Gây dựng, phát triển các doanh nghiệp 'sếu đầu đàn' ở Việt Nam
Phát triển doanh nghiệp (DN), trong đó có DN quy mô lớn là một giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đây là thời điểm phù hợp để khơi thông nguồn lực, phát huy vị trí, vai trò của doanh nghiệp quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Phát huy vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp lớn
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Nghị quyết số 12-NQ/TW, Nghị quyết số 10-NQ/TW, gần đây nhất là Nghị quyết số 41-NQ/TW, Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng chính sách đột phá để hình thành, phát triển các DN dân tộc, DN quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu; tăng cường cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho một số DN lớn, có đủ năng lực thực hiện những nhiệm vụ có tính chiến lược, dẫn dắt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
"Đây là những định hướng mới, có tính chất chiến lược, đột phá thể hiện chủ trương, thông điệp của Đảng và Nhà nước về việc củng cố, phát triển hình thành đội ngũ doanh nhân, DN Việt Nam có bản sắc, thương hiệu nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ", Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong giai đoạn đầu của cải cách kinh tế, các quốc gia công nghiệp hóa thành công đều gắn với vai trò dẫn dắt của DN lớn, những "DN đầu đàn", "DN dân tộc" để tạo ra hệ sinh thái dẫn dắt sự phát triển của các DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Những DN này luôn giữ vai trò trung tâm trong triển khai chính sách phát triển, là đầu tàu trong nhiều ngành lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế.
Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế (Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT), với 500 DN tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay, bình quân mỗi đơn vị có quy mô lao động gấp 160 lần, tổng tài sản gấp khoảng 376 lần mức bình quân của khu vực DN tư nhân còn lại. Nhờ đó, mặc dù chiếm tỷ trọng vô cùng nhỏ (0,075%) trong tổng số khoảng 700.000 DN tư nhân trên cả nước, nhưng 500 "sếu đầu đàn" đã và đang tạo việc làm cho 12% lao động, chiếm 28% tổng tài sản, tạo ra 18,4% doanh thu và đóng góp 18,4% nộp ngân sách của nhóm DN tư nhân.
Theo đó, 500 "sếu đầu đàn" có tác động lan tỏa về đầu tư tới các DN tư nhân trong nước với mức độ tác động lớn hơn của DN FDI và DNNN. Cứ mỗi 1% vốn đầu tư tăng thêm của 500 DN này làm tăng đầu tư của DN tư nhân trong nước thêm 0,45% trong năm đầu tiên và tăng thêm 0,26% tổng năm tiếp theo. Điều này đồng nghĩa, đầu tư của DN tư nhân lớn thúc đẩy nhu cầu đầu tư của DN tư nhân nhỏ hơn với vai trò là nhà cung cấp hoặc DN vệ tinh của 500 "sếu đầu đàn".
Chính sách ưu đãi gì để thúc đẩy doanh nghiệp lớn mạnh
Do vậy, để thúc đẩy sự phát triển của "sếu đầu đàn", TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, tất cả mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng trong một môi trường cạnh tranh minh bạch, nhưng đối với từng thành phần lại rất cần có những chính sách khác nhau để hỗ trợ. Chúng ta có cơ chế, chính sách riêng để hỗ trợ khu vực hợp tác xã, DN nhỏ, siêu nhỏ thì cũng rất cần cơ chế riêng và phải đặc thù dành cho những DN lớn. Nền kinh tế Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... có được sự thịnh vượng như ngày nay cũng là nhờ vào sự lớn mạnh của các DN lớn. Nếu không có sự trợ giúp mạnh mẽ của Chính phủ bằng nhiều biện pháp, chính sách khác nhau, thì ngày nay chắc khó có những thương hiệu tư nhân nổi tiếng toàn cầu với giá trị vốn hóa lên đến cả trăm tỷ USD như Samsung, Hyundai, LG, Daewoo, Toyota, Hitachi, Mitsubishi, Honda, Huawei, Alibaba Group, Tencent... Việt Nam rất cần có những tên tuổi lớn xứng ngang với các DN hàng đầu khu vực và thế giới. Chính những DN lớn mới có tác động lan tỏa về năng suất tới phần còn lại, như một lực lượng dẫn dắt và tạo ảnh hưởng trên thị trường. Không chỉ là niềm tự hào dân tộc, mà DN lớn có thể định hình mô hình kinh doanh và tăng trưởng cũng như có tính quyết định trong các vấn đề chiến lược như cải tiến công nghệ, tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và các vấn đề khác.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để khơi thông nguồn lực, phát huy vị trí, vai trò của DN quy mô lớn trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Với góc nhìn đó, Bộ KH&ĐT đang đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về việc nghiên cứu Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách hình thành và phát triển "DN dân tộc" nhằm phát huy vai trò tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực mới nổi, có lợi thế cạnh tranh nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ". Đề án dự kiến nghiên cứu, lựa chọn các ngành, lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh để đi tắt, đón đầu, trở thành ngành công nghiệp tương lai của đất nước, như: Điện gió ngoài khơi, amoniac, hydrogen xanh, sản xuất thép, sản xuất ô tô điện, công nghiệp điện tử viễn thông, công nghiệp bán dẫn, kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia…
Đối với DN quy mô lớn thuộc khu vực nhà nước, ngoài các chính sách hỗ trợ chung nêu trên, Bộ KH&ĐT dự kiến đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tối đa nguồn lực nắm giữ tại DNNN phục vụ hoạt động đầu tư phát triển, như: Thực hiện phân cấp mạnh mẽ, trao quyền chủ động cho DN. Đổi mới việc sử dụng Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của DNNN để có nguồn lực đầu tư khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (như fintech, cyber security, AI, robotics, viễn thông, các dự án đầu tư cho R&D hướng tới phát triển xanh và bền vững…); đổi mới phương thức quản trị DN (thí điểm thuê tổng giám đốc, khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn môi trường-quản trị-doanh nghiệp (ESG)… Tuy nhiên, việc xác định và phát triển "những con sếu đầu đàn" cũng như các chính sách cần thiết để hỗ trợ những DN này dẫn dắt các DN nhỏ và vừa cùng phát triển và đi đúng hướng là bài toán không dễ giải quyết được trong ngắn hạn và cần sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cơ quan với những cơ chế chính sách đột phá để khơi thông nguồn lực, cùng với sự cam kết, quyết tâm mạnh mẽ của cộng đồng DN.