Gaza bị tàn phá đến mức không tưởng sau 16 tháng bom đạn
Cuộc xung đột Israel-Hamas gây nên những tác động lớn cho môi trường ở Gaza, khiến dải đất này cần rất nhiều nguồn lực và thời gian để phục hồi.
Cuộc xung đột tại Gaza đã gần bước sang tháng thứ 17 và để lại nhiều hậu quả rất nặng nề. Chính quyền Gaza cho biết đến nay, cuộc xung đột khiến hơn 61.700 người thiệt mạng, bao gồm những người mất tích được chính quyền cho là đã chết.
Thỏa thuận ngừng bắn giai đoạn một giữa Israel và Hamas kết thúc vào cuối tháng 2. Việc thỏa thuận cho phép hàng viện trợ vào Gaza trong thời gian ngắn đã phần nào giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo rất trầm trọng ở dải đất này. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán tình trạng suy dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe sẽ kéo dài trong nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm sau khi xung đột kết thúc.
Phần lớn cơ sở hạ tầng của vùng đất này, bao gồm trường học, bệnh viện và nhà cửa, đã bị hư hại hoặc phá hủy. Tuy nhiên, tổn thất to lớn về con người và xã hội có thể tăng lên do một vấn đề ít được đề cập trong thời gian gần đây – tổn thất liên quan vấn đề môi trường ở Gaza.

Các vụ đánh bom của Israel khiến nhiều công trình ở Gaza trở thành đống đổ nát. Ảnh: ABC NEWS
Vào tháng 6-2024, Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đã tiến hành đánh giá tác động môi trường do các hành động quân sự của Israel gây ra ở Gaza. Đánh giá phát hiện ra "mức độ tàn phá chưa từng có" từ các chiến dịch ném bom dữ dội, cùng với sự sụp đổ hoàn toàn của hệ thống nước, chất thải rắn, cũng như tình trạng ô nhiễm lan rộng trong đất, nước và không khí.
Thiếu hụt điều kiện vệ sinh
Theo đánh giá thiệt hại tạm thời do Ngân hàng Thế giới, Liên Hợp Quốc (LHQ) và Liên minh Châu Âu (EU) công bố vào tháng 3-2024, ước tính thiệt hại đối với lĩnh vực nước sạch, nhà vệ sinh và phương tiện giữ vệ sinh cá nhân (WASH) ở Gaza trong những tháng đầu tiên của xung đột là 502,7 triệu USD, bao gồm thiệt hại cho khoảng 57% cơ sở hạ tầng nước.
Theo báo cáo của LHQ, các nhà máy khử muối trong nước ở Gaza, 162 giếng nước và 2 trong số 3 đường ống nước nối với hệ thống cung cấp nước quốc gia của Israel đã bị hư hại nghiêm trọng. Do đó, lượng nước có sẵn ở Gaza vào tháng 3-2024 đã giảm xuống còn khoảng 2 đến 8 lít/người/ngày – thấp hơn mức tối thiểu khẩn cấp hàng ngày do Tổ chức Y tế Thế giới đưa ra là 15 lít/người/ngày và thấp hơn nhiều so với khuyến nghị tiêu chuẩn của tổ chức này là 50 đến 100 lít/người/ngày.
Trong khi đó, vào tháng 11 năm 2024, tổ chức từ thiện Oxfam báo cáo rằng cả 5 nhà máy xử lý nước thải ở Gaza đã buộc phải đóng cửa, cùng với phần lớn trong số 65 trạm bơm nước thải tại Gaza ngừng hoạt động. Điều này dẫn đến việc nhiều người tại Gaza liên tục xả nước thải thô, chưa qua xử lý ra môi trường. Theo báo cáo về môi trường của LHQ, tính đến tháng 6-2024, ước tính đã có gần 60 triệu lít nước thải được xả ra môi trường trong và xung quanh Gaza.
Trong khi đó, các cơ sở vệ sinh dành cho người Palestine ở Gaza hầu như không tồn tại. Báo cáo từ Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ nêu rằng người dân ở Gaza thường xuyên phải đi bộ đường dài rồi chờ hàng giờ chỉ để sử dụng nhà vệ sinh. Bên cạnh đó, do thiếu nước, những nhà vệ sinh này không thể xả nước hoặc làm sạch.
Việc thiếu điều kiện vệ sinh ảnh hưởng không nhỏ đến phụ nữ và trẻ em gái, gây hại cho sức khỏe tinh thần và thể chất của họ.

