Gạo Việt Nam tiếp tục bị cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu truyền thống

Philippines đang tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo, tìm đến những nhà cung ứng tiềm năng, ngoài Việt Nam, điều này tạo nên sức ép cạnh tranh cho ngành lúa gạo

Thông tin mới nhất từ Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho biết, hiện Chính phủ nước này đang nỗ lực để đa dạng hóa nguồn cung gạo, từ giảm sự phụ thuộc từ các thị trường nước ngoài.

Cụ thể, theo Thương vụ, mặc dù có nền sản xuất lúa gạo nhưng sản lượng hàng năm không đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước nên hàng năm Philippines phải nhập khẩu gạo từ nhiều quốc gia.

Với thị trường Việt Nam, gạo vừa là mặt hàng truyền thống và đồng thời là mặt hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường Philippines trong những năm gần đây. Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Philippines 3,1 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 1,75 tỷ USD, tuy giảm 2% về lượng nhưng tăng tới 17,6% về giá trị so với năm trước đó. Gạo của Việt Nam chiếm thị phần trên 80% tại thị trường Philippines.

Chính phủ Philippines đang tìm cách giảm sự phụ thuộc từ nguồn cung gạo Việt Nam bằng cách đa dạng hóa nguồn cung, tìm đến những nhà cung ứng gạo tiềm năng khác. Ảnh minh họa

Chính phủ Philippines đang tìm cách giảm sự phụ thuộc từ nguồn cung gạo Việt Nam bằng cách đa dạng hóa nguồn cung, tìm đến những nhà cung ứng gạo tiềm năng khác. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cùng với những biến động địa chính trị và bất ổn trên thế giới, sự thay đổi chính sách của một số quốc gia sản xuất lúa gạo lớn trên thế giới, điển hình như lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, làm cho vấn đề đảm bảo an ninh lương thực của Philippines càng được trú trọng hơn.

Trong bối cảnh đó, nhận ra sự phụ thuộc khá lớn vào nguồn cung gạo từ Việt Nam nên Chính phủ Philippines đang tìm cách giảm sự phụ thuộc này thông quan việc đa dạng hóa nguồn cung, tìm đến những nhà cung ứng gạo tiềm năng khác ngoài Việt Nam mà trước đây họ cho rằng không có lợi thế.

"Tính đến giữa tháng 3/2024 lượng gạo nhập khẩu của nước này đã giảm, con số này phần nào đã phản ánh sự thành công bước đầu của Chính phủ Philippines trong việc tìm cách đa dạng hóa nguồn cung gạo" - Thương vụ Việt Nam tại Philippines nhận định.

Cụ thể, thống kê của Cục Thực vật - Bộ Nông nghiệp Philippines cho biết, tính từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 14/3/2024, tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines là 886.963,11 tấn, cao hơn khoảng 10,6% so với cùng kỳ năm 2023. Dù vậy, đây vẫn là mức cao và theo dự báo của Thương vụ, về mức nhập khẩu gạo của Philippines trong năm 2024 vào khoảng 3,8 đến 4,0 triệu tấn là hoàn toàn phù hợp.

Trong tổng lượng gạo nhập khẩu của Philippines nêu trên, gạo nhập từ Việt Nam vẫn chiếm khối lượng lớn nhất với 493.962,72 tấn, chiếm 55,7%. Tiếp theo là gạo Thái Lan với 230.559,43 tấn, chiếm 26%. Trong khi gạo nhập khẩu từ Pakistan là 109.803,5 tấn, chiếm 12,4%. Ngoài ra, trong 3 tháng đầu năm 2024, Philippines còn nhập khẩu gạo từ Myanmar với số lượng 48.960 tấn, từ Cambodia 1.620 tấn, từ Nhật Bản 1.815,37 tấn, từ Ấn Độ khoảng 235,5 tấn và từ Italy 6,6 tấn...

Số gạo nêu trên được nhập bởi 109 công ty được Cục Thực vật - Bộ Nông nghiệp Philippines cấp giấy phép nhập khẩu, trong đó có hai doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất của Philippines là Orison Free Enterprise Inc, với khối lượng 103.408,35 tấn; và là BLY Agri Venture Trading với khối lượng nhập là 55.419,99 tấn.

Trong khi đó, trong nửa đầu tháng 3/2024, cơ quan này cũng đã cấp 424 giấy chứng nhận kiểm dịch thông quan cho 358.188,5 tấn gạo nhập khẩu. Và theo quy định, lượng gạo được cấp phép kiểm dịch thông quan nên trên phải được nhập vào Philippines trong vòng 30 ngày kể từ ngày cấp phép.

Như vậy, việc Philippines đạt được thành công bước đầu trong việc đa dạng hóa nguồn cung gạo làm cho gạo của Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh hơn tại thị trường này.

Để gạo Việt Nam chắc chân tại thị trường Philippines, doanh nghiệp xuất khẩu phải đầu tư hình ảnh, nâng cao chất lượng sản phẩm uy tín. Ảnh minh họa

Để gạo Việt Nam chắc chân tại thị trường Philippines, doanh nghiệp xuất khẩu phải đầu tư hình ảnh, nâng cao chất lượng sản phẩm uy tín. Ảnh minh họa

Ông Phùng Văn Thành - Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines khuyến nghị, để gạo Việt Nam chắc chân tại thị trường Philippines các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải có sự chuẩn bị và chiến lược cạnh tranh tốt.

"Trước hết là phải đầu tư hình ảnh, uy tín để tiếp tục duy trì quan hệ với các bạn hàng, đối tác truyền thống lâu năm, mở rộng tìm kiếm các đối tác, nhà nhập khẩu mới" - ông Phùng Văn Thành khuyến nghị và đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa cần phối hợp với Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Philippines triển khai các chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, mặt hàng của Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo.

Ông Nguyễn Anh Sơn - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, năm 2024 cơ hội xuất khẩu cho ngành gạo là rất lớn, song cơ hội luôn song hành cùng thách thức. Trong bối cảnh thị trường thương mại gạo toàn cầu 2024 vẫn nóng và có nhiều biến động, doanh nghiệp gạo phải bám sát thị trường, tổ chức kinh doanh hiệu quả, bền vững.

"Việc nắm bắt nhanh thông tin thị trường sẽ giúp đề ra các giải pháp, kế hoạch cụ thể hỗ trợ phát triển thị trường gạo trong năm 2024" - Cục trưởng Nguyễn Anh Sơn khuyến nghị và nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng.

Tính đến 15/3/2024, gạo là một trong 5 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD của ngành nông nghiệp, khi xuất bán thành công gần 1,6 triệu tấn, mang về 1,06 tỷ USD.

Trong khi quý I năm trước, ngành gạo xuất khẩu gần 1,85 triệu tấn, nhưng trị giá chưa đạt tỷ USD, dừng ở 981 triệu USD.

Rõ ràng, nhờ giá xuất khẩu tăng cao, dù sản lượng gạo bán ra thấp hơn nhưng trị giá thu về từ xuất khẩu đã tăng đáng kể, đồng thời cho thấy hoạt động xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục có nhiều tín hiệu khởi sắc

Khánh An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/gao-viet-nam-tiep-tuc-bi-canh-tranh-tai-thi-truong-xuat-khau-truyen-thong-311428.html