Gặp gỡ Phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin đầu tiên của Trường ĐH Hải Phòng

Thầy Lê Đắc Nhường được phong PGS Công nghệ thông tin năm 2019, trở thành Phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin đầu tiên của Trường ĐH Hải Phòng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Đắc Nhường (sinh năm 1983) hiện đang giữ chức vụ Trưởng khoa Công nghệ thông tin - Trường Đại học Hải Phòng là một trong những Phó giáo sư trẻ nhất được phong hàm vào thời điểm năm 2019.

Phó giáo sư Lê Đắc Nhường chia sẻ: “Ngày còn học phổ thông, khi xem chương trình “Sự lựa chọn cho tương lai”, cụm từ công nghệ thông tin còn lạ lẫm, tôi đã ước mơ được học ngành này. Dù thời điểm đó, bản thân tôi chưa từng được tiếp xúc với máy tính, nhưng chính niềm đam mê đã hướng cho tôi lựa chọn và theo học ngành này”.

Phó giáo sư Lê Đắc Nhường (bên trái) (Ảnh: NVCC)

Theo đuổi ước mơ, năm 2001 sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, thầy Nhường đăng ký vào ngành Công nghệ thông tin khóa đầu tiên của Trường Đại học Hải Phòng.

Quá trình học tập, sinh viên Lê Đắc Nhường tham gia công tác cán bộ lớp với cương vị là lớp phó học tập. Ngoài giờ học, anh thường xuyên giảng và hướng dẫn các bạn làm bài tập, từ đó đã hình thành tố chất người thầy trong anh.

Năm 2005, khi tốt nghiệp, anh được giữ lại trường công tác. Sau 2 năm làm giảng viên, thầy Nhường theo học Thạc sĩ tại Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; năm 2011 học nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thầy Nhường bảo vệ luận án và nhận bằng Tiến sĩ năm 2015. Đến năm 2019, thầy giáo trẻ được phong hàm Phó giáo sư ngành Công nghệ thông tin.

10 năm trên con đường nghiên cứu, Phó giáo sư Lê Đắc Nhường đã công bố trên 75 bài báo, công trình trên các tạp chí, hội nghị quốc tế uy tín được index trong cơ sở dữ liệu ISI/Scopus.

Thầy Nhường cũng tham gia viết, biên tập và xuất bản 15 sách chuyên khảo, giáo trình của các nhà xuất bản uy tín thế giới như: Wiley, CRC Press Taylor & Francis, Springer.

Thầy Nhường cũng là chủ nhiệm đề tài Nafosted của Quỹ Phát triển khoa học & Công nghệ quốc gia: Nghiên cứu một số thuật toán tối ưu kiểm soát rủi ro, xung đột trong lập lịch dự án phần mềm (102.03 - 2019.10), chủ nhiệm nhiều đề tài cấp cơ sở được ứng dụng trong thực tế.

Đề tài này được Quỹ Nafosted tài trợ khi thầy Nhường mới là Tiến sĩ và mang danh nghĩa của Trường Đại học Hải Phòng - một trường đại học địa phương để đăng ký cùng bao trường đại học lớn khác.

Tham gia đề tài là cơ hội để thầy giáo trẻ truyền cho sinh viên ngọn lửa nhiệt huyết, say mê học tập, là nơi để sinh viên tiếp cận với nghiên cứu khoa học, phát huy tư duy, tố chất.

Phó giáo sư Lê Đắc Nhường (thứ 3 từ trái sang) luôn say sưa với nghiên cứu khoa học (Ảnh: NVCC)

Phó giáo sư Lê Đắc Nhường cho biết: “Động lực khiến tôi gắn bó với nghề là con đường nghiên cứu, tiếp nối những khó khăn, thử thách, thăng trầm trong cuộc sống, trong giảng dạy.

Tôi may mắn và hạnh phúc vì được gắn bó với mái Trường Đại học Hải Phòng suốt 18 năm, trên cả hai cương vị là sinh viên và giảng viên.

Dưới mái trường này, thầy cô đã trang bị, trao truyền cho tôi tri thức, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp và vun đắp, hun đúc cho bản thân tôi biết bao ước mơ, hoài bão.

Để rồi giờ đây, tôi vinh dự được tiếp nối, đồng hành cùng các thầy cô trong việc truyền kiến thức, lửa đam mê cho thế hệ mai sau”.

Ngoài công tác tại trường, thầy Nhường còn tham gia giảng dạy cao học, hướng dẫn thạc sĩ, nghiên cứu sinh cho các trường như Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, Trường Đại học Duy Tân...

Thầy hợp tác cùng các nhóm nghiên cứu ở một vài nước trên thế giới, tham gia ban biên tập, ban chương trình của các hội thảo, tạp chí uy tín như: NAFOSTED Conference on Information and Computer Science (NICS), INDIACom, FICTA, AICI.

Theo Phó giáo sư Lê Đắc Nhường, điều tâm đắc nhất và công thức đem lại sự thành công trong nghiên cứu khoa học là bên cạnh yếu tố về năng lực, động lực và môi trường nghiên cứu thì trong thế giới phẳng, không gian số ngày nay, sự hợp tác sâu rộng với cộng đồng học thuật thế giới, tiếp cận vấn đề mở, tốc độ và tư duy mạnh hơn kinh nghiệm đang trở thành quy luật phổ biến.

Không gian số sẽ xóa nhòa khoảng cách kể cả thời gian, vị trí địa lý trong hợp tác nghiên cứu. Nhưng thách thức lớn nhất vẫn là vượt qua chính mình, vượt qua sự thiếu tự tin khi kết nối hợp tác, tâm lý tự hài lòng của những người nghiên cứu trẻ.

LÃ TIẾN

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gap-go-pho-giao-su-nganh-cong-nghe-thong-tin-dau-tien-cua-truong-dh-hai-phong-post241975.gd