Gặp khó trong thu mua lúa, doanh nghiệp xuất khẩu gạo kiến nghị gì?
Do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lệnh cấm xuất khẩu gạo ngày 20/7/2023 của Ấn Độ, tiếp theo là lệnh dừng xuất khẩu gạo của một số nước khiến nhu cầu cho mặt hàng lương thực thiết yếu này khan hiếm, đẩy giá gạo tăng mạnh so với thời điểm trước, đã tác động lớn đến thị trường thương mại gạo thế giới.
Theo đánh giá của VFA, nhìn chung Việt Nam đã tận dụng cơ hội khai thác thị trường, nâng cao hiệu quả cho nông dân trồng lúa. Cụ thể, từ ngày 1 – 15/8/2023, xuất khẩu gạo đạt 456.768 tấn, trị giá 155 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8, xuất khẩu đạt sản lượng 5,35 triệu tấn và trị giá gần 2,9 tỉ USD; tăng 22% về số lượng và 35% về giá trị.
Tuy nhiên bên cạnh cơ hội, VFA cho biết quá trình thực hiện các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thời gian qua của Việt Nam gặp một số khó khăn.
Nêu cụ thể những khó khăn này, theo đại diện của VFA, do giá cả biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái (hàng xáo), đến nhà máy xay xát chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn nhất là vốn lưu động và hạn mức tín dụng thấp.
Đối với vấn đề này, VFA đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hội viên cố gắng đảm bảo thực hiện các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết nhằm ổn định, giữ vững thị trường, song song đàm phán với đối tác giãn tiến độ giao hàng để giảm thiểu các thiệt hại do biến động giá. Đối với hợp đồng mới phải đảm bảo có chân hàng trước khi ký; trường hợp chưa có hợp đồng nên hạn chế số lượng mua vào tránh biến động, xáo trộn giá trong nước.
Đối với thương mại gạo sắp tới, VFA nhận định sẽ có nhiều biến động, rủi ro do chính sách xuất nhập khẩu gạo của một số nước, diễn biến bất thường của khí hậu thời tiết và vấn đề an ninh lương thực quốc gia được đưa lên hàng đầu.
Để ứng phó với những diễn biến khó lường của thị trường, VFA đề xuất bổ sung quy định cụ thể cơ chế báo cáo và phân công một số cơ quan quản lý về tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo, lúa hàng hóa tồn kho của các thương nhân theo Nghị định 107. Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109 và Nghị định 107.
“Hiện tại, có trên 200 thương nhân được Bộ Công Thương cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP, mặc dù đã có quy định cụ thể nhưng đa số các thương nhân chưa thực hiện đúng chế độ báo cáo, đặc biệt là tình hình ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và hàng tồn kho ở từng thời điểm. Việc này ảnh hưởng đến công tác tổng hợp, không kịp thời có số liệu báo cáo phục vụ cho công tác điều hành vĩ mô do thiếu dữ liệu thông tin”- VFA thông tin.
Đối với vấn đề vốn tín dụng, VFA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét có các cơ chế hỗ trợ về vốn cho các thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, đảm bảo nguồn tồn kho dự trữ lưu thông.
Ngoài ra, để góp phần đảm bảo chất lượng lúa gạo đầu ra đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước, Hiệp hội khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cơ chế quản lý chặt chẽ đối với vật tư nông nghiệp đầu vào. Đây là điều kiện quan trọng để xây dựng thành công thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường gạo thế giới, qua đó góp phần thực hiện được mục tiêu nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững.