GDP Việt Nam có thể tăng trưởng âm sau 40 năm

ng Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế dự báo, đại dịch COVID-19 có thể làm kinh tế Việt Nam trong quý III/2021 tăng trưởng âm, lần đầu tiên kể từ những năm 80.

Doanh nghiệp chỉ cầm cự thêm 6 tháng

Các số liệu thống kê đã phản ánh đại dịch Covid-19 có tác động nghiêm trọng đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp và thấm sâu vào nền kinh tế, đặc biệt trong quý III/2021.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hoạt động kinh tế đã mất đà tăng trưởng đạt được trong nửa đầu năm 2021, các ngành kinh tế đều hoạt động dưới 60% công suất do các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng ở mức nghiêm ngặt hơn so với các giai đoạn trước.

Doanh nghiệp chỉ cầm cự thêm 6 tháng.

Thực tế này cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã gia tăng mức độ rủi ro theo hướng suy giảm. Rủi ro tài khóa mặc dù vẫn đang được kiểm soát trong trung hạn nhưng rủi ro vẫn hiện hữu, nợ xấu gia tăng cũng khiến rủi ro tăng lên trong khu vực tài chính.

Bên cạnh đó, dịch bệnh làm kinh tế suy yếu, gây khủng hoảng xã hội với tác động ở các mức độ khác nhau lên nhiều nhóm đối tượng, làm gia tăng bất bình đẳng xã hội.

Về sức chịu đựng của doanh nghiệp Việt Nam trước tình trạng kéo dài của dịch bệnh, kết quả khảo sát cho thấy một doanh nghiệp điển hình chỉ có thể cầm cự thêm tối đa 6 tháng.

Doanh nghiệp ở những lĩnh vực ngành báo cáo số tháng thấp nhất là nông lâm, thủy sản (trung bình 4,7 tháng), thông tin truyền thông (4,9 tháng) và xây dựng (5,3 tháng).

Ảnh hưởng của dịch bệnh có tác động rõ ràng theo khu vực. Doanh nghiệp tại Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long vốn bị ảnh hưởng mạnh bởi đợt bùng phát dịch bệnh gần nhất nên sức chịu đựng chung của doanh nghiệp ở những khu vực này cũng thấp hơn đáng kể những khu vực khác.

Số tháng trung bình mà doanh nghiệp ở hai khu vực trên có thể tiếp tục cầm cự trong điều kiện hiện tại lần lượt là 5 tháng và 5,3 tháng. Trong khi đó, doanh nghiệp tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi ít chịu ảnh hưởng hơn bởi đại dịch, có thể kéo dài hoạt động thêm khoảng 8,4 tháng nếu tình trạng hiện tại không có nhiều cải thiện.

GDP Việt Nam có thể tăng trưởng âm sau gần 40 năm

Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhất là tại đợt bùng phát lần thứ 4, diễn ra vào đầu tháng 5 vừa qua, nhiều chuyên gia nhận định, GDP Việt Nam trong quý III/2021 có thể tăng trưởng âm.

Đồng tình với quan điểm này, Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế dự báo, nhiều khả năng chúng ta sẽ có quý tăng trưởng âm đầu tiên kể từ những 80.

Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế.

Ông Thành cũng nhận định, nếu trong quý IV/2021 quay trở lại trạng thái “bình thường mới” và doanh nghiệp có thể phát triển kinh tế trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh, tăng trưởng kinh tế cả năm sẽ vào khoảng 3-4%.

Trong khi đó, TS Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho rằng, quý III/2021, toàn bộ nền kinh tế chịu tác động nặng nề bởi đại dịch. Đặc biệt, trong đợt dịch thứ 4, hàng loạt các chỉ số kinh tế đều suy giảm, trong đó, chỉ số toàn ngành công nghiệp đã giảm 3 tháng liên tiếp.

“Hiện nay, chưa có số liệu thống kê của quý III/2021, nhưng theo các báo cáo từ những tháng trước, có thể thấy quý III là thời điểm sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay. Do đó, mức độ GDP tăng trưởng thấp, hoặc GDP suy giảm có thể xảy ra”, TS Phạm Đình Thúy nói.

Trong khi đó, nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam về các chỉ số dự báo của nền kinh tế năm 2021 đã thấp hơn nhiều so với những tháng đầu năm, với mức tăng trưởng GDP đạt khoảng 4,8%, thấp hơn 2% so với dự báo trước đó.

Hiện nay đến các hoạt động kinh tế.thặng dư tài khoản vãng lai giảm từ 4,6% xuống 0,5% GDP, bội chi ngân hàng tăng từ 4,9% lên 6% GDP.

Theo đánh giá của ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam: Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi vào nửa sau năm 2021 hay không. Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả kiểm soát đợt dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, hiệu quả triển khai vắc-xin, và hiệu suất của các biện pháp tài khóa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ gia đình bị ảnh hưởng và để kích thích phục hồi.

Với những con số nêu trên, rõ ràng, đại dịch Covid-19 đang là mối đe dọa thách thức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong cả ngắn và dài hạn mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Mặc dù vậy, theo WB, các yếu tố căn bản của nền kinh tế tương đối vững chắc, khả năng đạt tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,5%-7% từ năm 2022 trở đi vẫn khả quan.

Với kết quả tích cực từ công tác phòng chống dịch của các địa phương, đặc biệt là TP.HCM, cùng tốc độ tiêm vắc-xin được đẩy mạnh trên toàn quốc trong tháng 8-9/2021, khả năng mở cửa trở lại, tái khởi động nền kinh tế trong quý IV mở ra nhiều triển vọng cho đà phục hồi tốt từ quý I/2022. GDP cả năm 2022 có thể đạt mức 6,5%.

Ngoài ra, mức tăng trưởng kỳ vọng này có đạt được hay không còn phụ thuộc vào sự phục hồi của một số ngành là động lực chính của nền kinh tế như xuất khẩu, logistics, dịch vụ ăn uống, bán lẻ…

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, trong đó có chính sách an sinh cho người lao động, có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng tốc độ tái tạo việc làm, đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Không chỉ vậy, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, an sinh xã hội cần được triển khai đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương, có như vậy mới tạo được sự cộng hưởng cần thiết, tái kết nối chuỗi cung ứng, tái khởi động và phục hồi vùng kinh tế.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/gdp-viet-nam-co-the-tang-truong-am-sau-40-nam-post158116.html