Ghé thăm 'thương cảng' một thời lừng danh - Hưng Yên ngày ấy và bây giờ
Phố Hiến - đô thị cổ một thời, nổi danh với câu ca: 'Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến', đã từng là thương cảng lớn, trung tâm thương mại giao lưu quốc tế sầm uất và phồn thịnh trong suốt hai thế kỷ XVI - XVII.
Phố Hiến, Hưng Yên được hình thành từ thế kỷ XIII và nhanh chóng trở thành một trung tâm chính trị - văn hóa với nhiều mối giao lưu quốc tế.
Nơi đây trở thành điểm trung chuyển và là cửa ngõ của mọi tuyến giao thương đường sông từ vùng biển Bắc Bộ đi sâu vào đất liền tới Kinh thành Thăng Long.
Vào giai đoạn phát triển cực thịnh, Phố Hiến là trung tâm giao thương quốc tế sầm uất, buôn bán với nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Pháp, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Anh,…
Phố Hiến còn là một đô thị kinh tế với bến cảng sông, một tập hợp chợ, khu phường phố và các thương điếm phương Tây. Khi đó Phố Hiến được coi là “Tiểu Tràng An” chốn phồn hoa đô hội, cũng là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều nền văn hóa, sự phồn hoa của Phố Hiến chỉ đứng sau Thăng Long - Kẻ Chợ.
Theo ước tính đã có khoảng 2000 ngôi nhà được xây dựng và hình thành khoảng hơn 20 phường, các khu phố để làm ăn, buôn bán và có nhiều thương nhân nước ngoài sinh sống ở đây như: Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp,… Sự thịnh vượng của Phố Hiến kéo dài suốt thế kỷ XVII.
Trải qua những biến cố của lịch sử, cùng sự đổi dòng của sông Hồng, thương cảng sầm uất không còn nữa, chỉ để lại cho hậu thế những dấu ấn của sự cộng cư, hợp cư, giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa nhiều dân tộc.
Đến với Phố Hiến - Hưng Yên, bạn sẽ được thỏa lòng trải nghiệm tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến, để được cảm nhận những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật phong phú, độc đáo, ghi dấu một thời của “Tiểu Tràng An”.
Hơn nữa, vẻ đẹp của các công trình trong quần thể di tích Phố Hiến còn là sự kết tinh và giao thoa giữa phong cách kiến trúc thuần Việt, kiến trúc Trung Hoa và kiến trúc theo kiểu phương Tây cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc.
Di tích quốc gia đặc biệt “ Khu di tích Phố Hiến” tọa lạc tại thành phố Hưng Yên gồm 16 di tích: Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông, đền Mẫu, đền Trần, đình - chùa Hiến, đền Thiên Hậu, đền Bà Chúa Kho, đền Mây, chùa Phố, đền Cửu Thiên Huyền Nữ, Đông Đô Quảng Hội, chùa Nễ Châu, đền Kim Đằng, đình An Vũ, đền Nam Hòa, Võ Miếu.
Điểm đầu tiên bạn nên khám phá là Văn Miếu Xích Đằng thuộc Phường Lam Sơn, được khởi dựng từ thời Lê. Văn Miếu Xích Đằng là biểu tượng tôn vinh truyền thống hiếu học của người Hưng Yên, là nơi tập trung tinh hoa, trí tuệ, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo của người Hưng Yên xưa và nay.
Hiện Văn miếu còn lưu giữ một số hiện vật quý, trong đó giá trị lớn nhất là 9 tấm bia đá ghi danh 161 vị đỗ đại khoa của trấn Sơn Nam xưa.
Đây là những tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh được chạm khắc hoa văn phong phú hình rồng, kỳ lân, lưỡng long chầu nguyệt khá tinh xảo, uyển chuyển, tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Hành trình khám phá của bạn sẽ không thể thiếu chùa Chuông. Bởi đến đây là đến với thế giới của tâm của Phật. Ngôi chùa được mệnh danh là “Phố Hiến đệ nhất danh thắng’’, không chỉ nổi tiếng bởi cảnh quan đẹp mà còn có hệ thống tượng phật phong phú, đặc sắc như: Tòa Tam Bảo, Bát Bộ Kim Cương, Thập Bát La Hán, Thập Điện Diêm Vương…
Nét độc đáo của các pho tượng không chỉ bởi nghệ thuật điêu khắc khéo léo, công phu mà còn ở sắc thái sống động, uyển chuyển qua biểu hiện nét mặt, cử chỉ. Vì thế tại ngôi chùa này hiện vẫn tồn tại cách bói dân gian khá độc đáo qua cách tính năm chọn tượng…
Điểm khám phá tiếp theo là đền Mẫu, ngay cạnh hồ Bán Nguyệt, đường Bãi Sậy, phường Quang Trung, là di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc uy nghi cổ kính, nổi tiếng là điểm đến linh thiêng thu hút đông đảo du khách. Đền thờ bà Quý Phi họ Dương, thời Tống (Trung Quốc) được tán xưng “Mẫu Nghi Thiên Hạ”, là người đã tuẫn tiết để giữ trọn lòng chung thủy với vua và trung thành với đất nước.
Ở đây còn có sự hiện diện của ba cây cổ thụ Đa, Xanh, Si hợp thân thành thế kiềng ba chân với hơn 700 năm tuổi khiến không gian ngôi đền càng thêm huyền bí và linh thiêng.
Bên cạnh là đền Trần thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - vị anh hùng dân tộc, một nhà chính trị tài ba. Ông có công lớn trong công cuộc đánh đuổi quân Nguyên Mông lần 2 và 3. Phố Hiến xưa là nơi hội tụ của ba dòng sông và nhờ có địa thế quân sự quan trọng nên Trần Hưng Đạo chọn làm cứ địa đóng quân.
