Gấp rút thi công đảm bảo thông xe 14,7km Vành đai 3 TP.HCM cuối năm 2025
Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu, cuối năm nay dự án đường Vành đai 3 TP.HCM phải hoàn thành, thông xe 14,7km ở phía Đông; hơn 32km còn lại sẽ thông xe kỹ thuật.
Chiều 15/5, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được có buổi khảo sát tiến độ các dự án trọng điểm trên địa bàn TP. Đó là các dự án Vành đai 3 TP.HCM, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và dự án đường Nguyễn Văn Linh nối dài - trục động lực Đức Hòa, quốc lộ 1A.

Dự án Vành đai 3 TP.HCM có tổng tiến độ đạt khoảng 35%. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Báo cáo với lãnh đạo UBND TP, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biết, đơn vị đang tập trung thi công để đảm bảo mục tiêu thông xe 14,7km thuộc dự án đường Vành đai 3, đoạn đấu nối vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, vào cuối năm 2025.
Đối với 32,8km thuộc gói thầu 5, 6, 7, 8, 9, 10 cũng sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 31/12 và thông xe chính thức vào tháng 6/2026. Hiện nay, tổng sản lượng các gói thầu đạt 35%, trong đó, gói thầu số 8 và 10 chỉ đạt 24% và 25% sản lượng.
Ông Phúc cho biết, để đảm bảo tiến độ như kế hoạch đề ra, đơn vị đã có những điều chỉnh về mặt kỹ thuật, như tăng độ cao gia tải và tận dụng lớp khối đá tại các khu vực xử lý nền đất yếu. Quá trình gia tải thực hiện từ nay đến tháng 11.

Toàn cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo UBND TP với Ban Giao thông. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Đối với việc chậm tiến độ, ông Phúc cho biết, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ phía nhà thầu. Các chi phí phát sinh do chậm trễ sẽ do nhà thầu chịu, không ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư của dự án. Tuy nhiên, Ban Giao thông cũng đã áp dụng các biện pháp xử lý nhà thầu chậm tiến độ theo cấp độ 1 (phạt) và 2 (điều chuyển). Nếu tình trạng chậm trễ tiếp tục, các biện pháp mạnh hơn như chấm dứt hợp đồng (cấp độ 3) và thống kê, cấm thầu trên địa bàn TP.HCM (cấp độ 4) sẽ được triển khai.
Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là đảm bảo nguồn cung vật liệu cát cho dự án. Để giải quyết vấn đề này, ông Phúc đề nghị TP.HCM tạo "luồng xanh" cho sà lan cát phục vụ Vành đai 3 và cấp phép lại các bến cát trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Hiện nay, dự án cần phải mang 3,5 triệu m3 cát về phía Tây, đặc biệt cần 2 triệu m3 trong 4 tháng cao điểm 5, 6, 7, 8. Đây là thách thức lớn nhất của dự án trong thời gian tới, bởi nếu đưa đủ số cát về sẽ đảm bảo được tiến độ. Bên cạnh nguồn cát từ miền Tây, dự án cũng phải mua thêm cát từ Campuchia.

Vật liệu cát cho dự án Vành đai 3 vẫn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Mỹ Quỳnh
Bên cạnh đó, các nhà thầu chưa chủ động mua cát ngoài các mỏ chỉ định vì giá cao. Trong khi đó, các địa phương như Tiền Giang, Vĩnh Long khá chậm trễ trong việc thực hiện thủ tục khai thác cát. Đến tháng 5 này, hai mỏ cát ở Vĩnh Long mới bắt đầu khai thác ổn định và có thể cung cấp cho dự án.
Tại buổi khảo sát dự án, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Được đã bày tỏ sự quan tâm đến tiến độ chung, đặc biệt là việc vận chuyển cát đến công trường vẫn chưa có nhiều chuyển biến. Ông đề nghị các đơn vị liên quan cần làm rõ nguyên nhân của tình hình này.
Về công tác khai thác cát, Chủ tịch UBND TP đề nghị các đơn vị chủ động, phối hợp chặt chẽ và quyết liệt với các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre để thúc đẩy, tăng cường sản lượng khai thác, đảm bảo nguồn cung ổn định cho dự án.
Đối với hoạt động vận chuyển cát, Chủ tịch UBND TP sẽ chủ động làm việc với các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thuận lợi nhất để quá trình này diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Về tiến độ, ông Được yêu cầu Ban Giao thông thi công đảm bảo thông xe 14,7km ở TP Thủ Đức, song song đó là thông xe kỹ thuật 32,8km thuộc gói thầu 5, 6, 7, 8, 9, 10.