Ghé thăm công viên quốc gia Gyeryongsan
Cách thành phố Daejeon 14km là công viên quốc gia Gyeryongsan. Được thành lập vào năm 1968 và là công viên quốc gia thứ hai ở Hàn Quốc, công viên quốc gia Gyeryongsan thu hút du khách không chỉ nhờ 20 đỉnh núi và 15 thung lũng có cảnh sắc tuyệt đẹp mà còn bởi kho tàng lịch sử - văn hóa giàu có.
Khách bộ hành có thể lựa chọn một trong tám hành trình tham quan Gyeryongsan có độ khó khác nhau, phù hợp với thể trạng của các đối tượng khác nhau. Tour Donghaksa 2 là hành trình được nhiều du khách lựa chọn nhất.

Công viên quốc gia Gyeryongsan
Hành trình bắt đầu ở thung lũng Donghaksagyegok. Du khách sẽ hoàn thành tuyến đường mòn xuyên rừng dài 3,5km, nơi ở của nhiều loài vật quý hiếm như rái cá, chồn mactet, chim gõ kiến đen và chim diều thường.
Ở cuối con đường là chùa Donghaksa. Từng thước gỗ xây ngôi chùa được sơn màu đỏ, vàng và xanh dương trông thật nổi bật trên nền núi xám, rừng xanh. Các sư cô trong chùa vừa tu tập, vừa đảm nhận trách nhiệm bảo vệ một số bảo vật quý giá của Phật giáo Hàn Quốc.
Đỉnh núi đầu tiên mà du khách sẽ chinh phục là ngọn Sambulbong. Tuyến đường leo lên núi quanh co và ở một số điểm thì chỉ có mỗi chiếc lan can ngăn cách giữa du khách và vực sâu. Hành trình không dành cho những ai yếu bóng vía, nhưng người nào đủ dũng cảm sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng thắng cảnh đẹp có một không hai.
Du khách thường nghỉ giữa đường để chiêm ngưỡng thác Eunseon. Ngọn thác cao 46m đổ từ lưng chừng núi xuống thung lũng phía dưới trông thật kỳ ảo.
Sambulbong là ngọn núi có cảnh sắc đẹp nhất ở Gyeryongsan, đặc biệt là vào mùa xuân khi hoa jindallae (một loài đỗ quyên đặc trưng của Hàn Quốc) đua nở. Ở gần đỉnh núi Sambulbong là chùa Nammaetap (nghĩa là “Anh Em” trong tiếng Hàn).
Tương truyền có một nhà sư lên núi thì thấy con hổ đang đau đớn vì bị cái gai đâm trong miệng. Nhà sư dũng cảm thò tay vào miệng hổ để rút cái gai ra.
Ngày hôm sau con hổ bắt cóc một thiếu nữ đem đến gặp nhà sư để cảm tạ. Hai người liền kết nghĩa anh em và cùng nhau tu luyện trên đỉnh núi cho đến cuối đời. Chùa Nammaetap được xây dựng để tưởng nhớ hai nhà tu hành trong truyền thuyết trên.
Kết thúc hành trình, nhiều du khách tự thưởng cho mình bằng cách vào một quán ăn ở chân núi và gọi món jeon (bánh xèo) nhân hải sản và kim chi. Người Hàn Quốc sau khi leo núi có thói quen ăn jeon để vừa hồi sức, vừa làm ấm người, xua tan cái khí lạnh của miền núi.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ghe-tham-cong-vien-quoc-gia-gyeryongsan-703403.html