GDP Việt Nam dự báo sớm vượt Singapore

Theo Trung tâm Dự báo và Phân tích Kinh tế Độc lập (CEBR), GDP Việt Nam năm 2024 đạt 450 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 34 trên thế giới và dự báo vượt Singapore vào năm 2029.

 Với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam được dự đoán lọt top các quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Ảnh: Quỳnh Danh.

Với tốc độ phát triển kinh tế mạnh mẽ, Việt Nam được dự đoán lọt top các quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2025. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo CEBR, Việt Nam không chỉ đạt quy mô GDP ấn tượng 450 tỷ USD, tăng một bậc so với năm 2023 lên vị trí thứ 34 trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table - WELT), mà còn kiểm soát lạm phát hiệu quả ở mức 4,1% trong năm 2024.

"Điều này trái ngược với sự gia tăng lạm phát mạnh mẽ ở nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới", CEBR nhận định.

Dự báo vượt Singapore vào năm 2029

Đáng chú ý, quy mô nền kinh tế Việt Nam được dự báo vượt qua Singapore vào năm 2029 với GDP dự tính đạt 676 tỷ USD, so với mức 656 tỷ USD của đảo quốc này.

CEBR dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 5,8% trong giai đoạn 2025-2029. Từ năm 2030 đến 2039, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình sẽ giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức 5,6%/năm.

Đến năm 2039, quy mô GDP của Việt Nam được dự báo đạt 1.410 tỷ USD, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 25 toàn cầu. Khi đó, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam sẽ chỉ đứng sau Indonesia (thứ 10) và Philippines (thứ 22), bỏ xa các quốc gia như Thái Lan (thứ 31), Malaysia (thứ 34) và Singapore (thứ 35).

CEBR cũng dự báo quy mô GDP toàn cầu vào cuối năm 2024 sẽ đạt khoảng 110.000 tỷ USD và con số này có thể tăng gấp đôi lên 221.000 tỷ USD vào năm 2039.

 GDP Việt Nam sẽ đạt 1.410 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 25 trên thế giới vào năm 2039. Nguồn: CEBR.

GDP Việt Nam sẽ đạt 1.410 tỷ USD, vươn lên vị trí thứ 25 trên thế giới vào năm 2039. Nguồn: CEBR.

Gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2025

Hồi tháng 7, số liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy GDP của Việt Nam năm 2023 đã đạt gần 430 tỷ USD, với thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.347 USD.

Theo phân loại mới nhất áp dụng từ ngày 1/7/2023 đến 1/7/2024, các quốc gia được chia thành 4 nhóm thu nhập: dưới 1.135 USD (thu nhập thấp), 1.136-4.465 USD (thu nhập trung bình thấp), 4.466-13.845 USD (thu nhập trung bình cao) và trên 13.845 USD (thu nhập cao).

Với mức thu nhập bình quân hiện tại, Việt Nam chưa vào nhóm thu nhập trung bình cao.

Tuy nhiên, CEBR dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 4.783 USD (xếp thứ 124 thế giới) vào năm 2025, đủ điều kiện để vào nhóm thu nhập trung bình cao.

Theo đó, con số này dự kiến tiếp tục tăng lên mức 6.463 USD vào năm 2029 (xếp thứ 117) và 12.727 USD vào năm 2039, đưa Việt Nam lọt vào top 100 toàn cầu.

Theo CEBR, GDP bình quân đầu người của Việt Nam (theo sức mua tương đương - PPP) năm 2024 ước đạt 16.193 USD, song vẫn được phân loại vào nhóm thu nhập trung bình thấp.

Xét về GDP bình quân đầu người, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Thứ hạng này dự kiến không thay đổi trong năm 2024.

Tuy nhiên, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đến năm 2026, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 4 trong nhóm ASEAN-6, với GDP bình quân đầu người đạt 6.140 USD, vượt Indonesia và Philippines, chỉ đứng sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Bứt tốc phát triển nhờ nhiều "đại gia" quốc tế rót vốn

Hiện nay, Việt Nam duy trì tốc độ phát triển kinh tế thuộc nhóm cao nhất sau đại dịch, với độ mở kinh tế lớn nhờ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Tính đến tháng 5 năm nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 16 FTA, bao gồm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), cùng các FTA với các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản và ASEAN.

Còn tính đến tháng 11/2024, Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với 9 quốc gia, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, Pháp và Malaysia.

Những quan hệ đối tác này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại, đồng thời củng cố vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng vì vậy, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến cuối tháng 11, cả nước có 41.720 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 497 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 319 tỷ USD.

Điều này giúp Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới, như chia sẻ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc vào đầu tháng 12.

Các tập đoàn lớn của thế giới như Nvidia, Google, Foxconn, Meta, SpaceX và Trump Organization đều công bố kế hoạch đầu tư lớn tại Việt Nam. Đặc biệt, Nvidia sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ ba trên thế giới tại Việt Nam, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc).

Dù Việt Nam được hưởng lợi từ việc các công ty đa quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng, các chuyên gia của CEBR cảnh báo rằng sự phụ thuộc vào tăng trưởng xuất khẩu và tỷ lệ tín dụng trên GDP cao có thể khiến nền kinh tế dễ bị tác động bởi các cú sốc toàn cầu.

Cẩm Tú

Nguồn Znews: https://znews.vn/gdp-viet-nam-du-bao-som-vuot-singapore-post1520817.html