GELEX: Đầu tư vào ngân hàng Eximbank là chiến lược dài hạn, chưa có kế hoạch tăng sở hữu tại Viglacera và Thiết bị điện Đông Anh

Sáng 27/3, CTCP Tập đoàn Gelex (mã: GEX) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025. Bên cạnh kết quả kinh doanh năm 2024 và kế hoạch đặt ra cho năm 2025, vấn đề được nhiều cổ đông Gelex quan tâm là các mảng đầu tư của doanh nghiệp, đặc biệt là tại ngân hàng Eximbank và Tập đoàn Viglacera.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do Gelex mua cổ phần của Eximbank và điều này tác động gì tới hệ sinh thái của Gelex, đồng thời doanh nghiệp có kế hoạch tham gia vào ban điều hành ngân hàng này không, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc cho biết: “Gelex là tập đoàn đầu tư hàng đầu, Gelex đầu tư vào ngân hàng Eximbank là chiến lược dài hạn. Tập đoàn đầu tư vào lĩnh vực tài chính ngân hàng không phải để phát triển hệ sinh thái mà đây là một khoản đầu tư mang lại hiệu quả và lợi nhuận dài hạn trong tương lai”.

“Gelex có quan điểm rõ ràng là đầu tư. Chúng tôi đang thuê các đơn vị tư vấn để chuyển đổi ngân hàng gồm cả chiến lược, con người.

Nhưng nếu HĐQT của ngân hàng cần chúng tôi đóng góp để bảo vệ quyền lợi cổ đông và phù hợp với chiến lược của doanh nghiệp thì Gelex sẽ tham gia”, lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định.

 Ban lãnh đạo Gelex. Ảnh: Mai Trang.

Ban lãnh đạo Gelex. Ảnh: Mai Trang.

Hồi đầu tháng 8/2024, Tập đoàn Gelex đã mua thêm 89 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank thông qua phương thức giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn tất giao dịch, sở hữu của Gelex tại Eximbank tăng từ 85,5 triệu cổ phiếu, chiếm 4,9% lên 174,6 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ của ngân hàng này. Sau giao dịch, Gelex hiện là cổ đông lớn nhất của Eximbank.

Trong các mảng đầu tư kinh doanh, Gelex đã lấn sang mảng sản xuất vật liệu xây dựng. Cụ thể, hồi tháng 4/2021, doanh nghiệp này đã mua thêm 18,5 triệu cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera, qua đó hoàn tất nâng tỷ lệ sở hữu từ 46,1% lên 50,2%. Viglacera trở thành công ty con của Gelex, mảng sản xuất vật liệu xây dựng và bất động sản khu công nghiệp cũng trở thành hai lĩnh vực kinh doanh chính khác của Gelex từ đó đến nay.

Trả lời các cổ đông về việc có hay không kế hoạch tăng sở hữu tại Viglacera và Thiết bị điện Đông Anh, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Năm 2019, giá cổ phiếu Viglacera lúc ấy khoảng 23.000 đồng, lợi nhuận dưới 1.000 tỷ. Sau khi chúng tôi tham gia vào Viglacera, giá cổ phiếu tăng hơn gấp đôi, lợi nhuận cũng tăng gấp đôi.

Nếu là cổ đông Gelex thì mức định giá mới hiện nay của Viglacera thì không hiệu quả, quan điểm của chúng tôi là không gia tăng thêm. Chúng tôi sẽ kêu gọi những đối tác tốt, có năng lực về quản trị tài chính tham gia cùng để xây dựng Viglacera tốt hơn. Còn nếu không có ai mua thì Gelex vẫn phải làm tiếp.

Tương tự, chúng tôi cũng không có kế hoạch tăng sở hữu tại Thiết bị điện Đông Anh vì giá quá cao”.

Liên quan đến kế hoạch kinh doanh của Viglacera, ông Nguyễn Trọng Hiền, Chủ tịch HĐQT thông tin: “Năm 2024 Viglacera đã bàn giao khoảng 125 ha đất công nghiệp. Năm nay dự kiến bàn giao khoảng 200 ha.

Viglacera hiện đang quản lý vận hành khoảng 14 khu công nghiệp, trong đó có 3 dự án vừa được duyệt. Tổng quỹ đất hiện khoảng 3.700 ha, trong đó diện tích thương phẩm là 2.700 ha, hiện đã cho thuê 1.700 ha, còn 1.000 ha đất thương phẩm.

Phần thương phẩm còn lại biên lợi nhuận sẽ không cao như 3 - 4 năm vừa rồi tại các dự án có nhiều lợi thế như Yên Phong, Yên Phong mở rộng, Yên Mỹ. Tuy nhiên sắp tới có dự án Thuận Thành tỷ suất lợi nhuận sẽ cao. Năm 2025 Viglacera chỉ cho thuê khoảng 200 ha, trong đó 49 ha từ KCN Thuận Thành.

Trong 3 dự án vừa được duyệt (tổng 650 ha) của Viglacera, cần chú ý là Viglacera không nắm 100% sở hữu, nên lợi thế về mặt tài chính sẽ không tương xứng với quỹ đất của Viglacera”.

Đối với việc liên doanh với Titan (nhận chuyển nhượng từCông ty TNHH Titan Corporation từ Frasers Property Investments (Vietnam) 1 Pte.Ltd., gọi tắt là "Frasers"),Chủ tịch HĐQT GelexNguyễn Trọng Hiền cho biết, trong giai đoạn 1, hai bên có kế hoạch hợp tác phát triển khoảng 100 ha bất động sản công nghiệp, hiện nay đã scale được 97 ha, tổng mức đầu tư khoảng 8.500 tỷ đồng. Tiến độ triển khai của liên doanh này đang tốt.

"Mô hình liên doanh với Titan là đầu tư tài sản cố định, thâm dụng vốn lớn, tạo dòng tiền về mặt lâu dài. Chúng tôi không nhìn ngắn hạn 3 - 5 năm mà phải từ năm thứ 10 mới phát huy về mặt lợi nhuận kế toán.

Bên cạnh đó, Frasers cũng là một nhà vận hành phát triển bất động sản thương mại khá tốt. Chúng tôi cùng đối tác sẽ nghiên cứu, lựa chọn một số khu vực để tạo ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Nhìn chung, trong tương lai 4 - 5 năm tới sự hợp tác với Frasers sẽ phản ánh tính hiệu quả. Hiện nay thì vẫn đang lỗ, nhưng lỗ trong kế hoạch đề ra ban đầu", vị lãnh đạo thông tin.

Trang Mai

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/gelex-dau-tu-vao-ngan-hang-eximbank-la-chien-luoc-dai-han-chua-co-ke-hoach-tang-so-huu-tai-viglacera-va-thiet-bi-dien-dong-anh.html