Gay gắt cuộc đua trên sàn thương mại điện tử
Từ khi 3 'ông lớn' bán lẻ Trung Quốc ( Taobao, 1688, Trung Quốc temo) đổ bộ vào thị trường Việt Nam, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước đã gặp không ít khó khăn. Các DN kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) cần làm gì để không bị bỏ lại phía sau?
“Sân chơi” ngày càng mở
Gần đây nhiều nhiều người tiêu dùng Việt biết đến 3 “ông lớn” bán lẻ của Trung Quốc bao gồm Taobao, 1688 - nền tảng thuộc Tập đoàn Alibaba, Trung Quốc Temu (thuộc sở hữu của tập đoàn PDD Holdings - Trung Quốc) nhiều hơn khi các trang bán lẻ này hỗ trợ cho người mua hàng trực tiếp.
Trong đó Temu khai trương trang bán hàng tại với các quảng cáo giảm giá hấp dẫn, cộng thêm các mã giảm giá và cả miễn cước phí vận chuyển hàng đến tận các địa điểm khắp Việt Nam. Còn 1688 đã tiếng Việt hóa gần như toàn bộ giao dịch, ứng dụng và các bước đăng ký tài khoản, điều khoản sử dụng, đơn hàng, vận chuyển... để dễ dàng tiếp cận khách hàng Việt Nam.
Năm 2023, TMĐT Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Hiện có khoảng hơn 80% người dùng Internet đã mua sắm trực tuyến và hoạt động TMĐT cứ lan tỏa như thế trong người dân, người tiêu dùng; có sức hút rất mạnh đối với DN vừa và nhỏ cũng như các hộ kinh doanh cá thể phát triển nhanh, mạnh và khá bình đẳng với các DN có quy mô lớn trong môi trường TMĐT.
Theo dự báo của Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), tổng doanh thu TMĐT bán lẻ hàng hóa năm 2024 có thể tăng khoảng 45% so với năm 2023, đạt gần 30 tỷ USD, chiếm khoảng 14% tổng mức bán lẻ hàng hóa của cả nước. Sự phát triển này đã thu hút không chỉ các DN trong nước mà còn cả nhiều "ông lớn" đến từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.
Giới chuyên gia nhận định, khi sân chơi TMĐT có thêm “người chơi” sẽ tạo ra sự cạnh tranh tích cực, giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn phong phú hơn. Sự đa dạng trong lựa chọn sẽ nâng cao trải nghiệm mua sắm và thúc đẩy sự phát triển của thị trường TMĐT tại Việt Nam. Bên cạnh đó, sự hiện diện của các sàn TMĐT nước ngoài cũng sẽ tạo ra áp lực cho các DN trong nước phải đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm. Để tồn tại và phát triển, các DN cần cải thiện dịch vụ và sản phẩm của mình.
Theo PGS. TS Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASIE), việc 3 tập đoàn bán lẻ lớn của Trung Quốc gồm vào Việt Nam là rất đáng quan tâm. Hiện họ bán hàng hóa giá rẻ hơn chúng ta, đồng thời không mất tiền ship… Điều này khiến nhiều DN lo ngại sẽ gặp tác động tiêu cực. Vì vậy cần lập một nhóm chuyên gia tư vấn để hỗ trợ các DN.
Doanh nghiệp cần làm gì?
Nhận định tiềm năng, dư địa phát triển TMĐT còn rất lớn, bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) cho rằng, TMĐT đang là lĩnh vực có sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với khu vực với DN nhỏ và vừa, thậm chí họ có thể phát triển bình đẳng với DN lớn.
Theo bà Lại Việt Anh, việc hiện thực hóa kỳ vọng xuất khẩu TMĐT đạt hơn 11 tỉ USD vào năm 2027 là một bài toán đường dài. Theo đó, cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ từ các nền tảng TMĐT cũng như từ cơ quan quản lý nhà nước.
"Hiện nay tiêu dùng xanh và bền vững là xu hướng nổi trội. Để hàng hóa Việt Nam vươn ra ra thị trường toàn cầu, cần cân nhắc đến yếu tố này. Chính vì vậy, TMĐT nên ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho những yêu cầu về truy xuất hàng hóa; áp dụng số hóa vào chuỗi quy trình sản xuất, chuỗi giá trị. Từ đó có thể đảm bảo những quy định về bảo vệ môi trường, chống rác thải..." - bà Lại Việt Anh nhấn mạnh đồng thời cho hay, tới đây, để tạo đột phá cho TMĐT, một trong những vấn đề quan trọng đó là cần gắn những định hướng phát triển chuỗi cung ứng trong TMĐT với những quy hoạch phát triển vùng, hệ thống phân phối, dịch vụ logictics.
Mắt xích quan trọng nhất là thúc đẩy liên kết giữa các địa phương trong những vùng kinh tế trọng điểm, để xác định được những địa phương nào có những ưu thế về hàng hóa, logictics.
Bên cạnh đó, theo bà Lại Việt Anh, định hướng kế hoạch phát triển TMĐT trong 5 năm tới mà Bộ Công thương đang tham mưu trình Chính phủ đó là hướng tới xuất khẩu để đưa sản phẩm "Made in Vietnam" ra thị trường quốc tế; trong đó xây dựng những giải pháp thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới và xuất khẩu nói chung. Ngoài ra, thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ DN vượt qua những rào cản kỹ thuật của thị trường.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình nhấn mạnh, cần phát triển hệ thống thương mại để DN phát triển tốt hơn, nếu không có hệ thống thương mại, hoạt động không tốt, giá thành không rẻ hơn sẽ thất bại. “Có thể làm nhiệm vụ tổ chức, ăn ở phục vụ đi lại cho khách du lịch, để người Việt Nam không phải ra nước ngoài mua sắm nữa” - ông Đường nói.
Vị này cũng kiến nghị, DN mong muốn Chính phủ đẩy mạnh giảm thủ tục hành chính, cần coi chống lãng phí thời gian như chống tham nhũng. Lãng phí thời gian là lãng phí lớn nhất.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/gay-gat-cuoc-dua-tren-san-thuong-mai-dien-tu-10292780.html