'Kỹ thuật vạch định tương lai ngành dây và cáp điện Việt Nam tại Đông Nam Á'
Ngày 4/7/2025, tại Hà Nội đã diễn ra Sự kiện do Messe Düsseldorf Asia phối hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) tổ chức, quy tụ trên 100 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong ngành dây và cáp tại Việt Nam và khu vực.

Các diễn giả trao đổi tại Hội thảo
Trong bối cảnh ngành dây và cáp điện Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, hội thảo kỹ thuật chuyên đề với chủ đề “Kiến tạo tương lai công nghiệp Đông Nam Á: Đổi mới - Kết nối - Tăng trưởng” đã được tổ chức thành công tại Khách sạn Mövenpick Hanoi. Sự kiện do Messe Düsseldorf Asia phối hợp cùng Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) tổ chức, quy tụ trên 100 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất và phân phối trong ngành dây và cáp tại Việt Nam và khu vực.
Hội thảo diễn ra trong ngày 4/7/2025 tại Hà Nội, không chỉ là diễn đàn chia sẻ tri thức, cập nhật công nghệ mà còn mở đường chuẩn bị cho wire and Tube Southeast Asia 2025 - hội chợ thương mại lớn nhất khu vực Đông Nam Á về ngành dây, cáp và ống, dự kiến tổ chức tại Bangkok từ ngày 17-19/9/2025.
Việt Nam - Vai trò nổi bật trong ngành dây và cáp điện khu vực
Tại hội thảo, các chuyên gia khẳng định vai trò ngày càng nổi bật của Việt Nam trong chuỗi giá trị ngành dây và cáp điện khu vực. Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 7,1% - 7,6% đến năm 2030, Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ năng động mà còn là trung tâm sản xuất phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành dây và cáp điện đóng vai trò thiết yếu đối với hạ tầng, công nghiệp chế biến và chuyển đổi số của Việt Nam. Nhiều dự án năng lượng trọng điểm như Nam Định I, Thái Bình II, Vũng Áng III và Vân Phong I đang tạo ra nhu cầu lớn đối với cáp điện áp cao và cáp ngầm. Song song đó, việc mở rộng mạng lưới cáp quang đang định hình lại hạ tầng viễn thông và Internet, với cáp quang chiếm tỷ trọng lớn nhất.
Những phát triển này phù hợp với mục tiêu hiện đại hóa năng lực công nghiệp trong toàn khu vực Đông Nam Á, khẳng định sự kết nối giữa tiến bộ trong nước và hội nhập khu vực. Dòng vốn FDI vẫn tiếp tục đổ vào Việt Nam nhờ lực lượng lao động tay nghề cao và chi phí cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp sản xuất dây và cáp quốc tế đã đầu tư nhà máy tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, góp phần hình thành một hệ sinh thái chuỗi cung ứng mạnh mẽ.
Phát biểu tại hội thảo, bà Beattrice J Ho - Giám đốc Dự án wire Southeast Asia nhận định: “Ngành dây và cáp của Việt Nam không chỉ phát triển nhanh chóng mà còn đang chuyển mình mạnh mẽ. Từ phân phối điện, viễn thông đến năng lượng tái tạo và hạ tầng số, ngành này đang ‘tiếp điện’ cho tương lai của Đông Nam Á.”
Chương trình gồm 7 phiên kỹ thuật chuyên sâu với sự tham gia của các doanh nghiệp và chuyên gia đến từ Đức, Áo, Singapore, …nhiều đơn vị trong số đó là khách trưng bày lâu năm tại hội chợ wire and Tube Southeast Asia. Một số công nghệ tiêu biểu được giới thiệu tại sự kiện có thể kể đến như: NIEHOFF - Máy kéo dây nhiều sợi thế hệ mới, tập trung vào hiệu suất và độ bền thiết bị; Esteves Diamond Dies - khuôn kéo chính xác giúp nâng cao chất lượng dây và giảm lãng phí; Reber Systematic - hệ thống lọc dầu RESY thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí sản xuất; EDER Engineering - Chiến lược bảo trì khuôn kéo hiệu quả cho dây chuyền sản xuất công suất cao; Rosendahl Nextrom - công nghệ bọc dây mới giúp tăng độ bền và an toàn.

Phát biểu tại Hội thảo - ông Phạm Hồng Hải - phó Tổng giám đốc công ty CADIVI Miền Bắc nhấn mạnh: “Hội thảo không chỉ là dịp để tiếp cận những công nghệ tiên tiến, những xu hướng mới nhất trên thế giới, đặc biệt từ nước Đức - quốc gia dẫn đầu về công nghệ và các giải pháp sản xuất công nghiệp, mà còn là cơ hội quý báu để các doanh nghiệp trong ngành tại Việt Nam gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế. Với 50 năm phát triển và hệ sinh thái sản phẩm đa dạng, thân thiện với môi trường, tiên phong trong đổi mới công nghệ, CADIVI tin rằng việc cập nhật xu hướng toàn cầu và mở rộng kết nối với các tổ chức hiệp hội và doanh nghiệp nước ngoài sẽ là yếu tố then chốt giúp ngành dây và cáp điện Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và tiến gần hơn đến các tiêu chuẩn của toàn cầu.”
Hướng tới hội chợ wire and Tube Southeast Asia 2025 tại Bangkok
Sự kiện tại Việt Nam được xem là bước đệm chiến lược hướng đến hội chợ wire and Tube Southeast Asia 2025. Theo bà Beattrice J Ho, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sớm xu hướng, cập nhật công nghệ và tăng cường kết nối khu vực.

Hội chợ thương mại lớn nhất khu vực Đông Nam Á về ngành dây, cáp và ống, dự kiến tổ chức tại Bangkok từ ngày 17-19/9/2025.
Hội chợ dự kiến quy tụ hơn 400 đơn vị trưng bày và hơn 10.000 khách tham quan chuyên ngành, đến từ hơn 40 quốc gia, tạo nên mạng lưới hợp tác xuyên biên giới trong lĩnh vực dây, cáp, ống và công nghiệp phụ trợ. Các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích tham gia trưng bày hoặc tham quan hội chợ để nâng cao hiện diện thương hiệu, tiếp cận đổi mới toàn cầu và mở rộng mạng lưới đối tác trong khu vực ASEAN và quốc tế.
Trong bối cảnh Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của Đông Nam Á, ngành dây và cáp điện sẽ tiếp tục đóng vai trò chủ lực trong tăng trưởng kinh tế, chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng.
Nhu cầu về các giải pháp cáp chất lượng cao, bền vững và tiết kiệm chi phí đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực như 5G, năng lượng tái tạo, giao thông thông minh và hạ tầng kỹ thuật số. Những sáng kiến như hội thảo chuyên ngành và hội chợ quốc tế sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng nền tảng phát triển vững chắc, thúc đẩy ngành công nghiệp khu vực bứt phá trong tương lai.