GELEX (GEX) thoái vốn mảng logistics để tập trung lĩnh vực hạ tầng

Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Mã chứng khoán: GEX) vừa thông qua kế hoạch thoái vốn toàn bộ tại Công ty TNHH MTV Gelex Logistics (Gelex Logistics), thời gian dự kiến thực hiện trước quý III/2020.

Công ty Gelex Logistics là đơn vị trực tiếp sở hữu Công ty cổ phần Kho vận Miền nam (STG) với tỷ lệ 54,8%, và gián tiếp sở hữu các Công ty Sowatco (SWC) - tỷ lệ sở hữu 84,4%, Vietranstimex (VTX) - tỷ lệ sở hữu 84,0%, Sotrans Logistics - tỷ lệ sở hữu 100%.

Trong các năm trở lại đây, lĩnh vực logistics (dịch vụ vận tải và kho vận) của GEX luôn duy trì đóng góp trọng số nhất định vào doanh thu và lợi nhuận. Cụ thể, lĩnh vực logistics duy trì tỷ trọng đóng góp trong tổng lợi nhuận gộp, năm 2018 là 14%, năm 2019 là 13,2% và quý 1/2020 là 14,4%, mức đóng góp lớn thứ 2 sau lĩnh vực thiết bị điện.

Theo báo cáo thường niên năm 2019, GEX sở hữu 100% tại Gelex Logistics, doanh nghiệp có vốn điều lệ là 1.210 tỷ đồng. Trên Báo cáo tài chính của GEX, trong năm 2018 lợi nhuận gộp của mảng logistics ghi nhận 309,2 tỷ đồng, tăng 52,3%, năm 2019 ghi nhận 361,1 tỷ đồng, tăng trưởng 16,8% và quý 1/2020 ghi nhận 83,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,59% so với cùng kỳ. Như vậy, mặc dù vẫn giữ được biên lợi nhuận gộp nhưng tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại.

Xét về kết quả kinh doanh hợp nhất trong quý 1/2020, mặc dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng doanh thu được ghi nhận 3.499,7 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2019 và GEX vẫn đang tiếp tục thực hiện các thương vụ M&A theo định hướng chiến lược tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi.

Theo đó, chi phí tài chính đã tăng tới 50,1% lên mức 232,1 tỷ đồng. Điều tương tự cũng đã diễn ra trong 4 năm trở lại đây, doanh thu tăng nhưng chi phí tài chính tăng cao hơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh chính vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng và biên lợi nhuận tốt.

Như vậy, vấn đề của GEX trong các năm gần đây là tốc độ tăng chi phí tài chính lớn hơn tốc độ tăng của doanh thu, điều này được lý giải bởi các hoạt động M&A được cho là bước đi tính toán đón đầu bền vững của GEX trong hai lĩnh vực thiết bị điện và hạ tầng.

Trong các năm qua để phục vụ quá trình mở rộng phát triển lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính, GEX đã huy động thêm nguồn vốn vay. Nếu như năm 2016 tổng dư nợ ngắn hạn và dài hạn là 3.889 tỷ đồng, chiếm 44,3%, thì tới quý 1/2020 tổng dư nợ là 9.694,5 tỷ đồng, chiếm 43,1% tổng nguồn vốn. Số dư nợ tăng lên nhanh cùng với mức tăng tổng tài sản, nên tỷ trọng cơ cấu dư nợ/tổng nguồn vốn vẫn đang ở mức an toàn và sẽ giảm mạnh sau khi chi phối thành công các doanh nghiệp mục tiêu.

Động thái thoái toàn bộ vốn của mảng logistics phát đi thông điệp sẽ cơ cấu mạnh mẽ lại ngành nghề hoạt động trong thời gian tới theo hướng tập trung hơn vào thiết bị điện và hạ tầng (khu công nghiệp, điện, nước).

Với vốn điều lệ của Gelex Logistics lên tới 1.210 tỷ đồng, việc thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty này sẽ thu về một khoản tiền lớn, Nhà đầu tư có thể kỳ vọng GEX tập trung đầu tư vào những lĩnh vực cốt lõi đang chiếm tỷ trọng lớn như thiết bị điện, nước sạch, năng lượng tái tạo, vật liệu xây dựng và bất động sản khu công nghiệp.

Chính vì vậy đánh giá về mặt khách quan, thương vụ thoái vốn này nếu thành công sẽ giúp doanh nghiệp có một dòng tiền khá lớn trong bối cảnh hiện tại, tăng sức mạnh tài chính cũng như giúp doanh nghiệp tập trung vào ngành nghề cốt lõi hơn, để khai thác tiềm năng tại các lĩnh vực đang có thế mạnh của GEX.

Duy Bắc - Hiếu Minh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-dong-doanh-nghiep/gelex-gex-thoai-von-mang-logistics-de-tap-trung-linh-vuc-ha-tang-327775.html