Gay go khi trái phiếu doanh nghiệp 'dựa dẫm' bất động sản, ngân hàng
Hiện, phần lớn thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ dựa vào ngân hàng và bất động sản. Các chuyên gia cho rằng cần khuyến khích thêm các nhà đầu tư nước ngoài, các định chế tài chính tham gia vào thị trường này.
Tình hình thị trường trái phiếu
Ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia - nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam hiện vẫn chỉ đang dựa vào hai nhóm chính là ngân hàng và bất động sản. “Nếu thực trạng này còn tiếp diễn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của chúng ta sẽ rất gay go”, ông nói.
Trên thực tế, trong 11 tháng năm nay, ngân hàng vẫn đang là nhóm phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trên thị trường. Sự dịch chuyển trong cơ cấu tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp diễn ra rõ rệt nhất trong giai đoạn từ năm 2023 đến nay.
Nếu như ở giai đoạn tháng 7 - 9/2023, lượng trái phiếu doanh nghiệp do nhóm bất động sản và ngân hàng không chênh lệch quá nhiều thì đến nay, phần lớn lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trên thị trường đều của các tổ chức tín dụng. Dẫu vậy, bất động sản vẫn là nhóm ngành phát hành nhiều thứ hai thị trường.
Kênh trái phiếu doanh nghiệp chưa phát huy được đúng vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế khi vắng bóng các doanh nghiệp sản xuất chủ chốt như công nghiệp, nông nghiệp. Trong khi đó, việc huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng chủ yếu để phục vụ cho mục đích tăng vốn cấp 2, từ đó có thể tăng huy động và cho vay.
Ông Nghĩa nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang phản ánh rõ nét cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam. Tăng trưởng GDP của Việt Nam cao nhưng phần lớn chỉ phụ thuộc vào xuất khẩu, sau đó đến đầu tư và bán lẻ. Tuy nhiên, chiếm phần lớn ở các khu vực này là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong khi các doanh nghiệp nội địa chỉ đóng góp một phần nhỏ.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nội địa thiếu vốn trầm trọng nhưng vẫn không thể huy động được vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp khi thị trường này đang chơi chính của ngân hàng và bất động sản. Nếu tăng trưởng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp lại chủ yếu dựa vào bất động sản và ngân hàng thì tăng trưởng của nền kinh tế vẫn sẽ tiếp tục “dựa dẫm” vào các doanh nghiệp FDI.
Cần mở rộng các thành phần kinh tế
Ông Nguyễn Khắc Hải - Giám đốc Khối phụ trách Luật và Kiểm soát tuân thủ của SSI - cho biết, cần phải huy động thêm các nhà đầu tư nước ngoài để đa dạng hóa tệp khách hàng tham gia vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
“Thay vì thắt chặt, chúng ta cần xem xét và sửa đổi các quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với những thay đổi về khuôn khổ pháp lý, triển vọng kênh huy động vốn này có thể tích cực hơn trước khi chúng ta mở cửa, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho dòng vốn ngoại tiếp cận thị trường”, ông Hải nói.
Trên thực tế, tính tới cuối năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài mới tham gia ở quy mô khoảng 3% thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phần lớn là các quỹ đầu tư tham gia trái phiếu của các doanh nghiệp lớn. Việc khuyến khích nhóm nhà đầu tư nước ngoài tham gia sân chơi trái phiếu doanh nghiệp sẽ phần nào giúp giải tỏa nhu cầu vốn dài hạn của các doanh nghiệp Việt thời gian tới.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Công ty Cổ phần Fiingroup - cho rằng, cần đưa ra những chính sách khuyến khích nhà đầu tư tổ chức như quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí tự nguyện tham gia thị trường này.
“Mặc dù có tiềm lực rất lớn nhưng nhóm này hiện mới chỉ chiếm chưa đến 10% giá trị trái phiếu lưu hành. Chính vì vậy, cần phải có những quy định, chính sách mới để cho phép các định chế tài chính trên tham gia sâu hơn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa minh bạch thông tin, đa dạng hàng hóa, thúc đẩy hoạt động xếp hạng trái phiếu doanh nghiệp cũng là những vấn đề cần lưu tâm”, ông nói.