Nhà đầu tư nước ngoài khó thoái vốn khỏi Trung Quốc

Các tập đoàn đầu tư tư nhân lớn nhất thế giới đang gặp khó khăn trong việc thoái vốn khỏi các công ty trong danh mục đầu tư tại Trung Quốc.

Nhân viên kiểm đồng USD và đồng NDT tại một ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên kiểm đồng USD và đồng NDT tại một ngân hàng ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc Chính phủ Trung Quốc siết chặt quản lý các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và nền kinh tế tăng trưởng chậm khiến nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài bị "mắc kẹt" tại đây.

Dữ liệu từ Dealogic cho thấy, trong số 10 tập đoàn đầu tư tư nhân toàn cầu lớn nhất hoạt động tại Trung Quốc, chưa có bất kỳ công ty nào được niêm yết hoặc bán toàn bộ cổ phần thông qua hoạt động mua lại và sáp nhập (M&A) trong năm nay. Đây là năm đầu tiên trong ít nhất một thập kỷ xảy ra tình trạng này, mặc dù tốc độ thoái vốn đã chậm lại kể từ khi Trung Quốc áp đặt các hạn chế đối với khả năng niêm yết của các công ty Trung Quốc vào năm 2021.

Các tập đoàn đầu tư tư nhân thường dựa vào việc bán hoặc niêm yết các công ty, thường trong vòng 3-5 năm sau khi mua lại, để tạo ra lợi nhuận cho các quỹ hưu trí, công ty bảo hiểm và các nhà đầu tư khác. Khó khăn trong việc thoái vốn khiến dòng tiền của các nhà đầu tư này bị "khóa chặt", với lợi nhuận tương lai không chắc chắn.

Dữ liệu của Dealogic cho thấy 10 tập đoàn đầu tư tư nhân toàn cầu lớn nhất hoạt động tại Trung Quốc đã đầu tư 137 tỷ USD vào nước này trong thập kỷ qua, nhưng số tiền thoái vốn chỉ đạt 38 tỷ USD. Vốn đầu tư mới của các tập đoàn này đã giảm xuống chỉ còn 5 tỷ USD kể từ đầu năm 2022.

Tốc độ thoái vốn của các tập đoàn đầu tư tư nhân trên toàn cầu cũng đang chậm lại. Theo báo cáo của S&P Global, con số này đã giảm 26% trong nửa đầu năm nay.

Tính đến cuối tháng 11 năm nay, tổng giá trị IPO trong nước tại Trung Quốc chỉ đạt 7 tỷ USD, so với mức tương ứng 46 tỷ USD của năm ngoái, vốn đã là mức thấp nhất kể từ năm 2019.

Việc siết chặt quản lý đã khiến các tập đoàn đầu tư tư nhân phải tìm kiếm các lựa chọn khác, chẳng hạn như bán cổ phần của họ cho các công ty trong nước và đa quốc gia, cũng như cho các tập đoàn đầu tư tư nhân khác. Tuy nhiên, đôi khi người mua nước ngoài tỏ ra miễn cưỡng, một phần do sự giám sát chặt chẽ hơn của Mỹ đối với Trung Quốc đại lục.

Minh Trang (Theo Financial Times)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-kho-thoai-von-khoi-trung-quoc/358058.html