Ghi dấu ấn với kỹ thuật nối các bộ phận cơ thể đứt rời

Trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, nối các phần cơ thể đứt rời hoặc điều trị các tổn thương đứt mạch máu, dây thần kinh là những kỹ thuật khó, đòi hỏi chuyên môn rất cao.

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám hậu phẫu cho bệnh nhi N.M.A., ở xã Nhã Lộng (Phú Bình).

Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên khám hậu phẫu cho bệnh nhi N.M.A., ở xã Nhã Lộng (Phú Bình).

Gần 10 tháng trước, việc bệnh nhi N.M.A., ở xã Nhã Lộng (Phú Bình), được phẫu thuật thành công nối bàn tay đứt lìa khi mới 18 tháng tuổi đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Đây là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất được nối chi thành công trong lịch sử y học Việt Nam.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình - Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, người trực tiếp thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhi N.M.A., đây là trường hợp hiếm gặp, đòi hỏi kinh nghiệm trong phẫu thuật vi phẫu cao.

Bác sĩ Tùng chia sẻ: Thông thường, việc nối các bộ phận cơ thể khó nhất là tại vùng có các mạch nhỏ như bàn tay. Ca phẫu thuật càng khó hơn khi bệnh nhi này mới chỉ gần 18 tháng tuổi, trong khi bàn tay đã đứt lìa với toàn bộ gân, khối xương cổ tay và bó mạch thần kinh quay, trụ và thần kinh giữa, đứt toàn bộ gân gấp vùng ống cổ tay. Khác với người trưởng thành, mạch máu và dây thần kinh của bệnh nhi còn nhỏ nên mọi công đoạn phẫu thuật đều khó, trong đó khó nhất là phẫu thuật phục hồi mạch máu và thần kinh.

Với kinh nghiệm và chuyên môn cao, sau hơn 5 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cứu sống bàn tay cho bệnh nhi. Hiện nay, sau gần 10 tháng phẫu thuật, bàn tay được nối của cháu N.M.A. phát triển bình thường, hồi phục vận động tương đối tốt. Chị N.T.P., mẹ của cháu N.M.A., chia sẻ: Gia đình tôi thực sự biết ơn các bác sĩ. Nếu không thể nối bàn tay cho cháu thì sẽ là gánh nặng tâm lý cho cả gia đình tôi những năm sau này.

Năm 2009, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên phẫu thuật thành công nối cánh tay trái bị đứt rời cho một bệnh nhân tai nạn lao động. Sự kiện này đưa Bệnh viện trở thành cơ sở y tế đầu tiên trong khu vực Trung du, miền núi phía Bắc ứng dụng thành công vi phẫu nối các bộ phận cơ thể đứt rời.

Để triển khai được vi phẫu và đưa vào vận dụng thường quy, Bệnh viện đã chuẩn bị phương tiện, tổ chức định hướng các kíp bác sĩ học tập kỹ thuật vi phẫu ở các cơ sở y tế đầu ngành, có nhiều năm kinh nghiệm triển khai vi phẫu. Đồng thời, Bệnh viện đã đầu tư hệ thống trang thiết bị, máy móc đồng bộ, công nghệ cao, các dụng cụ tối tân, đặc biệt là kính vi phẫu hiện đại với độ phóng đại gấp 10-20 lần, mang lại hình ảnh có độ phân giải cao, hỗ trợ đắc lực cho các phẫu thuật viên thực hiện các thao tác phẫu tích, khâu nối yêu cầu độ chính xác và tỉ mỉ cao, như mạch máu, thần kinh có kích thước chỉ khoảng 1mm, đường kính chỉ tương đương 1/10 sợi tóc…

Đến nay, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã ứng dụng vi phẫu nối bộ phận cơ thể cho hàng trăm bệnh nhân, trong đó có nhiều bệnh nhân bị đứt rời chi hoặc đứt mạch máu, dây thần kinh quan trọng phục hồi khả năng vận động, lao động bình thường. Để thực hiện được kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ phải thận trọng, tỉ mỉ và chính xác mới nối được những mạch máu, dây thần kinh rất nhỏ mà các phương pháp khác không thực hiện được.

Dù vậy, kết quả sau các ca phẫu thuật thường khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Nguyên nhân, cơ chế tổn thương, bảo quản, phục hồi chức năng… Có những trường hợp, bảo quản bộ phận đứt rời không đúng cách nên bác sĩ không thể chỉ định nối bộ phận đứt rời.

Chính vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, trong trường hợp tai nạn khiến bộ phận cơ thể bị đứt rời, cần cầm nắm nhẹ, rửa bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, không được rửa bằng xà phòng hoặc hóa chất. Sau đó, bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào. Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh, hoặc đơn giản nhất là cho vào trong một túi nhựa khác có chứa đá lạnh.

Tuyệt đối không để phần cơ thể đứt lìa tiếp xúc trực tiếp với đá lạnh. Nếu bộ phận cơ thể chưa đứt rời, dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt độ thấp, tránh đặt đá trực tiếp lên vết thương. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có đủ khả năng thực hiện kỹ thuật vi phẫu.

Qua nhiều năm triển khai, hiện nay, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã phát triển kỹ thuật nối các bộ phận đứt rời với kỹ thuật cao nên không còn bị giới hạn trong thời gian bảo quản bộ phận đứt rời trong 6 giờ như trước. “Nếu được bảo quản đúng cách, bộ phận cơ thể đứt rời hơn 10 giờ vẫn có thể nối được thành công” - bác sĩ Tùng chia sẻ.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202407/ghi-dau-an-voi-ky-thuat-noi-cac-bo-phan-co-the-dut-roi-a9b0a14/