Gấp rút giải tỏa điểm nghẽn cho logistic Việt Nam
Là ngành tiềm năng, gà để trứng vàng nhưng logistics Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn liên quan cơ chế, chính sách; hạ tầng giao thông; nhân lực, kỹ thuật công nghệ… cần được sớm giải tỏa.
Ngày 5-10, Hội nghị Logistic 2023 với chủ đề Logistic Việt Nam, con đường phía trước" do Báo Đầu tư tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã đặt ra những cơ hội, thách thức cho ngành logistic Việt Nam.
Theo tin tại hội nghị cho thấy năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỉ USD/năm.
Những dự báo từ các tổ chức quốc tế cho thấy tiềm năng của logistics tại Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành "gà đẻ trứng vàng" cho các chủ đầu tư có tầm nhìn và tiềm lực mạnh.
Theo PwC, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu châu Á về đầu tư cơ sở hạ tầng và đang chi khoảng 5,7% GDP cho lĩnh vực này…
Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng, với khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước, khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết có đến 34.000 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực liên quan nhưng đa phần là vừa và nhỏ trong nước, chưa vươn tầm ra thế giới.
Ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành, Công ty Zim Intergrated Shipping, cho rằng có 3 lĩnh vực mà ngành logistic Việt Nam hệ hệ mới cần làm ngay đó là chuyên biệt hóa kho xưởng, đơn giản hóa các kho xưởng lại, đừng làm quá nhiều kho ở khắp nơi và kho tổng hợp chung chung mà chỉ làm một thứ cho thật tốt.
Tiếp theo là phải bền vững và xanh hóa, nhanh chóng sử dụng năng lượng mặt trời cho các kho xưởng, chỉ giảm chi phí. Chỉ dấu carbon trong hoạt động xuất khẩu đang là cấp bách, quan trọng và là lĩnh vực ưu tiên.
Về kỹ thuật số, chưa nói gì xa xôi đến AI (trí tuệ nhân tạo) mà DN Việt Nam nên tập trung tư duy toàn cầu, nhanh chóng tích hợp, áp dụng các phần mềm, điện toán đám mây chứ không phải chỉ dùng Excel.
Cho rằng điểm nghẽn cho logistic Việt Nam còn nhiều, bà Phạm Thị Bích Huệ, Nhà sáng lập, Chủ tịch Công ty Western Pacific chỉ rõ điểm nghẽn lớn nhất là hạ tầng, với việc thiếu quy hoạch từ địa phương, vùng miền đã làm chi phí tăng lên, giảm năng lực cạnh tranh.
Cộng đồng logistics Việt Nam nếu không ngồi lại lại với nhau để tìm cách thì "miếng bánh" ngon, rất "hot" này sẽ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài và DN logistic Việt Nam bị thua ngay trên sân nhà, bởi 5 năm gần đây các tổ chức nước ngoài đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội rất nhiều. Họ đã sở hữu hạ tầng với số m2 có khi bằng của các doanh nghiệp trong nước cộng lại.
“Chính phủ, bộ ngành, hiệp hội cần đánh giá tầm quan trọng của ngành logistic để thúc đẩy ngành phát triển. DN phải bỏ tư duy manh mún, cạnh tranh nhau mà phải tập trung nội lực, để đón "hồng hạc" bay tới, nếu không chúng ta không còn cơ hội mà có khi phụ thuộc ngược lại nước ngoài"- bà Huệ nhìn nhận.