Gây rối trật tự công cộng - hiểu biết để tránh vi phạm

Gây rối trật tự công cộng là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội, gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, xâm phạm đến quyền và lợi ích tổ chức, cá nhân. Gây rối trật tự công cộng có thể hiện qua một số các hành vi như: Dùng lời nói, cử chỉ thiếu văn hóa xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một hoặc nhiều người; Phá phách hoặc làm ô uế các công trình, thiết bị ở nơi công cộng; Hò hét, tạo tiếng động gây ầm ỹ, đua xe máy trái phép; Tụ tập ẩu đả, đánh nhau ở nơi công cộng... Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại về vật chất hoặc phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội. Vì vậy, đối với hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ có những chế tài xử phạt riêng biệt nhằm hạn chế hành vi này có thể phát sinh trong tương lai.

Trợ giúp viên pháp lý Lê Thị Thu Vân bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa (ảnh minh họa). Ảnh: V.H

Hành vi gây ảnh hưởng xấu đến ANTT, an toàn xã hội là các hành vi làm ảnh hưởng, đe dọa hoặc làm phá vỡ trạng thái bình yên, ổn định của xã hội, hành vi của cá nhân làm ảnh hưởng, đe dọa, phá vỡ trật tự, kỷ cương xã hội, khiến cho bộ phận không nhỏ người dân, khu dân cư hoặc cộng đồng dân cư hoang mang, lo sợ, phẫn nộ hoặc xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, xâm phạm đến giá trị xã hội chuẩn mực đạo đức được mọi người tôn trọng, thừa nhận tuân thủ. Nơi công cộng là những nơi tập trung đông người như: công viên, rạp hát, nhà ga, bến xe, trên đường phố,... nơi có nhiều người qua lại, nơi công cộng cũng có thể là những nơi trao đổi hàng hóa, nơi vui chơi giải trí của công dân... Hành vi gây rối trật tự công cộng còn có thể xảy ra cùng các hành vi khác như: hủy hoại tài sản của người khác, cố ý gây thương tích, đua xe trái phép... Tùy vào mức độ, tính chất, hậu quả do hành vi gây nên mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Vụ án sau đây là một ví dụ để chúng ta dễ hình dung về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Khoảng 2 giờ ngày 2/8/2023 tại quán ăn “Hồng Thơm” ở khu phố Lê Lai, thị trấn Lang Chánh (Lang Chánh), Phạm Văn T. và Lê Phi T. đã có hành vi cầm theo cốc uống nước, chổi, ghế nhựa la hét chửi bới, đuổi đánh anh Lê Duy H. và anh Lê Văn L. trên quãng đường khoảng 100m trong khu vực đông dân cư, gây ảnh hưởng xấu đến ANTT, an toàn xã hội, quá trình đuổi đánh T. còn gây thương tích cho anh H. với tỷ lệ tổn thương cơ thể 2%.

Hành vi của Phạm Văn T. và Lê Phi T. xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhặt nhưng cả hai lại lựa chọn cách giải quyết bằng bạo lực, gây huyên náo, ồn ào, mất ANTT tại khu phố vào thời điểm đêm khuya khi người dân đang nghỉ ngơi. Cùng với việc gây mất ANTT tại khu đông dân cư, Phạm Văn T. còn gây thương tích cho anh H. với tính chất côn đồ và dùng hung khí nguy hiểm, anh H. có đơn yêu cầu khởi tố vụ án nên Phạm Văn T. bị Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Lang Chánh truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318 và tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự. Lê Phi T. là đồng phạm cùng tham gia gây rối với Phạm Văn T. nên cũng bị truy tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 318... Sau phiên tòa sơ thẩm, Phạm Văn T. bị xử phạt 34 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”, 12 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”. Lê Phi T. bị xử phạt 26 tháng tù về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Từ vụ án trên có thể thấy, nguy cơ xảy ra loại tội phạm gây rối trật tự công cộng luôn tiềm ẩn với nhiều lý do khác nhau, thậm chí có thể là do bột phát, a dua theo phong trào... Vì vậy, người dân cần nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật để xử lý khéo léo trong các tình huống, không tham gia vào các hành vi gây rối trật tự công cộng, bảo đảm ANTT tại địa phương.

Trợ giúp viên pháp lý Lê Thị Thu Vân

(Chi nhánh số 2, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/gay-roi-trat-tu-cong-cong-hieu-biet-de-tranh-vi-pham-214189.htm