Gặp người viết 'Bài ca Hồ Chí Minh'
Có một bài hát ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh mà nhan đề có thể ít người đọc đúng, lời có thể nhiều người hát sai và tên tác giả có thể không nhiều người biết. Đó là bài hát 'Bài ca Hồ Chí Minh' được nhạc sĩ Phú Ân đặt lời Việt năm 1967 từ ca khúc nổi tiếng 'The Ballad of Ho Chi Minh' của nhạc sĩ, chiến sĩ đấu tranh cho hòa bình người Anh, Ewan MacColl (1915-1989).
Và điệp khúc "Hồ, Hố, Hồ Chí Minh" là đoạn kết của "Bài ca Hồ Chí Minh", tuy nhiên nhiều người lại tưởng nó chính là tên của bài hát này.
Mỗi dịp tháng 5 sinh nhật Người, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng lại ca vang bài hát đặt lời Việt "Bài ca Hồ Chí Minh" của nhạc sĩ Phú Ân với những ca từ mở đầu: "Miền biển Đông, xa tắp nơi chân trời/ Người dân ở đó lầm than đói nghèo/ Từ đau thương Người đi khắp năm châu/ Lòng tin mặt trời chân lý sáng soi/ Rọi chiếu tới dân mình…". Đó là bài hát với ca từ dễ hiểu, dễ thuộc và dễ đi vào lòng người, đặc biệt điệp khúc "Hồ, Hố, Hồ Chí Minh" ấn tượng với nhiều người. Người nghe như cảm tưởng tác giả đang kể về công cuộc tìm đường cứu nước và tiến đến giải phóng dân tộc của Bác Hồ kính yêu bằng âm nhạc.
Tuy nhiên điều đặc biệt ở bài hát này là mặc dù ca ngợi Bác Hồ nhưng không mang tính hô hào, tôn vinh quá mức mà sâu xa là ca ngợi đất nước, dân tộc và nhân dân Việt Nam anh hùng. Bài hát cũng chính là "đơn đặt hàng" mà ca sĩ Quang Hưng gửi gắm ông khi ca sĩ được biết đến ca khúc "The Ballad of Ho Chi Minh" trong lần biểu diễn tại Đại hội Liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh, tại Thủ đô La Habana (Cuba). Có thể nói bài hát đã được Phú Ân viết bằng một tình yêu, sự cảm kích cùng lòng ngưỡng mộ lớn lao với Bác Hồ.
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, bài hát vẫn vang lên đầy tự hào thế nhưng xung quanh bài hát này lại có nhiều câu chuyện rắc rối. Ấy là trong một số chương trình nghệ thuật lớn, nhiều ca sĩ tên tuổi thường hát sai lời, thậm chí có chương trình tên tác giả cũng bị "lờ đi". Chia sẻ về chuyện này, nhạc sĩ Phú Ân nhắn nhủ: "Tên của tôi có thể không quan trọng nhưng chỉ mong ca sĩ nào sử dụng phần lời Việt do tôi viết thì hãy nên hát cho đúng".
Theo ông, cho đến nay chỉ có hai ca sĩ hát đúng lời là cố Nghệ sĩ Ưu tú Quang Hưng và Nghệ sĩ Nhân dân Thái Bảo. Cũng chính từ sự "nhập nhằng" này mà nhiều năm trước có một ấn phẩm tập hợp các ca khúc viết về Bác do NXB Hội Nhà văn ấn hành khi đang ở khâu chuẩn bị in đã phải dừng lại bởi ca từ không chính xác và không có tên tác giả phần lời.
Năm nay nhạc sĩ Phú Ân vừa tròn 80 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, thế nhưng sức khỏe, sự minh mẫn, dẻo dai cùng tâm hồn sáng tác trong ông thì vẫn rất dồi dào, nồng cháy. Là người am hiểu, nhanh nhẹn bắt kịp xu thế thời đại, ông thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội để giao lưu, gặp gỡ bạn bè cũng như tìm hiểu đời sống âm nhạc đương đại để sáng tác không bị hụt hơi trước nhu cầu công chúng cũng như xu hướng âm nhạc ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Gần đây, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ khi thấy trên Facebook cá nhân, Phú Ân gảy đàn ghi ta và say sưa hát bản tình ca mới toanh của mình - "Cảm xúc hoa hồng".
Khi nhiều người thắc mắc việc "ông cụ" 80 tuổi vẫn lãng mạn, bay bổng như vậy thì ông bảo, tình yêu là sức mạnh muôn thuở, dẫu buồn hay vui. Ông bảo "Tôi nghĩ những điều thực sự sâu xa trong tình yêu thương chân thành thường hay gặp những khúc mắc nhưng thẳm sâu tình yêu thương ấy đã là sự thấu hiểu để mỗi lúc xa cách họ ngẫm về mình. Nó như thể là nguồn năng lượng muôn thuở trong cuộc sống, an ủi động viên mình vượt qua mọi điều".
