Ghi nhận việc dạy học phân hóa qua điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 17/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố điểm thi và phổ điểm 9 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Với tổng số 9.247 thí sinh dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, căn cứ theo kết quả được công bố, Hà Nam có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp đạt 99,6%; điểm trung bình các môn đạt 7,056, xếp thứ 9 toàn quốc.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh ta về cơ bản có sự ổn định về điểm số trung bình các môn thi so với một số kỳ thi gần đây. Các môn: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Hóa học, Địa lý có điểm trung bình đạt cao từ 7,055- 8,046; các môn còn lại có điểm trung bình thấp hơn nhưng cũng thể hiện rõ được sức học của học sinh, dao động từ 5,472 - 6,926. Hầu hết các môn thi không có đột biến về điểm số. Đặc biệt, kết quả đối sánh giữa điểm thi và điểm học bạ của thí sinh Hà Nam có sự tương đương, thí sinh dự thi được đánh giá tương đối sát, đúng năng lực học tập thực tế.

“Qua phổ điểm thi, có thể đánh giá mức độ, kết quả học tập của học sinh và Hà Nam được đánh giá nằm trong số ít địa phương bảo đảm hầu hết tất cả các môn đều có phổ điểm tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Kết quả này cũng thể hiện sự ổn định, nỗ lực trong công tác giảng dạy của đội ngũ giáo viên và quá trình học tập của học sinh. Đồng thời, phản ánh rõ việc dạy học phân hóa đối với học sinh phổ thông của tỉnh ta…”, ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết.

Trong quá trình dạy học, ôn tập thi tốt nghiệp, giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa luôn chủ động dạy học phân hóa.

Trong quá trình dạy học, ôn tập thi tốt nghiệp, giáo viên Trường THPT chuyên Biên Hòa luôn chủ động dạy học phân hóa.

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, Trường THPT chuyên Biên Hòa vẫn là đơn vị dẫn đầu các trường THPT về điểm bình quân các môn thi. Theo đó, với 349 thí sinh dự thi, bình quân chung của trường đạt 8,014 điểm, bỏ khá xa các trường top cuối, như: THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, THPT B Bình Lục, THPT C Bình Lục, THPT Nguyễn Hữu Tiến (Duy Tiên)… từ 1,155 đến 1,582 điểm.

Cô giáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT chuyên Biên Hòa cho biết: Mặc dù, năng lực học tập của học sinh nhà trường cao hơn mặt bằng chung, nhưng trong công tác giảng dạy, nhất là giảng dạy và ôn tập thi tốt nghiệp, nhà trường luôn định hướng cho giáo viên và các tổ chuyên môn thực hiện tốt các phương pháp giáo dục tích cực, trong đó có dạy học phân hóa. Trên thực tế, dạy học phân hóa là một hoạt động mà ở đó cần phải phân loại và chia tách đối tượng học sinh, từ đó tổ chức, vận dụng nội dung, phương pháp và hình thức sao cho phù hợp với đối tượng nhằm đạt hiệu quả cao.

Với định hướng đó, giáo viên nhà trường đã tổ chức dạy học theo năng lực học sinh, bảo đảm yêu cầu giáo dục phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, nhịp độ, khả năng, nhu cầu và sự tiếp nhận kiến thức khác nhau của người học; từ đó có cách thức giáo dục phù hợp, phát huy tối đa năng lực học tập của mỗi học sinh. Bên cạnh việc thực hiện nghiêm kế hoạch dạy ôn tập cá nhân, giáo viên của nhà trường đã tập trung dạy ôn tập trên cơ sở có sự phân loại chính xác năng lực học sinh để có biện pháp hỗ trợ ôn tập hiệu quả.

Là đơn vị có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt 100% và xếp thứ 8 trong số các trường có học sinh đạt tổng điểm các khối thi cao, Trường THPT C Thanh Liêm đã khẳng định được hiệu quả của việc dạy và học ôn tập theo hướng phân hóa học sinh. Với mức điểm tuyển sinh lớp 10 hằng năm thường thấp hơn so với nhiều trường THPT khác thì kết quả thi và thứ hạng đạt được trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 lại mang tới một cách nhìn nhận tích cực về cách dạy và cách học.

