Ghi nhận 3 ổ dịch tay chân miệng tại các trường mầm non ở Hà Nội

Trong tuần vừa qua, tại Hà Nội xuất hiện 3 ổ dịch tay chân miệng tại 3 trường mầm non, số ca mắc mới cũng tăng hơn tuần trước đó…

Toàn thành phố ghi nhận 77 ca bệnh tay chân miệng

Ngày 4/4, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong hai tuần trở lại đây, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn thành phố bắt đầu có xu hướng gia tăng với khoảng 60-70 ca/tuần.

Tính trong tuần vừa qua (kết thúc vào ngày 29/3), thành phố ghi 77 ca bệnh tay chân miệng, tăng 15 ca so với tuần trước đó. Đặc biệt, ghi nhận 3 ổ dịch tại 3 trường mầm non.

Tổng số ổ dịch từ đầu năm 2024 đến nay là 5 ổ dịch, tổng số ca mắc trên 300 trường hợp, tăng 75 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

Ghi nhận 3 ổ dịch tay chân miệng tại các trường mầm non ở Hà Nội.

Ghi nhận 3 ổ dịch tay chân miệng tại các trường mầm non ở Hà Nội.

Trên phạm vi cả nước, số ca mắc tay chân miệng trong 3 tháng đầu năm 2024 khoảng 6.700 trường hợp, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

CDC Hà Nội khuyến cáo, để phòng chống bệnh tay chân miệng đối với khối trường mầm non, tiểu học cần tăng cường hướng dẫn trẻ giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; thường xuyên lau rửa toàn bộ sàn nhà bằng chất tẩy rửa, đồ chơi, đồ dùng của trẻ, bàn, ghế bằng dung dịch sát khuẩn...

Khi thấy trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám sớm để được chẩn đoán và điều trị.

Dấu hiệu nhận biết bệnh chân tay miệng cảnh báo diễn biến nặng

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương, có 3 triệu chứng rất sớm cảnh báo diễn biến nặng của bệnh tay chân miệng ở trẻ mà cha mẹ cần chú ý theo dõi. Nếu trẻ có 1 trong 3 triệu chứng sau đây, gia đình cần đưa trẻ đi khám để được xử trí kịp thời.

- Quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều, thậm chí là quấy khóc cả đêm không ngủ. Trẻ cứ ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc khoảng 15-20 phút rồi lại ngủ tiếp. Nhiều cha mẹ thường giải thích là do bé có các nốt đau miệng nhưng thực tế không phải vậy. Đó là do tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn rất sớm.

- Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt paracetamon. Đây là tình các quá trình đáp ứng viêm rất mạnh trong cơ thể, gây nên tình trạng nhiễm độc thần kinh. Lúc này, cần dùng 1 loại thuốc hạ sốt đặc biệt hơn đó là các chế phẩm có Ibuprofen.

- Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không...

Kim Thạch (TH)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ghi-nhan-3-o-dich-tay-chan-mieng-tai-cac-truong-mam-non-o-ha-noi.html