Khu vực đầy rác thải ở TP Khan Younis (nam Gaza). Ảnh: ANADOLU AGENCY
Chất lượng không khí
Chất lượng không khí ở Gaza đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng do xung đột. Hình ảnh vệ tinh của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy có khoảng 165 vụ cháy được ghi nhận ở Gaza từ tháng 10-2023 đến tháng 1-2024. Do thiếu điện, người dân buộc phải đốt nhiều loại vật liệu, bao gồm nhựa và rác thải sinh hoạt, để nấu ăn và sưởi ấm. Và điều này đã góp phần làm giảm chất lượng không khí một cách đáng báo động.
Trong khi đó, một lượng lớn bụi, mảnh vụn, hóa chất thải ra từ các vụ nổ và phá hủy cơ sở hạ tầng đã gây ra ô nhiễm không khí đáng kể. Vào tháng 2-2024, Cơ quan rà phá bom mìn của LHQ ước tính rằng chỉ riêng trong vài tháng đầu của cuộc chiến, hơn 25.000 tấn thuốc nổ đã được sử dụng, tương đương với "hai quả bom hạt nhân".
Sự gia tăng các chất ô nhiễm không khí nguy hiểm đã dẫn đến sự gia tăng các vấn đề về hô hấp, khiến gần 1 triệu người ở Gaza bị hô hấp cấp tính. Hiện nay, các bệnh về hô hấp phổ biến nhất ở Gaza là hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản, viêm phổi và ung thư phổi.
Quản lý chất thải
Trong 6 tháng đầu tiên của xung đột, hơn 39 triệu tấn mảnh vụn đã được ghi nhận. Phần lớn mảnh vụn trong số này có khả năng chứa các chất gây ô nhiễm có hại, bao gồm amiăng, cặn từ thuốc nổ và chất thải y tế độc hại.

Chất lượng không khí ở Gaza xuống thấp. Ảnh: ANADOLU AGENCY
Xác người cũng lẫn vào trong những đống đổ nát ở Gaza, với ước tính hơn 10.000 thi thể vẫn còn dưới đống đổ nát. Hơn nữa, ba bãi chôn lấp chính ở Dải Gaza đã bị đóng cửa và không thể tiếp nhận chất thải hoặc mảnh vụn liên quan xung đột.
Đến hiện tại, chất thải rắn vẫn tiếp tục tích tụ tại các lều trại và nơi trú ẩn, ước tính mỗi ngày có từ 1.100 đến 1.200 tấn chất thải rắn bị thải ra ở Gaza.
Để giải quyết loạt thách thức về môi trường do xung đột gây nên, theo The Conversation, Gaza rất cần nhận được sự hỗ trợ của Israel và các nước láng giềng, cũng như các bên có ảnh hưởng trên thế giới như Mỹ và EU, để cùng nhau hợp tác xây dựng lại cơ sở hạ tầng quan trọng, chẳng hạn các nhà máy xử lý nước và cơ sở hạ tầng chất thải rắn. Bên cạnh đó, để bất kỳ kế hoạch tái thiết Gaza nào đạt kết quả tích cực, người dân Gaza vẫn là chủ thể chính tham gia vào quá trình tái thiết và họ phải sẵn sàng nói lên nhu cầu của mình trong quá trình này.
Nguồn PLO: https://plo.vn/gaza-bi-tan-pha-den-muc-khong-tuong-sau-16-thang-bom-dan-post837377.html