Gặp sự cố nghiêm trọng liên tục, sàn chứng khoán chỉ thông báo và hết trách nhiệm
Hệ thống giao dịch chứng khoán bị gián đoạn là vấn đề nghiêm trọng, gây ra những bất tiện và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc quy trách nhiệm và xác định nguyên nhân để khắc phục được cơ quan quản lý ở các nước hết sức coi trọng.
Hệ thống giao dịch chứng khoán bị gián đoạn là vấn đề nghiêm trọng, gây ra những bất tiện và thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. Vì vậy, việc quy trách nhiệm và xác định nguyên nhân để khắc phục được cơ quan quản lý ở các nước hết sức coi trọng.
Việc xảy ra lỗi ở sàn HoSE đã không còn là chuyện gì lạ lẫm với nhà đầu tư chứng khoán, kéo dài suốt từ đầu năm 2021 tới nay. Việc khắc phục tưởng như đã giúp sàn HoSE ổn định trong khoảng 2 tháng vừa qua, nhưng khi cơn sóng đầu tư quay trở lại trong tháng 5 thì hiện tượng này diễn ra càng ngày càng nghiêm trọng. Vào phiên cuối cùng của tháng ngày 31/5, sàn HoSE đã ngay lập tức phải xin dừng phiên chiều để tạm đảm bảo an toàn. Đây là việc hết sức nghiêm trọng, làm biến dạng thị trường chứng khoán, và làm ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư.
Ở các nước, việc sàn giao dịch gặp lỗi sẽ phải quy trách nhiệm cho người đứng đầu hoặc quản lý sàn chứng khoán. Một trong những vụ lỗi hệ thống giao dịch nghiêm trọng gần đây xảy ra vào ngày thứ Năm, 1/10/2020 tại Nhật Bản. Do trục trặc bất ngờ về phần cứng, Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo (TSE) đã phải đóng cửa nguyên ngày – sự kiện chưa từng có tiền lệ tại thị trường chứng khoán lớn thứ 3 thế giới.
Theo Bloomberg, sự cố tại TSE đã gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý nhà đầu tư khi xảy ra vào đúng ngày đầu tiên của quý, đồng thời là ngày đầu của nửa sau năm tài chính ở Nhật Bản. Thanh khoản giao dịch trong ngày này thường rất cao do các quỹ điều chỉnh danh mục định kỳ. Người đứng đầu TSE thẳng thắn nhận lỗi về mình, không đổ lỗi cho công ty thiết kế hệ thống là Fujitsu và không yêu cầu bồi thường. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Miyahara cho rằng, Fujitsu nên cảm thấy có "trách nhiệm to lớn" trong vụ việc. Ngày hôm sau, 2/10, TSE mở cửa trở lại và giao dịch diễn ra suôn sẻ. Ngày 30/11/2020, ông Miyahara từ chức Tổng Giám đốc TSE. Ông Akira Kiyota – Tổng Giám đốc công ty mẹ của TSE đã kiêm nhiệm chức vụ mà ông Miyahara để lại. Bản thân ông Kiyota bị trừ 50% lương trong 4 tháng, hai lãnh đạo khác cũng bị trừ 20% và 10% lương.
Hệ thống sàn Nasdaq cũng đã có nhiều lần gặp lỗi trong lịch sử và từng bị phạt tiền. Năm 2012, Nasdaq bị chỉ trích nặng nề vì để xảy ra hàng loạt vấn đề trong ngày IPO của Facebook. Thời điểm bắt đầu giao dịch chậm 30 phút mà không có thông báo trước, nhiều nhà đầu tư đặt lệnh hợp lệ nhưng không được khớp, nhiều người khớp mua với giá cao hơn giá đặt. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã phạt Nasdaq 10 triệu USD vì "hệ thống lởm và ra quyết định yếu kém" trong vụ IPO Facebook. Ngày 24/8/2015, NYSE tạm ngừng giao dịch toàn thị trường không đúng quy định. Về sau, NYSE bị SEC cáo buộc đã lạm quyền và xử phạt 14 triệu USD.
Mới đây tại Ấn Độ, 24/2/2021, từ khoảng 10h08, các chỉ số làm cơ sở cho giao dịch hợp đồng phái sinh ngừng cập nhật giá trị theo thời gian thực, gây hoang mang cho nhà đầu tư. Phải đến 11h30, NSE mới ra thông báo chính thức, cho biết giao dịch sẽ tạm ngừng từ 11h40. Đáng chú ý, trục trặc xảy ra khi chỉ còn một ngày nữa là đến ngày đáo hạn nhiều hợp đồng phái sinh hàng tháng. Đến 15h17 cùng ngày, NSE đột ngột thông báo thị trường sẽ hoạt động bù trở lại từ 15h45 đến 17h cùng ngày. Nếu NSE ra thông báo trước 15h, ảnh hưởng tới nhiều nhà đầu tư chắc hẳn đã nhỏ hơn rất nhiều. Lỗi giao dịch cùng với kiểu thông tin giật cục của NSE đã khiến cho nhiều công ty thiệt hại lớn vì phải thanh lý vị thế. Ngày hôm sau, 25/2, NSE lại đóng cửa vì hệ thống không thể vận hành hết tính năng. Ngày 1/3 vừa qua, bà Nirmala Sitharaman – nữ Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ phải thừa nhận rằng: "Lỗi giao dịch này đã khiến Ấn Độ thiệt hại khổng lồ".
Quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam, dù rất nhiều lần nhà đầu tư “kêu trời” nhưng chưa một lần nhận được lời xin lỗi, mà mặc nhiên phải sống chung với lũ trong suốt hàng tháng trời nay.
Trước tiên, bản thân HoSE và ngân sách Nhà nước chịu thiệt hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm vì thất thu phí.
Nhà đầu tư càng bức xúc hơn khi không thể giao dịch theo ý muốn và phải chịu thiệt hại. Niềm tin của nhà đầu tư vì thế cũng kéo theo nhiều ảnh hưởng không nhỏ. Dù số lượng tài khoản mở mới tăng lên theo tháng, nhưng không vì thế mà bỏ qua điểm tiêu cực này. Đã có bao nhiêu người bỏ HoSE để sang HNX và UPCoM, hoặc thậm chí nghỉ hẳn chứng khoán, vì nghẽn lệnh? Đã có bao nhiêu nhà đầu tư, trong nước cũng như ngoài nước, định gia nhập thị trường nhưng thấy sàn lỗi liên tục nên lại thôi? Việc khối ngoại bán ròng gần 1 tỷ USD trong mấy tháng qua cũng không loại trừ khả năng xuất phát từ lo ngại lỗi giao dịch.
Tháng 2/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, trong đó đặt ra mục tiêu số lượng nhà đầu tư đạt mức 3% dân số vào cuối năm 2020 và 5% dân số vào năm 2025. Tính đến cuối tháng 2/2021, Việt Nam có gần 2,92 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tương đương mục tiêu 3% dân số theo Đề án, không phải con số cao bất ngờ.
Vậy tại sao hệ thống của HoSE không đáp ứng được nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư? Các cơ quan quản lý ngành chứng khoán đã làm gì để chuẩn bị cho mục tiêu nâng hạng cũng như "dọn ổ đón đại bàng ngoại" khi Việt Nam hội nhập sâu hơn vào thị trường vốn quốc tế?
Một lời xin lỗi của HoSE có thể không giúp phiên giao dịch mượt mà hơn, nhưng là cần thiết vào lúc này để trấn an nhà đầu tư, và cam kết về một lộ trình khắc phục cho việc giao dịch bình thường trên sàn chứng khoán, để đây trở thành một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả.