Ghé thăm ngôi đền thiêng thờ nữ tướng Bà Triệu

Đền Bà Triệu ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa thuộc Khu di tích lịch sử Bà Triệu, ngôi đền được lập dưới thời vua Lý Nam Đế nhằm tưởng nhớ đến công ơn của vị nữ anh hùng bất khuất Triệu Thị Trinh.

Đền Bà Triệu là ngôi đền linh thiêng trải qua thời gian đã nhuốm màu phong sương, cổ kính, tuy nhiên, đây vẫn là điểm dừng chân lý tưởng để chiêm bái, vãn cảnh và khám phá kiến trúc độc đáo.

 Đền Bà Triệu ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa thuộc khu di tích lịch sử Bà Triệu

Đền Bà Triệu ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa thuộc khu di tích lịch sử Bà Triệu

Đền thờ Bà Triệu, hay còn có tên gọi khác là đền thờ bà Triệu Thị Trinh – một trong những vị tướng anh hùng có công lao rất lớn trong việc đánh đuổi giặc Trung Quốc đến xâm chiếm bờ cõi nước ta vào thế kỷ III (TCN).

Để tưởng nhớ công lao to lớn của Bà Triệu, nhân dân đã xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng – nơi người nữ anh hùng dân tộc họ Triệu đã ngã xuống tại vùng đất lịch sử này.

Ngôi đền được xây dựng theo đúng kiến trúc của Bắc Trung Bộ, vừa trầm mặc, cổ kính nhưng cũng rất tinh tế. Hiện tại, nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật, các kho tàng sự tích, ca dao, huyền thoại và cả những hiện vật hiếm có.

Đền thờ dựa lưng vào sườn núi, nằm sát lề phía Đông đường Quốc lộ 1A theo hướng Thanh Hóa - Hà Nội. Khu di tích Bà Triệu đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

 Đền Bà Triệu là ngôi đền linh thiêng trải qua thời gian đã nhuốm màu phong sương, cổ kính

Đền Bà Triệu là ngôi đền linh thiêng trải qua thời gian đã nhuốm màu phong sương, cổ kính

Đền thờ Bà Triệu được quy hoạch trên diện tích 3,83 ha nằm ngay dưới chân núi Gai. Đây là công trình kiến trúc quan trọng và có giá trị bậc nhất trong quần thể di tích Bà Triệu. Đền được xây dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” và được đánh giá là một trong những di tích có cảnh quan, kiến trúc đẹp nhất xứ Thanh.

Đi từ ngoài vào là Nghi môn ngoại với khối kiến trúc tứ trụ bằng đá nguyên khối, qua Nghi môn ngoại là một không gian xanh mướt cỏ cây, hài hòa với các khối kiến trúc được “sắp đặt” như Ao Sen, Bình phong, Nghi môn trung, Nghi môn nội… Ba khối kiến trúc quan trọng nhất trong đền thờ Bà Triệu là Tiền Đường, Trung Đường và Hậu Cung.

Trong đền còn lưu giữ nhiều cổ vật mang giá trị nguyên bản như: 10 cuốn thần phả viết bằng chữ Hán; 65 đạo sắc phong qua các triều đại phong kiến Việt Nam; tượng Bà Triệu bằng đồng; quạt ngà; lược đồi mồi; trâm ngà; long cung sơn son thếp vàng.

 Đây là quần thể kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa

Đây là quần thể kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa

Khu di tích Bà Triệu không chỉ là chốn linh thiêng với các quần thể kiến trúc có giá trị về lịch sử văn hóa mà còn là nơi có phong cảnh đẹp để du khách tưởng niệm và thăm quan vãn cảnh. Bên cạnh những vẻ đẹp giản dị cổ kính ngôi đền còn có những nét kiến trúc độc đáo. Đền Bà Triệu còn là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, hiện vật quý hiếm và một kho tàng các sự tích, huyền thoại, câu đối, ca dao, thơ…

Với những giá trị vượt thời gian, năm 2014, Khu di tích Bà Triệu đã được công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Sự tôn vinh này thêm một lần nữa khẳng định và nâng tầm vị thế của di sản trong kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

 Đền Bà Triệu là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm

Đền Bà Triệu là nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý hiếm

Mỗi năm, hàng vạn du khách khắp nơi đã về với đền Bà Triệu tham quan và thực hành tín ngưỡng tâm linh, để tưởng nhớ đến Bà và các anh hùng nghĩa sĩ năm xưa, đồng thời cầu mong thần linh phù hộ cho đất nước, quê hương ngày càng đổi mới, phát triển.

Hàng năm, trong vùng nhân dân tổ chức giỗ Bà vào 21 tháng 2 Âm lịch đúng dịp mùa xuân. Nhưng ngay từ ngày đầu xuân - ngày mồng 1 Tết, ở xã Phú Điền (trước đây) đã có tục lệ đặc biệt gắn liền với dịp giỗ Bà Triệu. Đó là tục lệ ăn Tết nguội. Tục này diễn ra vào khoảng trưa ngày mồng 1, cỗ cúng giao thừa xong để lại, sáng mồng 1 cả nhà đi chúc tụng bà con, họ mạc, trở về sau lúc chính ngọ thì dọn cỗ ra ăn gồm bánh và thịt, không nấu nướng thức ăn mới.

Theo những cụ cao niên am hiếu ở địa phương giải thích rằng, tục ăn tết nguội là để tưởng nhớ tới cuộc hành quân của Bà Triệu. Bởi từ sáng sớm, Bà Triệu xuất quân đi đuổi giặc. Dọc đường chỉ có lương khô, đồ nguội, không thể nấu nướng được giữa lúc hành quân nên ăn nguội là hợp lý. Đến chiều tối, khi đã quét sạch lũ giặc khỏi vùng, quân sĩ mới trở về, ăn mừng thắng lợi. Lúc ấy thì bếp đỏ lửa, dân làng náo nức đem đồ nấu sốt, nóng tới khao quân. Kể từ đó, dân làng Phú Điền giữ đúng tục này: Buổi trưa ăn nguội, buổi chiều - bữa ăn tối ngày mồng một đầu xuân mới thì rất thịnh soạn, biểu lộ rõ không khí hân hoan của bữa ăn mừng chiến thắng.

Trong những ngày này, tại đình làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc bà con nhân dân đang tích cực chuẩn bị cho hoạt động chính rước kiệu, tế lễ trong Lễ hội Bà Triệu năm 2023. Sau 2 năm gián đoạn vì dịch COVID-19, đến nay lễ hội mới tổ chức trở lại, vì vậy người dân nơi đây rất phấn khởi, tự hào.

 Khuôn viên Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu, xã Triệu Lộc được trang hoàng, công tác vệ sinh môi trường được ban quản lý tích cực chuẩn bị

Khuôn viên Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu, xã Triệu Lộc được trang hoàng, công tác vệ sinh môi trường được ban quản lý tích cực chuẩn bị

Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Lễ hội đền Bà Triệu năm 2023, kỷ niệm 1.775 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh được diễn ra từ ngày 11 đến 13/3 (tức ngày 20 đến 22/2 Âm lịch) với quy mô cấp tỉnh. Đây là sự kiện văn hóa lớn của tỉnh Thanh Hóa nhằm tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của di tích lịch sử đền Bà Triệu, tiềm năng du lịch của địa phương với du khách trong nước và quốc tế. Góp phần đầu tư, xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

Lễ khai mạc bắt đầu từ 8 giờ ngày 11/3/2023 (tức ngày 20/02 năm Quý Mão) tại khuôn viên Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) với các nghi thức truyền thống gồm lễ trình cáo, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương tại đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu trên núi Tùng, lăng mộ ba ông tướng họ Lý dưới chân núi Tùng, đền Đệ Tứ, miếu Bàn thề, đình làng Phú Điền (xã Triệu Lộc, Hậu Lộc); rước kiệu Bà, trình tấu Chúc văn trên đền Bà...

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ghe-tham-ngoi-den-thieng-tho-nu-tuong-ba-trieu-post238069.html