Thầy giáo Trần Xuân Thủy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Theo kế hoạch tổ chức dạy ôn tập thi tốt nghiệp THPT chung, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên các bộ môn triển khai xây dựng kế hoạch dạy ôn tập theo từng giai đoạn, gắn với việc chủ động phân loại học sinh và dạy ôn theo hướng phân hóa học sinh. Nhà trường căn cứ theo sự phân loại học sinh của giáo viên đã tổ chức các lớp ôn tập theo đúng năng lực nhận thức, kỹ năng và theo nguyện vọng thi tốt nghiệp hay thi đại học của học sinh. Với cán bộ, giáo viên nhà trường, điều quan trọng nhất đối với việc tổ chức dạy học và ôn tập thi tốt nghiệp THPT theo hướng phân hóa, phân loại học sinh chính là bảo đảm tính cân đối trong quan điểm dạy học hiện nay về kiến thức, kỹ năng. Trong quá trình đó, việc dạy học, dạy ôn của giáo viên cũng như việc học ôn của học sinh không quá lệch về trang bị kiến thức mà bỏ qua việc rèn kỹ năng.

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp nhằm tổ chức có hiệu quả công tác dạy học phân hóa ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trên cơ sở kế hoạch chung, các tổ, nhóm chuyên môn có môn thi tốt nghiệp THPT của các trường lập kế hoạch ôn tập chi tiết, thống nhất đến từng tuần về kiến thức cơ bản và các dạng bài tập chủ yếu sẽ ôn tập của từng nội dung đó; phải có kết quả phân loại học sinh đối với môn học, có phần nội dung và phương pháp dành riêng cho từng đối tượng học sinh.

Với nhóm học sinh yếu kém, các nhà trường và đội ngũ giáo viên dành nhiều thời gian tập trung củng cố kiến thức giúp học sinh đọc hiểu và nhận diện tốt các bài có dung lượng kiến thức đại trà, chưa có yếu tố phân hóa kiến thức và rèn nhiều về các kỹ năng, thao tác, các thuật toán, cách trình bày, diễn đạt dễ lấy điểm nhất. Với nhóm học sinh trung bình, trong kế hoạch dạy ôn của các nhà trường và phương pháp dạy ôn của giáo viên đều xác định tăng cường củng cố kiến thức cơ bản, từ đó ôn tập các kỹ năng huy động tri thức.

Với những học sinh nhận thức nhanh, giáo viên ưu tiên dành nhiều thời gian uốn nắn, củng cố kỹ năng có độ phân hóa trình độ, tăng cường ôn tập cho các em về kiến thức, kỹ năng làm bài các môn thi trái khối.

Hiện nay, phương pháp dạy học phân hóa cũng là phương pháp giáo dục được các cơ sở giáo dục triệt để thực hiện, hướng đến sự sẵn sàng tiếp thu kiến thức, sở thích học tập của học sinh. Đặc điểm chính của dạy học phân hóa là cách dạy làm sao để vừa sức với từng đối tượng người học. Như vậy, dạy học phân hóa là cách thức dạy học có tính đến sự khác biệt của người học hoặc nhóm người học, nhất là ở bậc THPT cần dạy học phân hóa để cung cấp nguồn nhân lực cho thị trường lao động, nguồn học sinh cho giáo dục đại học, cao đẳng, cũng như các trường nghề đáp ứng được yêu cầu đào tạo chuyên sâu về một lĩnh vực khoa học hoặc ngành nghề chuyên biệt.

Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Hiền, giáo viên Toán, Trường THPT chuyên Biên Hòa, dạy học phân hóa như là một hướng đổi mới phương pháp giáo dục nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh. Hơn thế, dạy học phân hóa là quan điểm giảng dạy nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng học sinh nên giáo viên phải hiểu về các sở thích, cá tính, năng lực và phong cách học tập của người học, từ đó xây dựng kế hoạch giảng dạy, đánh giá và kiểm tra một cách có chủ đích để phát huy tốt nhất những thế mạnh và nhu cầu đa dạng của học sinh.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/ghi-nhan-viec-day-hoc-phan-hoa-qua-diem-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-130210.html