Gạt bỏ thành kiến để tìm thấy tự do trong tâm trí
Những thành kiến tồn tại trong suy nghĩ khiến bạn luôn do dự và không dám đưa ra quyết định khi đứng trước những lựa chọn. Gạt bỏ thành kiến giúp tâm hồn bạn rộng mở.
Chất lượng cuộc sống của chúng ta có thể bị giới hạn bởi những quy luật suy nghĩ đem tới sự bó hẹp, thí dụ như những định kiến không bao giờ được xem xét lại. Đôi khi, có lẽ trong phần lớn các thời điểm, chúng ta thậm chí còn không nhận thức được những ý nghĩ mà chúng ta hướng về bản thân, các trải nghiệm, bạn bè, gia đình...
Chúng ta thường có xu hướng chấp nhận các thành kiến, đánh giá, kết luận vội vã, và nỗi lo lắng về thế giới để rồi coi chúng là sự thật: sự thật tối thượng, không nhượng bộ, không thể thay đổi. Thế giới của ta thu hẹp lại, càng ngày càng nhỏ hơn.
Friedrike Merck bạn tôi là một nhà điêu khắc. Có lần bà nói với tôi rằng một tác phẩm của mình được trưng bày ở Triển lãm Nghệ thuật Quốc gia ở Washington D.C., thế nên trong một lần tới thăm thủ đô, tôi tới đó để xem nó. Tôi cứ đi khắp các hành lang mênh mông của viện bảo tàng, ngó vào từng phòng, xem từng kệ trưng bày, vậy mà vẫn không thấy! Tôi bắt đầu suy nghĩ lung tung, cuối cùng cho rằng:
"Khổ chưa. Mình sẽ phải là người thông báo với bà ấy rằng người ta cuối cùng đã quyết định không trưng bày tác phẩm đó. Chắc giờ này nó đang nằm dưới tầng hầm đâu đó rồi". Sau khi đã thất vọng từ bỏ, lúc bước ra phía cửa, tôi bất chợt liếc nhìn lên tường, và tác phẩm tuyệt đẹp của bà nằm ngay ở đó.
Nó là một bức phù điêu chứ không phải tượng như tôi đã tưởng: định kiến đã bóp méo những gì tôi nhìn thấy, nó định đoạt tôi kì vọng sẽ "thấy" gì và "không" nhìn thấy gì.
Trong một số nghi lễ ở Ấn Độ người ta cũng sử dụng một câu chuyện ngụ ngôn nổi tiếng: Một người đi trên con đường mòn. Người ấy lơ đãng nhìn về phái trước và bỗng thấy một con rắn đang chắn đường, vì thế quay đi chạy theo hướng ngược hẳn lại.
Khi trở về theo con đường đó vào buổi sáng, người ấy nhìn thấy cũng hình bóng đó, nhưng lần này xem kĩ hơn và nhận thấy đấy chỉ là một cuộn dây trên đường mà thôi. Hay nhân vật hiệp sĩ Jedi là Obi-Wan Kenobi đã nói trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao rằng: “Đôi mắt có thể đánh lừa con…”
Vì rất nhiều yếu tố, bao gồm cả những trải nghiệm đau đớn trước kia, chúng ta có thể dễ dàng phát hoảng bởi những cuộn dây thừng rải rác trong cuộc sống của chúng ta, mỗi lần lại lầm tưởng đó là mối nguy hiểm thực sự. Mỗi khi điều này xảy ra, chúng ta ít khi cảm thấy được an toàn.
Nó cũng khiến ta kiệt sức, vì thế những lần mà chúng ta thực sự nhìn thấy một con rắn mà nhầm tưởng nó là một sợi thừng vô hại (điều đã thực sự xảy ra với tôi một lần ở Myanmar, may mà tôi được một nhóm những người phụ nữ bản xứ cứu giúp khi họ đã xua tôi khỏi một cầu thang ngoài trời nơi một con rắn lục cực độc đang ngủ mà tôi cứ tưởng chỉ là một cuộn dây).
Một ngày cách đây chưa lâu, trong một buổi gặp mặt qua Zoom với những người bạn, tôi đã uống nước có gas thẳng từ lon (có lẽ theo cách không lấy gì làm thanh nhã lắm). Bỗng nhiên, một người bạn của tôi nói, “Tại sao cậu lại uống bia lúc 10 giờ sáng thế?” Tôi giơ cái lon lên trước camera và phản đối, “Có phải bia đâu, là nước thôi.”
Sau đó tôi nhận thấy mình đã cảm thấy vui mừng thế nào khi cô ấy hỏi vậy. Trong một bối cảnh khác, khi tôi không nói chuyện với những người bạn, có lẽ tôi đã phải bắt đầu cảm nhận thấy những lời nói ẩn ý trong những mẩu trò chuyện, những đề xuất giúp đỡ, và hẳn ngạc nhiên lắm khi thấy mọi người cư xử lạ lùng đến vậy xung quanh mình.
Nghi ngờ những thành kiến của mình không khiến tâm trí chúng ta chứa đầy những nghi ngờ và do dự, để đến nỗi không thể đi được dù chỉ một bước về bất kì hướng nào.
Nó đưa chúng ta tới một nơi rộng rãi hơn, thoát khỏi gọng kìm của việc từ lâu đã cảm nhận chỉ theo một hướng nhất định, hoặc thoát khỏi việc phóng đại những nỗi sợ hãi của chúng ta thành một tương lai không thể tránh khỏi, thoát khỏi đưa ra những lựa chọn dựa trên kết luận vội vàng của chính chúng ta rằng mình không đáng được hạnh phúc. Việc đặt câu hỏi cho chúng ta được tự do xem xét, khám phá, và thử nghiệm.
Bạn nghĩ rằng những thông điệp mà mình đã nhận được là gì - về con người bạn, bản chất của bạn, nơi bạn thuộc về, con người mà bạn có thể vươn tới?
Zainab Salbi, một nhà hoạt động vì nữ quyền người Mỹ gốc Iraq, đồng thời cũng là nhà nhân đạo, tác giả, người sáng lập Women for Women International, đồng sáng lập Daughters for Earth, đã trình bày rất rõ ràng những nhược điểm của việc dựa vào những thành kiến từ bên ngoài mà chúng ta rất dễ thu nhận, và thoát khỏi được cái đó có ý nghĩa đến thế nào với bà.
Zainab đã xây dựng Women for Women International từ khi mới hai mươi tuổi. Khi bà ở tuổi bốn mươi, nó đã phát triển từ một tổ chức rất nhỏ (với chỉ chồng bà và một nhóm ít ỏi những tình nguyện viên làm việc dưới tầng hầm của bố mẹ chồng bà) trở thành một tổ chức nhân đạo đạt nhiều giải thưởng với bảy trăm nhân viên và các chi nhánh trên mười quốc gia, giúp đỡ hàng trăm nghìn những phụ nữ là nạn nhân chiến tranh và phân phát hàng triệu USD tiền cứu trợ.
Nguồn Znews: https://znews.vn/gat-bo-thanh-kien-de-tim-thay-tu-do-trong-tam-tri-post1465303.html