Gặp gỡ, ra mắt hai quyển sách truyền cảm hứng

Tại Khu du lịch biển Sao Mai (TP Tuy Hòa), Chương trình đầu tư sáng tác các tác phẩm sử thi về đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT (Bộ Quốc phòng) vừa tổ chức gặp gỡ ra mắt hồi ký Nhớ và ghi lại của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu Không số, và tập sách Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển của nhiều tác giả. Nhiều tình cảm, chi tiết xúc động đã được chia sẻ trong sự kiện này.

Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL thay mặt tỉnh đón nhận sách do Anh hùng Hồ Đắc Thạnh và Công ty CP Sao Mai trao tặng. Ảnh: YÊN LAN

Đồng chí Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL thay mặt tỉnh đón nhận sách do Anh hùng Hồ Đắc Thạnh và Công ty CP Sao Mai trao tặng. Ảnh: YÊN LAN

Những trang sách truyền cảm hứng

Hồi ký Nhớ và ghi lại của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh và tập sách Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển của nhiều tác giả được Chương trình đầu tư sáng tác các tác phẩm sử thi về đề tài chiến tranh cách mạng và LLVT xuất bản, hướng đến kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và kỷ niệm 60 năm tàu Không số cập bến Vũng Rô (11/1964-11/2024).

Mỗi cuốn sách dày hơn 300 trang, giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát về đường Hồ Chí Minh trên biển - con đường huyền thoại với những chiến công hiển hách được lập nên bởi lực lượng Hải quân và Nhân dân các tỉnh duyên hải - nơi tuyến đường đi qua. Tập sách Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển tập hợp bài viết, bài nghiên cứu của nhiều tác giả về đoàn tàu Không số và Anh hùng Hồ Đắc Thạnh.

Theo nhà văn - đại tá Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, qua những bài viết trong cuốn sách này, người đọc hình dung một cách tổng thể sự hình thành, phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển và những kết quả đạt được, đóng góp vào sự nghiệp thống nhất giang sơn.

Buổi gặp gỡ ra mắt sách có những khoảnh khắc xúc động, liên quan đến hồi ký Nhớ và ghi lại của Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh - một người lính đã bước qua 90 tuổi đời, 70 tuổi Đảng. Trung tá Hồ Đắc Thạnh viết rằng: “Nếu chỉ tính mỗi chuyến đi về 4.000 cây số thì chặng đường con tàu của tôi cộng lại đã vượt quá một lần đi vòng quanh địa cầu - một chu vi đầy hy sinh, chết chóc”.

Thời gian trôi qua, ký ức về những hành trình sinh tử trên biển Đông, kỷ niệm ấm áp về tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân, tình nghĩa vợ chồng, gia đình ùa về, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh muốn cầm bút ghi lại nhưng rồi cứ lần lữa.

“Cho đến một ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính về thăm và thắp hương tại Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Bến tàu Không số Vũng Rô. Thủ tướng bảo với tôi rằng: “Bác phải cố nhớ và ghi lại những gì mà đoàn tàu Không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt tại bến Vũng Rô này. Nếu chậm trễ thì thế hệ con cháu mai sau sẽ không hiểu được thế hệ cha ông các cháu đã đánh giặc giành lại độc lập tự do thống nhất nước nhà như thế nào và lịch sử nước nhà sẽ có một khoảng trống”.

Câu nói đó đã trở thành động lực để tôi nhớ và ghi lại những sự kiện, những kỷ niệm không thể phai mờ trong tôi”, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh chia sẻ tại buổi ra mắt sách.

Chân dung người lính

Theo nhà văn Nguyễn Bình Phương, với cuộc đời Anh hùng Hồ Đắc Thạnh, cuốn hồi ký Nhớ và ghi lại có vẻ hơi ngắn.

“Ngắn nhưng không phải sơ sài, qua quýt. Ngắn ở đây thể hiện sự cô đúc, tinh tế của người viết. Tác giả đã chọn những thời điểm, sự kiện, chi tiết quan trọng nhất để nhớ và ghi lại, không bị sa vào dông dài khiến cho độc giả phân tán hoặc mất thời gian. Độ dài của tác phẩm phần nào cho thấy sự khiêm tốn của tác giả. Và ông rất kiệm lời khi viết về mình. Đấy cũng là một tố chất của người lính”, nhà văn Nguyễn Bình Phương cảm nhận.

Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng sự khiêm tốn của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh còn thể hiện ở phần ông viết về đồng đội, về những thuyền trưởng trong lực lượng Hải quân, về những chuyến đi của tàu Không số. Ông đề cao họ với sự trân trọng của một người lính đối với người lính. Cuốn sách có rất nhiều chi tiết hay, được chọn lọc, thể hiện tâm tư, tình cảm, suy nghĩ của tác giả.