Phú Ân là người khá bình dị, chân chất và dễ gần. Bất kể ai đến với ông đều được nhạc sĩ đón tiếp nồng hậu, nhiệt thành và cởi mở. Được nhiều bạn bè đồng nghiệp quý mến, Phú Ân luôn coi đó là phần thưởng lớn mà cuộc đời dành cho mình. Từng là nhạc công có tên tuổi trong Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, thế nhưng ông chọn cho mình lối sống giản dị, không bon chen, xô bồ.
Có lẽ vì thế mà khi đã nghỉ hưu, ông chuyển về định cư tại căn nhà tĩnh lặng, yên bình cạnh bờ đê sông Hồng, mạn thuộc quận Long Biên. Ngày ngày, ông vẫn không thôi đánh đàn, ca hát và day dứt về những lời ca, giai điệu đang được thai nghén, ấp ủ, chỉ chờ có dịp để bùng cháy.
Là anh trai của nhạc sĩ Phú Quang, thế nhưng Phú Ân lại rất ít xuất hiện trước truyền thông bởi ông cho rằng, trong nhà đã có người em trainổi tiếng là quá đủ rồi. Ông cũng chưa khi nào có ý định dựa hơi vào sự nổi tiếng của em, bởi ông cho rằng nếu mình không đủ lực để "cháy", mà phải nhờ người khác thổi hộ lên thì cũng chỉ lóe lên thứ ánh sáng yếu ớt rồi tắt, chẳng ai thổi mình sáng mãi được.
Tuy vậy, nhiều người sống ở thập niên 60, 70 của thế kỷ trước đều biết Phú Ân như một "tay chơi" Hà thành chính hiệu. Đó là vào dịp Noel năm 1962, trong đám cưới của mình tại một khách sạn trên phố Bà Triệu, ông đã ôm đàn hát tặng cô dâu ca khúc "Hẹn ước" do ông tự sáng tác. Không chỉ vậy, nhiều người còn biết thời trẻ ngoài tài năng, ông còn có vẻ ngoài điển trai, phong cách, lịch lãm đã khiến biết bao trái tim phụ nữ phải thổn thức.
Thế nhưng, ông luôn biết cách để giữ êm ấm hạnh phúc gia đình. Khi kể lại câu chuyện này, gương mặt ông lại toát lên niềm hạnh phúc. Ông nói: "Tôi vô cùng biết ơn người bạn đời của mình bởi bà ấy luôn ở bên động viên, chia sẻ, thấu hiểu và đồng cảm với tâm hồn của người nghệ sĩ".
Ngoài đặt lời Việt cho "Bài ca Hồ Chí Minh", nhạc sĩ Phú Ân còn sáng tác nhiều ca khúc được Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam phát trên sóng, được đông đảo khán, thính giả yêu thích như: "Em là sông Thương", "Dòng sông bên lở bên bồi", "Muôn thuở ta tìm em"… Một số ca khúc của ông được các Đoàn chọn làm tiết mục biểu diễn và đã đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc trong các liên hoan âm nhạc như: "Vầng trăng lặng lẽ" (Đoàn Văn công Bộ đội Biên phòng), "Em gái Đồng Đăng" (Đoàn Nghệ thuật Lạng Sơn), "Ta tự hào là Cảnh sát nhân dân Thái Nguyên", "Vì mặt đường bình yên" (Đoàn Văn nghệ Sở Công an Thái Nguyên)…
Là người sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc lại được người anh trai Phú Đắc vốn là một bác sĩ kiêm nhạc công dạy dỗ, bảo ban nên ông đã có nhiều thuận lợi khi bước chân vào con đường nghệ thuật. Vào học khóa 2, Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) trong khi đất nước còn chiến tranh, miền Bắc mới được giải phóng nên sinh viên âm nhạc thường học "chay" mà chưa có nhạc cụ để thực hành. Mãi đến năm học cuối, ông mới tìm ra bộ môn phù hợp với sở thích của mình cũng như điều kiện của nhà trường, đó là kèn Tuba.
Dù thời gian tiếp cận với loại kèn này không nhiều nhưng với sự sáng dạ, thông minh của mình, ông đã được đánh giá là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa. Về công tác tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, ông bắt đầu cuộc đời nhiệt huyết, đam mê với những chuyến lưu diễn ở trong và ngoài nước những mong mang được dòng nhạc bác học này đến gần hơn với đông đảo công chúng.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/gap-nguoi-viet-bai-ca-ho-chi-minh-594896/