Gặp những điển hình tiên tiến
Vì công việc, tôi có dịp đi đến nhiều địa phương trong tỉnh. Được gặp gỡ, chuyện trò với những nhân vật được được cộng đồng tôn vinh là điển hình trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Cá nhân tôi cảm nhận, bằng những suy nghĩ, việc làm sáng tạo của mình, họ đã và đang hăng hái góp sức 'truyền lửa' cho cộng đồng.
Người đầu tiên tôi muốn kể đến là cô gái trẻ Trịnh Thị Thanh Hòa, người có đôi mắt sáng, dáng cao và ánh nhìn thân thiện. Công tác ở UBND huyện Đà Bắc, Thanh Hòa thường xuyên có mặt ở các xã để khảo sát, tham mưu cho huyện, xã định hướng cho nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao mức sống. Qua những chuyến "nằm vùng” ở cơ sở xã, rồi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm ăn ở các tỉnh bạn, năm 2016, Thanh Hòa mạnh dạn xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cây sachi trên địa bàn huyện Đà Bắc. Đề án được thông qua, Thanh Hòa đi đến từng xóm, xã vận động người dân và kết nối với doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện. Tháng 7/2017, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Bình mà Thanh Hòa là thành viên Ban quản trị đã đưa cây sachi về trồng thử nghiệm tại 6 xã của huyện Đà Bắc. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, được bao tiêu sản phẩm, người trồng sachi có thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ha/năm. Từ 15 ha ban đầu, đến nay, diện tích trồng sachi ở Đà Bắc đã tăng lên 80ha. Hiện tại, một số hộ dân ở các xã Tân Pheo, Giáp đắt, Mường Chiềng đã đăng ký tham gia Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu sachi với khoảng 40 ha vào đầu năm 2020. Tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân, đó là cái đích mà cô gái trẻ Trịnh Thị Thanh Hòa hướng đến. Những nỗ lực của cô đã được đền đáp khi Chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu trồng và sản xuất các sản phẩm của cây sachi theo tiêu chuẩn VietGAP ứng phó với biến đổi khí hậu tại huyện Đà Bắc của Thanh Hòa và những người cộng sự đã xuất sắc giành giải nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo phụ nữ Hòa Bình lần thứ nhất, năm 2019" và lọt vào vòng chung kết cuộc thi "Dự án khởi nghiệp, sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019" do Trung ương Đoàn tổ chức. Với những thành công bước đầu đó, Thanh Hòa đang tiếp tục hiện thực hóa mục tiêu tận dụng, chuyển đổi đất đồi hoang hóa sang trồng cây sachi, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, chống xói mòn, rửa trôi đất, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu. Thiết thực nhất là góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 400 - 500 lao động, chủ yếu là phụ nữ người dân tộc thiểu số ở địa phương.
Người đẹp xứ Mường 2019 Nguyễn Hàm Hương và các thành viên CLB thiện nguyện Áo xanh - TP Hòa Bình trao tặng những suất cơm nghĩa tình cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Đôi lần cùng CLB thiện nguyện Áo xanh - thành phố Hòa Bình đi thăm hỏi và tặng quà giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội, tôi thầm nghĩ họ thật đáng trân trọng. Bởi trong số 150 thành viên của CLB không phải ai cũng an nhàn, khá giả. Có người bán hàng rau ở chợ, người chạy xe ôm, người làm nghề mổ gà, vịt thuê… một vài người còn chưa có nhà để ở (phải ở nhà thuê), nhưng họ vẫn tích cực gom góp để sẻ chia. Chị Nguyễn Bạch Tuyết, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Xuất phát từ tinh thần tương thân, tương ái, cuối năm 2015, một nhóm chị em tựu lại thành lập CLB thiện nguyện lấy tên là CLB thiện nguyện Áo xanh. Ban đầu, CLB chỉ có 5 thành viên ở khu vực TP Hòa Bình. Mỗi thành viên đóng góp 100.000 đồng/tháng và tự đi chợ, nấu cơm tặng cho các bệnh nhân nghèo. Cảm động trước những việc làm tình nghĩa đó, hơn 3 năm qua đã có thêm nhiều người đăng ký tham gia CLB để được chung sức sẻ chia. Đến nay, CLB đã có 150 thành viên cứng, ngoài ra còn có một số nhà hảo tâm khác tích cực đóng góp tiền, nhu yếu phẩm để ủng hộ, giúp đỡ những người yếu thế. Có nguồn kinh phí ổn định, CLB duy trì việc nấu tặng 150 suất cơm/tuần cho các bệnh nhân và người nhà có hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa TP Hòa Bình, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Bên cạnh đó, các thành viên CLB còn tích cực tham gia tổ chức Tết Trung thu cho trẻ em nghèo, tặng quà cho các các học sinh nghèo vượt khó ở khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Theo đó, CLB đã ủng hộ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho trường mầm non Sủ Ngòi (TP Hòa Bình), lên xóm Nhạp, xã Đồng Chum (Đà Bắc), xã Phúc Sạn, huyện vùng cao Mai Châu… để giúp đỡ những người dân gặp khó khăn, hoạn nạn do thiên tai.