Nếu muốn “Cầu may, vay lộc”, hãy đến với đền Bà Chúa Kho ở khu phố Điện Biên III, phường Quang Trung. Đền thờ bà Lê Bạch Nương, một mỹ nhân trung quân ái quốc thời Lê. Bà được phân coi giữ ngân khố quốc gia, phụ trách kho ngân khố ở Vĩnh Ty Đồn (thuộc Tp Hưng Yên ngày nay).
Bà đã chiến đấu và anh dũng hy sinh để bảo vệ kho ngân khố không rơi vào tay giặc. Song do thế giặc mạnh, quân ta không chống đỡ được nên bà đã tuẫn tiết và lấy máu của mình vẩy khắp vựa bạc làm cho quân giặc khiếp vía kinh hồn. Hiện ngôi đền có kiến trúc chữ Nhị gồm 3 gian Tiền tế và 3 gian Hậu cung.
Tiếp đến là đền Mây thuộc phường Lam Sơn là các di tích có giá trị độc đáo. Đền Mây được xây dựng từ thời Đinh - Tiền Lê và được trùng tu vào thời Nguyễn.
Đền thờ Phạm Bạch Hổ - một vị tướng tài ba, anh hùng dân tộc có công đánh giặc cứu nước. Nơi đây còn nổi tiếng với câu chuyện về sự linh thiêng, là minh chứng sống động cho một niềm tin bất diệt vào sự bảo trợ của vị thần đền Mây.
Xuôi về phía nam là Phố Hiến cổ với cụm di tích đình - chùa Hiến. Trước sân chùa Hiến còn lưu giữ hai tấm bia đá dựng năm 1625 và 1709, ghi lại quá trình tụ cư của thương cảng Phố Hiến xưa.
Chùa còn nổi tiếng có cây nhãn Tổ niên đại hơn 300 năm tuổi, đây là cây nhãn đường phèn, mã lụa, cùi dày, quả to, hương vị thơm ngon đặc sắc, xưa hay để tiến Vua. Giống nhãn ngon và quý khiến nhà bác học Lê Quí Đôn từng thốt lên: “Mỗi lần bỏ vào miệng thì tận trong răng lưỡi đã nảy ra vị thơm tựa như nước thánh trời cho”.
Ngay cạnh chùa Hiến là đình Hiến, tôn thờ vị thành hoàng làng Mậu Dương - quan Thái giám họ Du nhà Tống. Ngôi đình xây dựng vào thế kỉ XVII có quy mô kiến trúc mang đậm phong cách nghệ thuật hậu Lê. Với kiến trúc chữ Đinh, các mảng chạm khắc hoa với các đề tài tứ linh, tứ quý, cá chép hóa rồng,… Dọc con đường ấy bạn sẽ được tham quan một danh lam thắng tích nổi tiếng của Phố Hiến đó là chùa Nễ Châu.
Đến với chùa Nễ Châu, du khách dạo chơi trong khu vườn nhỏ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc cổ, những đường nét chạm khắc gỗ công phu hòa nhập trong từng mảng chạm, pho tượng Tuyết Sơn, bộ tượng Tam Thế… đem lại những giây phút thanh thản, hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Trước đây, Phố Hiến từng có rất nhiều dòng họ người Hoa định cư, ngày nay còn lưu lại nhiều di tích mang phong cách kiến trúc Trung Hoa. Đó là Võ Miếu, đền Thiên Hậu, Đông Đô Quảng Hội. Đây là những công trình mang đậm màu sắc kiến trúc của nền văn hóa Trung Hoa được bảo lưu nguyên vẹn đến ngày nay.
Cùng hòa mình vào không khí tưng bừng của lễ hội văn hóa dân gian Phố Hiến được tổ chức từ ngày 20 đến 22 tháng Giêng Âm lịch.
Lễ hội tái hiện lại nếp sống, nếp sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân Phố Hiến từ xa xưa, cảnh tấp nập “trên bến dưới thuyền”, sự phồn hoa thịnh vượng của Phố Hiến một thời nhằm khôi phục lại những giá trị truyền thống của ông cha từ xa xưa.
Lễ hội được diễn ra với các nghi thức rất trang trọng, đặc sắc nhất là phần rước kiệu, đoàn rước với sự tham gia của hàng nghìn người, kéo dài 2km, rước qua các tuyến phố chính và các đình, đền, chùa trong thành phố.
Vòng quanh Phố Hiến với bán kính chừng 5km, bạn sẽ được thưởng thức những đặc sản nức tiếng của vùng đất xứ nhãn: bún thang lươn Phố Hiến, chè sen long nhãn, nhãn lồng,…
Tới đây, bạn được tận hưởng một không gian thanh bình và yên ả, không bon chen, náo nhiệt. Đó là khoảng thời gian được sống chậm lại trước không khí thoáng mát, vẻ đẹp thơ mộng của hồ Bán Nguyệt, dạo bước trên con đê xanh mướt, ngắm nhìn những chú cò chao lượn trên bầu trời hay thư giãn bên những cây nhãn lồng cổ.
Thưởng thức vị ngọt thanh của nhãn lồng, vị ngọt bùi thanh mát của chè sen long nhãn, một bát bún thang lươn bổ dưỡng vào bữa sáng hay những món ăn dân dã từ cá sông, tôm sông hay cua đồng… đó là những lý do mà bạn nên lưu lại Phố Hiến để khám phá và trải nghiệm với cuộc sống bình dị của người dân nơi đây.