Gập ghềnh con đường phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu thế tất yếu mà bất kỳ các quốc gia nào đều phải thực hiện để giải quyết các vấn đề về khí hậu, môi trường, đồng thời đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội….
Đến thời điểm hiện tại, sự quan tâm tới phát triển kinh tế bền vững không chỉ là cam kết, là trách nhiệm, mà hơn hết là hành động. Tuy nhiên, thế giới đang trải qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine, thiên tai, biến đổi khí hậu… đã khiến kinh tế toàn cầu nói chung và kinh tế bền vững nói riêng đều chậm nhịp.
Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), cũng như mục tiêu Net Zero càng trở thành một thách thức lớn. Đối với Việt Nam, con đường này càng gập ghềnh, khó đi hơn.
Chia sẻ tại hội thảo về phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Trách nhiệm của chúng ta - Hành động của chúng ta”, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư nhận định, Việt Nam là một nước đang phát triển, còn rất nhiều khó khăn nhưng Việt Nam đã đưa ra các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu như các nước phát triển.
Do đó, Việt Nam cần bước đi, lộ trình phù hợp và cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước phát triển, các đối tác về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, xây dựng thể chế, công nghệ, quản trị. Nước ta cũng cần có một cộng đồng doanh nghiệp có nhận thức cao về trách nhiệm và tích cực hành động, cho dù phải đối mặt với những khó khăn, thử thách lớn về tài lực, nhân lực.
Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quốc Phương cho biết, Việt Nam đã, đang và sẽ phải đối mặt với một loạt khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế bền vững. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức như: năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng chưa đáp ứng nhu cầu, phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế chưa tạo thành động lực tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm.
Tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm.
Hay như, quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên và đất đai. Thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.
“Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển, đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển khoa học và công nghệ còn thấp… sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức”, ông Phương nêu rõ.
Tuy nhiên, những phương thức và mô hình phát triển mới như: tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cùng với tiến bộ khoa học và công nghệ đang mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều sự lựa chọn để tăng trưởng nhanh và bền vững.
Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đại diện Bộ kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 6 giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Thứ nhất, Việt Nam cần hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.
Thứ hai, tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thứ ba, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau Covid-19; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế; phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Thứ năm, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Cuối cùng, tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững là công việc của tất cả mọi người.