Gặp chị Đặng Thị Thu, chủ vườn cam ở khu 2, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), rồi nghe đại diện chính quyền, đoàn thể ở khu dân cư và bà con lối xóm kể, cảm nhận chị là người có "trái tim rất nồng ấm". Vốn là người phụ nữ vất vả: Chồng mất sớm, một tay chị phải chăm lo gánh vác gia đình. Năm 2007, chị bắt đầu trồng cam để tăng thu nhập cho gia đình. Qua học hỏi, tìm tòi cách trồng, chăm sóc, chị mạnh dạn mở mang diện tích và nhiều năm thắng lớn. Đến nay, chị Thu đang sở hữu 6 ha cam được trồng, thâm canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Mấy năm gần đây, gia đình chị cho nguồn thu nhập ổn định khoảng 5 tỷ đồng/năm từ trồng cam. Mở rộng quy mô sản xuất, chị thu đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Vốn xuất thân từ nghèo khó, nên trong cuộc sống, chị luôn sẻ chia, giúp đỡ bà con nghèo ổn định cuộc sống. Chăm lo cho người lao động như người thân của mình, chị đã giữ họ gắn bó lâu dài. Là một trong những "tỷ phú" tốp đầu ở thị trấn Cao Phong, hàng năm, chị tham gia nhiều đợt tặng quà, hỗ trợ gia đình chính sách, gia đình khó khăn cả về vật chất và tinh thần. Từ sự giúp đỡ nhiệt thành của chị, nhiều gia đình tại các xã Thu Phong, Xuân Phong, Đông Phong thoát nghèo, cải thiện cuộc sống. Trong 6 năm (từ 2014 đến nay), chị Thu liên tục được Trung ương tôn vinh là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Đặc biệt là dấu mốc năm 2016, chị được vinh danh là nông dân Việt Nam xuất sắc, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Với những việc chị đã làm cho gia đình, cộng đồng, năm 2019, chị Thu đã được tôn vinh là cá nhân tiêu biểu trong học tập, làm theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ba năm trở lại đây, có một cái tên gây "sốt" trong lực lượng đoàn viên, thanh niên huyện Lương Sơn đó là ông chủ thương hiệu "Chuối Viba” Trần Trung Đức. Sinh ra từ làng (xã Tân Thành, huyện Lương Sơn), từng trải qua 4 năm "giá áo, túi cơm" theo học đại học, nhưng khi có tấm bằng trong tay rồi, Đức lại lặng lẽ cất giữ cho "đẹp" hồ sơ, rồi tự bươn chải ra thương trường để lập nghiệp. Trồng chuối - đó là bước đường khởi nghiệp của Đức. Khác người ở chỗ bằng kiến thức, am hiểu về KH-KT và thương trường, Đức trồng chuối theo cách nuôi cấy mô trên quy mô lớn. Hiện, chàng trai 28 tuổi đã có 4 ha chuối với hơn 1 vạn cây chuối tiêu hồng, chuối Thái Lan cùng xưởng sơ chế, dấm chuối bằng công nghệ hiện đại. Đặc biệt, mỗi ngày, xưởng chuối cung cấp cho thị trường khoảng 5 tấn chuối chín thành phẩm. Khi đã xây dựng, bảo vệ thành công thương hiệu "Chuối Viba" là viết tắt của cụm từ VietNamBanana (chuối Việt Nam), Đức tiếp tục nhen lên ý tưởng đưa chuối Việt Nam ra với thế giới. Vì vậy, hiện, Đức đã liên kết với nông dân mở rộng trên 10 ha chuối tại huyện Lương Sơn và Chương Mỹ, Phú Xuyên (Hà Nội). Năm 2017, Đức đã hỗ trợ 200 triệu đồng tiền giống miễn phí cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn phát triển trồng chuối cấy mô, còn những hộ có điều kiện kinh tế ổn định, Đức hỗ trợ bằng cách cho vay (nợ tiền giống) và sẽ trả đến khi thu hoạch sản phẩm. Đến nay, mô hình trồng, sản xuất, chế biến chuối của Đức giải quyết việc làm ổn định cho trên, dưới 20 lao động với thu nhập đạt từ 4 - 6 triệu đồng/người/tháng. Với cách suy nghĩ, cách làm có vẻ "khác người", nhưng thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, Trần Trung Đức đã trở thành người truyền cảm hứng cho nam, nữ thanh niên cùng trang lứa.
Một năm nhìn, tôi thấy mình thật may mắn vì đã được đi, được gặp, được biết những gương mặt điển hình trong số gần 30 gương mặt tiêu biểu có những cách làm hay, hiệu quả trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội đã được Ban Thi đua khen thưởng tỉnh thẩm định, đề nghị khen tặng và nhân rộng mô hình, điển hình trong năm 2019. Có thể thấy, bằng những lời nói, việc làm cụ thể giúp đỡ cho nhiều người trong xã hội, họ xứng đáng được gọi tên: Những người "truyền lửa” cho cộng đồng.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/137521/gap-nhung-dien-hinh-tien-tien.htm