Gạo đắt nhất Hải Dương được sản xuất thế nào?

Bảo đảm sạch, quy trình sản xuất, đóng gói cẩn thận…, gạo ở vùng bãi rươi của huyện Tứ Kỳ đang là gạo đắt nhất Hải Dương.

Gạo được cấy ở vùng bãi rươi, cáy của huyện Tứ Kỳ đang được coi là đắt nhất của Hải Dương

Gạo được cấy ở vùng bãi rươi, cáy của huyện Tứ Kỳ đang được coi là đắt nhất của Hải Dương

Bắt sâu lúa bằng tay

Phát huy lợi thế có nguồn nước lợ ven sông Thái Bình, người dân các xã An Thanh, Quang Trung, Chí Minh, Nguyên Giáp, Bình Lãng, Hà Thanh đã cải tạo đất khai thác rươi cáy. Trong quá trình khai thác, để đất tơi xốp và tạo nguồn thức ăn cho rươi, cáy, người dân đã cấy lúa trên ruộng. Gạo của vùng bãi rươi, cáy thuộc huyện Tứ Kỳ đang được coi là gạo đắt nhất Hải Dương bởi sản lượng không nhiều, sạch và quy trình sản xuất tỉ mỉ.

Anh Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Thế hệ mới (xã An Thanh), đơn vị phối hợp với nông dân sản xuất gạo ST 25 cho biết từ chọn giống, cấy lúa, thu hoạch, sơ chế… đều thực hiện theo quy chuẩn. Khi cấy ST 25, người dân mua giống của đơn vị sản xuất giống nhằm hạn chế tạp chất, thoái hóa. Trong quá trình chăm sóc, không dùng thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu bệnh hoặc cỏ dại mà đều làm thủ công. Thóc sau gặt từ 8-10 giờ sẽ được cho vào lò sấy để khô đều, giữ được dinh dưỡng cũng như khi xát hạt gạo không bị gãy.

Người dân cấy lúa vùng bãi rươi xã An Thanh làm cỏ thủ công (ảnh cơ sở cung cấp)

Người dân cấy lúa vùng bãi rươi xã An Thanh làm cỏ thủ công (ảnh cơ sở cung cấp)

Không dùng thuốc bảo vệ thực vật lại cấy ở khu vực bãi sông nên thóc thường lẫn ốc con và có nhiều hạt bị đen, hỏng. Sau khi xát, công ty thuê người nhặt bỏ từng hạt thóc hỏng, tạp chất. Gạo được đóng túi, hút chân không. "Do quy trình sản xuất tỉ mỉ, cẩn thận như vậy nên gạo ST 25 có giá bán khá cao, 65.000 đồng/kg. Mỗi năm công ty có khoảng 40 tấn gạo nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng", anh Tuân cho biết.

Thóc cấy ở vùng bãi rươi năng suất không cao, xát gạo không dôi như nhiều loại thóc khác. Theo anh Nguyễn Thiên Tuấn ở thôn Trại Vực (xã Chí Minh), thóc ST 25 chỉ đạt hơn 1 tạ/sào, hạt nhỏ, nên phải 2 kg thóc mới được 1 kg gạo, trong khi những loại thóc khác 2 kg thóc sẽ được 1,3 kg gạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến gạo ST 25 có giá bán cao.

Một số diện tích lúa cũng phải gặt thủ công

Một số diện tích lúa cũng phải gặt thủ công

Tại vùng rươi xã Quang Trung, người dân lại lựa chọn cấy giống nếp cái hoa vàng. Anh Đặng Quang Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Trung cho biết: "Để cấy lúa, người dân phải vài lần phun thuốc bảo vệ thực vật diệt trừ sâu bệnh và cỏ, còn lúa cấy ở vùng bãi rươi chỉ làm cỏ thủ công và bắt sâu bằng tay nên năng suất không cao. Việc chăm bón, gặt, sơ chế, đóng gói tốn công hơn nên giá bán cao. Nếp cái hoa vàng Quang Trung đang được bán buôn với giá 40.000 đồng/kg và bán lẻ 60.0000 đồng/kg", anh Ánh nói.

Tại Hội thảo "Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch sinh thái tại tỉnh Hải Dương" do Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật tổ chức đầu tháng 12/2024, bà Lương Thị Kiểm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, gạo cấy ở vùng bãi rươi Tứ Kỳ có chất lượng ngon, mềm, dẻo, thơm, sạch và có giá bán cao nhất Hải Dương hiện nay.

Khách hàng ưa chuộng

Thóc được thu hoạch ngay tại ruộng

Thóc được thu hoạch ngay tại ruộng

Dù giá bán cao nhưng gạo vùng bãi rươi được người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Phạm Thị Hoa ở thôn An Định (An Thanh) cho biết: "Gạo để ăn hoặc người thân đặt mua, làm quà biếu nên ít khi bán ra ngoài. Năm nào nhà tôi cũng có nhiều người hỏi nhưng số lượng hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu".

Ưu điểm của gạo vùng bãi rươi là sạch nên người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng. Chị Nguyễn Thị Hương ở phường Tân Bình (TP Hải Dương), quê ở xã An Thanh. Gia đình chị thường mua thóc, gạo của người dân ở vùng bãi rươi về ăn do yên tâm về chất lượng. Chị Hương cho biết: "Năm nào tôi cũng nhờ người quen để mua được nhiều thóc, gạo nhất có thể. Tuy giá khá cao nhưng đổi lại thóc gạo sạch nên yên tâm".

Anh Nguyễn Thiên Tuấn ở xã Chí Minh thuê người loại bỏ từng hạt gạo hỏng (ảnh cơ sở cung cấp)

Anh Nguyễn Thiên Tuấn ở xã Chí Minh thuê người loại bỏ từng hạt gạo hỏng (ảnh cơ sở cung cấp)

Theo thống kê, huyện Tứ Kỳ có trên 550 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác, bảo tồn đặc sản rươi cáy tự nhiên. Năm 2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp khai thác rươi, cáy quy mô 137 ha thuộc xã An Thanh được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Dù năng suất lúa hữu cơ đạt từ 27-33 tạ/ha nhưng người dân đều bán được giá cao nên bù vào chi phí, công lao động.

Thời gian tới, huyện Tứ Kỳ tiếp tục mở rộng diện tích nuôi rươi cáy kết hợp cấy lúa hữu cơ nhằm tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc thù của địa phương, khẳng định giá trị hàng hóa nông sản của Tứ Kỳ trên bản đồ nông nghiệp của tỉnh.

PV

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/gao-dat-nhat-hai-duong-duoc-san-xuat-the-nao-402995.html