than đá giảm xuống. Dù vậy, gánh nặng tiền điện của các hộ gia đình sẽ tiếp tục duy trì trong thời gian tới./.