Dù đang điều trị bệnh nhưng ông Ngô Minh Thơ, nguyên chiến sĩ Đại đội K60 bảo vệ bến Vũng Rô vẫn tham dự buổi ra mắt sách và xúc động phát biểu. Ảnh: YÊN LAN

Dù đang điều trị bệnh nhưng ông Ngô Minh Thơ, nguyên chiến sĩ Đại đội K60 bảo vệ bến Vũng Rô vẫn tham dự buổi ra mắt sách và xúc động phát biểu. Ảnh: YÊN LAN

Trong hồi ký, Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhắc đến một người mà ông rất kính trọng: Bí thư Tỉnh ủy Trần Suyền. Nhà văn Nguyễn Bình Phương ấn tượng với chi tiết mà Anh hùng Hồ Đắc Thạnh kể về đồng chí Trần Suyền. Thời điểm đó, đồng chí Trần Suyền cùng người giao liên đã chịu đựng cái đói rất nhiều ngày.

Một hôm, họ bắt được một con rùa nhỏ. Người giao liên hăm hở xin ý kiến thủ trưởng làm thịt con rùa để ăn nhưng ông Trần Suyền lắc đầu, đề nghị thả con rùa trở lại với lý do: ông muốn con rùa ấy sống, sinh sôi nhiều lên để có ích cho những người đi sau.

“Chi tiết ấy tương đương với chi tiết những người lính đi qua các rẫy sắn, nhổ sắn để ăn thì trồng hom sắn cho những người đi sau. Những người lính, khi ra trận, họ biết nhịn đói để tính nước xa hơn rất nhiều. Chúng ta đã kháng chiến không tính ngày, tính tháng mà tính bằng cả thế hệ. Ý chí như thế, trường kỳ như thế, quyết tâm như thế ở những người lính để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thực sự đáng cảm phục!”. Nhà văn Nguyễn Bình Phương phát biểu, cả khán phòng xúc động.

Nhà văn cho rằng cuốn hồi ký của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh có giá trị về văn học, về giáo dục. Riêng về mặt xã hội, quyển hồi ký này còn truyền cảm hứng cho người đọc.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh sinh năm 1934, hiện ở phường 5, TP Tuy Hòa. Ông đã 12 lần chỉ huy tàu C41 vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam, trong đó có 3 chuyến cập bến Vũng Rô. Tàu C41 do trung tá Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, sau này mang số hiệu HQ-671, được trưng bày tại Bảo tàng Hải quân.

Đây là con tàu duy nhất còn lại trong những con tàu đã làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển. Với những chiến công đặc biệt xuất sắc của các thế hệ tàu 41, C41, 641 và sau này là HQ-671 khi làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau đó vận chuyển chi viện xây dựng và đấu tranh bảo vệ chủ quyền các vùng đảo của Việt Nam trên biển Đông, đồng thời thực hiện nghĩa vụ quốc tế, tàu đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày 25/12/2017, tàu HQ-671 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.

Tham dự buổi gặp gỡ ra mắt sách có những người lính từng cầm súng bảo vệ bến Vũng Rô: Thiếu tá Ngô Văn Định, Trưởng ban Liên lạc Bến Vũng Rô - Tàu Không số; thượng úy Tống Trọng Điểm, nguyên Trung đội phó thuộc Đại đội K60 - đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô; trung úy Ngô Minh Thơ, nguyên chiến sĩ Đại đội K60 - đơn vị bảo vệ bến Vũng Rô. Dù đang điều trị bệnh và phải di chuyển bằng xe lăn nhưng ông Ngô Minh Thơ vẫn tham dự buổi ra mắt sách. Ông xúc động chia sẻ về những năm tháng không thể nào quên trong đời lính và đọc một bài thơ vừa sáng tác ngay tại buổi gặp gỡ, trong đó có câu: “... Những ngày xông trận vẫn chưa phai mờ/ Gặp nhau tàu Không số bây giờ/ Chúng ta kỷ niệm vượt bờ tử sinh”.

Tại buổi gặp gỡ ra mắt sách, Công ty CP Sao Mai và Tập đoàn Miền Bắc tặng 500 bản sách hồi ký Nhớ và ghi lại của Anh hùng Hồ Đắc Thạnh và 500 bản sách Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển cho tỉnh Phú Yên, góp phần để hai ấn phẩm có giá trị này thêm lan tỏa.

Qua những bài viết trong cuốn sách, người đọc hình dung một cách tổng thể sự hình thành, phát triển đường Hồ Chí Minh trên biển và những kết quả đạt được, đóng góp vào sự nghiệp thống nhất giang sơn.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam,

Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/317488/gap-go-ra-mat-hai-quyen-sach-truyen-cam-hung.html