Vải thiều bội thu

Hiện các vùng trồng vải thiều trên cả nước đã bước vào giai đoạn cao điểm thu hoạch. Dự kiến, tổng sản lượng trên cả nước năm 2025 đạt hơn 303.000 tấn, cùng với số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh...

Tuyển chọn vải thiều xuất khẩu

Tuyển chọn vải thiều xuất khẩu

Vải thiều được trồng tập trung chủ yếu tại các tỉnh miền Bắc, gồm Bắc Giang với 29.700 hecta; Hải Dương 8.800 hecta; Hưng Yên hơn 1.300 hecta; Lạng Sơn 1.400 hecta; Quảng Ninh hơn 1.300 hecta; Sơn La 315 hecta và rải rác ở một số tỉnh Tây Nguyên…

Theo thông tin từ Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), niên vụ vải năm 2025 bội thu với thời tiết thuận lợi suốt quá trình sinh trưởng và kiểm soát sâu bệnh hiệu quả đối với cây vải, giúp tổng sản lượng thu hoạch của cả nước đạt trên 303.000 tấn, tăng 30% so với năm 2024.

Về thị trường, sẽ có khoảng 60% sản lượng trái vải được tiêu thụ nội địa tại các chợ đầu mối trong những thành phố lớn, và các tập đoàn có hệ thống bán lẻ rộng khắp cả nước.

Khoảng 40% sản lượng phục vụ xuất khẩu, trong đó Trung quốc vẫn là thị trường trọng yếu, chiếm đến 90% sản lượng xuất khẩu. 10% còn lại là thị trường tại khoảng 20 quốc gia trên thế giới.

Hiện đã có 469 mã số vùng trồng vải với tổng diện tích hơn 19.300 hecta và 55 mã số cơ sở đóng gói trái vải đi các thị trường Trung Quốc, Úc, Thái Lan, Nhật Bản, Hoa Kỳ được cấp cho các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Đắk Lắk và Quảng Ninh.

Các vùng trồng, cơ sở đóng gói này đều được giảm sát thường xuyên và đã hoàn tất thủ tục đăng ký sử dụng, sẵn sàng xuất khẩu cho niên vụ 2025. Đáng chú ý, từ vụ vải 2025, Nhật Bản đã ủy quyền cho Việt Nam tự giám sát quá trình xử lý, thay vì cử chuyên gia sang trực tiếp,

Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết các địa phương có sản lượng lớn như Bắc Giang, Hải Dương, Đắk Lắk… đều đã có kế hoạch thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vải tươi.

Tại Bắc Giang, “thủ phủ” vải thiều của Việt Nam, diện tích trồng vải hiện khoảng 29.700ha, với sản lượng năm 2025 ước tính đạt trên 150.000 tấn. Trong đó, vải chín sớm đạt khoảng 60.000 tấn; vải chính vụ dự kiến đạt hơn 90.000 tấn.

Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang La Văn Nam cho biết tỉnh đã chủ động kết nối tiêu thụ vải ngay từ đầu vụ với các hệ thống phân phối lớn trong nước như Tập đoàn Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, Saigon Co.op (Co.opmart), WinCommerce (WinMart), cùng các chợ đầu mối tại các tỉnh, các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, Youtube…

Về xuất khẩu, ngoài Trung Quốc là thị trường truyền thống, Bắc Giang cũng đã và đang đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, UAE, Singapore, Trung Đông, Thái Lan và Canada… bao gồm cả vải tươi và vải chế biến.

Đáng chú ý, tỉnh đã đề xuất và được Hoa Kỳ chấp thuận bổ sung ba mã số vùng trồng tại xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên với diện tích 30ha, có hiệu lực từ ngày 20/3/2025.

Tại huyện Thanh Hà (Hải Dương), hiện có gần 3.300 ha trồng vải, dự kiến thu hoạch vải chín sớm khoảng 20.000 tấn, tăng gấp đôi năm 2024, tổng sản lượng cả vụ đạt 35.000 tấn.

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, về thị trường nội địa, tỉnh đã và đang đẩy mạnh hỗ trợ nông dân, sử dụng ứng dụng thương mại điện tử để đưa nông sản, sản phẩm vải thiều lên các sàn giao dịch trực tuyến như Shopee, Lazada, Postmart…

Cùng với đó, hiện Hài Dương đã có 167 mã số vùng trồng xuất khẩu, xuất sang Trung Quốc, Mỹ, Úc, Thái Lan, Nhật Bản, mỗi nước lại có những yêu cầu khác nhau về mẫu mã, độ ngọt, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, và hiện tại đơn đặt hàng đã tăng rất nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tại Đắk Lắk, vải được trồng tập trung ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc, M’đrắk… với tổng diện tích khoảng 3.264 ha, trong đó 2.046 ha đang cho thu hoạch, ước tổng sản lượng ước đạt gần 21.180 tấn.

Năm 2024, giá vải đầu vụ đạt khoảng từ 40.000 - 45.000 đồng/kg, năm nay đã được tăng lên, dao động từ 55.000 - 62.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, người trồng vải có thể thu lãi khoảng 300 triệu đồng mỗi ha. Cùng với đó trái vải của Đắk Lắk đã từng bước vượt khỏi thị trường truyền thống ở các tỉnh phía Nam và xuất ngoại sang Nhật Bản, Trung Quốc, Campuchia…

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sự chuẩn bị kĩ lưỡng từ vùng trồng, chủ động kết nối thị trường sẽ tạo đà thuận lợi cho niên vụ vải thiều 2025 không chỉ là mùa bội thu về sản lượng, mà còn đánh dấu bước tiến quan trọng trong quá trình chuyên nghiệp hóa ngành hàng, chuẩn hóa chất lượng và nâng cao vị thế trái cây Việt trên thị trường quốc tế.

Trương Quốc Cường

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/vai-thieu-boi-thu.htm