Ghi ở 'Bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới'
Chi Lăng là cửa ải xung yếu nhất trên con đường từ ải Pha Lũy (Hữu Nghị Quan) đến Đông Quan (Hà Nội ngày nay) cách biên giới chừng 60km. Ải Chi Lăng được coi là bức tường thành vững chắc của kinh thành Thăng Long trong việc chặn đứng các cuộc viễn chinh của quân phương Bắc tràn sang.
Ngày nay, Khu di tích lịch sử Chi Lăng là một quần thể gồm 52 điểm di tích ở huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn kéo dài từ cầu Quan Âm Sông Hóa (thị trấn Chi Lăng) đến đền Hổ Lai thuộc địa phận xã Mai Sao, trải dọc theo thung lũng Sông Thương gần 20km phần lớn thuộc địa phận hai xã Chi Lăng và xã Quang Lang. Khu di tích này đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là khu Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1962.
Năm 1980, sau khi tham dự hội thảo kỷ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, sử gia người Pháp, tiến sĩ Charler Faudier đã đến Chi Lăng tham quan và ngạc nhiên thốt lên: “Đây là một bảo tàng lịch sử ngoài trời lớn nhất thế giới!”.
Kỳ tích Chi Lăng
Năm 1982, tôi là học sinh cuối cấp 2, đám học sinh chúng tôi tay xách, nách mang đủ thứ và tham gia đồng diễn Lễ kỷ niệm 555 năm Chiến thắng Chi Lăng (10/10/1427- 10/10/1982). Chúng tôi cùng thầy cô đi bộ hàng hai trên quốc lộ 1A cũ từ thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng) đến khu lưu niệm Chiến thắng Chi Lăng dài chừng 4km. Thầy giáo Nguyễn Trường Thanh, khi đó là Hiệu trưởng Trường cấp 1-2 Đồng Mỏ, vừa dắt chiếc xe đạp, vừa cầm loa giới thiệu: “Thế kỷ X và XI, quân Tống sang xâm lược nước ta 2 lần nhưng đều bị thất bại tại cửa ải Chi Lăng. Thế kỷ XIII nơi đây ghi dấu 3 lần thất bại của quân xâm lược Nguyên - Mông. Bước sang thế kỷ XV, vào năm Đinh Mùi lại ghi dấu một mốc son chói lọi, đó là chiến thắng Chi Lăng vào ngày 10 tháng 10 năm 1427”.
Thầy giáo Nguyễn Trường Thanh là nhà sư phạm nổi tiếng ở xứ Lạng đồng thời cũng là nhà sử học. Năm 1980, thầy đã xuất bản cuốn sách lịch sử văn học “Kỳ tích Chi Lăng” thu hút sự chú ý của dư luận và bạn đọc. Bởi thời gian này, tinh thần yêu nước, sục sôi trước thế lực phương Bắc lên rất cao…
“Trong thung lũng ải Chi Lăng còn nổi lên nhiều ngọn núi đá vôi nằm rải rác, sừng sững về phía Bắc là dãy Núi Quỷ gồm những ngọn núi trong dãy Cai Kinh đã khép chặt vào trong con đường độc đạo và dòng sông Thương chảy ngoằn ngoèo nên được gọi là Quỷ Môn Quan. Ngày xưa, khi quân giặc tiến vào ải Chi Lăng, đến đâu cũng là rừng rậm, bãi lầy, sông sâu nên buộc phải đi qua Quỷ Môn Quan; Quân ta mai phục hai bên núi dùng đạn đá, cung tên, mũi giáo tiêu diệt rất nhiều.
Núi Mặt Quỷ nằm trên lưng chừng vách núi Cai Kinh dựng đứng cách ải Chi Lăng chừng 100m, có hình dáng nhang nhác mặt quỷ với hai mắt sâu dài, thẳm nhìn xuống dòng sông Thương. Mặt Quỷ có chiều rộng và chiều dài gần ngang nhau, chiều ngang chừng ba thước, chiều dọc cũng xấp xỉ như vậy. Đầu tháng 10 năm 1427, đạo quân của Liễu Thăng hùng hổ tiến đến khu vực Chi Lăng.
Liễu Thăng vén rèm thêu kim tuyến của cỗ kiệu lên, rút kiếm lệnh chỉ lên Mặt Quỷ, thét lớn: “Không làm cỏ được phương Nam, bình xong đất này, ta không trông thấy mặt ngươi nữa!”. Chưa kịp dứt lời, thì từ Mặt Quỷ phát ra tiếng cười vang như sấm động, tiếng cười vang dậy cả trời, rung chuyển cả núi rừng. Liễu Thăng khiếp đảm trước hàng nghìn, hàng vạn mũi tên hướng về mình. Tiếng hô vang rung chuyển của quân Lam Sơn cùng dân binh Chi Lăng ào tới như thác đổ. Tướng Liễu Thăng chưa kịp hoàn hồn thì đầu đã rơi khỏi cổ”, thầy giáo Nguyễn Trường Thanh tự hào kể lại tích xưa.
Theo thầy Thanh, trước đó vào mùa xuân năm 1076, sau chiến thắng quân Tống lần thứ nhất, tướng quân Lý Thường Kiệt đi kinh lý phương Bắc, khi đến núi Mặt Quỷ, ông ngắm nhìn rồi buột miệng nói như khấn: “Nếu Quỷ thiêng thì không chỉ có đôi mắt sáng mà còn có cả mũi thính nhạy để phát hiện mùi hắc ám của giặc cách xa vạn dặm”. Dứt lời, Lý Thường Kiệt bật dây cung. Mũi tên thần lao vút lên không trung cắm phập vào mũi con Quỷ. Bỗng như trời sáng lòa, chim chóc hót tưng bừng, hoa rừng ngào ngạt đưa hương. Dấu vết của mũi tên vàng thông cho mũi con Quỷ còn lại mãi cho đến tận bây giờ…
Bảo tồn, phát huy
Ải Chi Lăng, một địa danh đặc biệt mà bất cứ du khách nào khi đến huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) cũng mong một lần ghé thăm để chiêm ngưỡng phong cảnh núi non hùng vĩ cùng những di tích đã gắn liền với những chiến công hào hùng của dân tộc trong công cuộc chống giặc ngoại xâm phương Bắc.
“Năm 2019, Khu di tích Chi Lăng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 1954/QĐ-TTg, ngày 31/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định vị trí quan trọng của khu di tích trong kho tàng di sản Văn hóa dân tộc Việt Nam”
Ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng
Tiến sỹ Nguyễn Cường, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, người đã nhiều năm nghiên cứu lịch sử Chi Lăng điểm lại những dấu mốc lịch sử gắn với địa danh này, khẳng định: “Chi Lăng là một trong những “cái nôi văn hóa” của xứ Lạng với những điểm di tích lịch sử - văn hóa quan trọng, phân bố “dày đặc” trên địa bàn hai xã Chi Lăng và Quang Lang. Một số di tích tiêu biểu có thể kể đến như: Hang Lạng Nắc, Thành cổ Chi Lăng, Cửa ải Quỷ môn, Núi Mã Yên, Lê Tổ kiếm thạch - Liễu Thăng thạch…
“Chiến thắng Chi Lăng đã đi vào đời sống, tình cảm của người dân địa phương, mà bằng chứng chính là hệ thống di tích - tâm linh. Tiếp nối chiến công đánh giặc phương Bắc, địa danh Chi Lăng hiện còn lưu giữ những bằng chứng về cuộc khởi nghĩa của Hoàng Đình Kinh. Núi Tay Ngai, thành Cai Kinh, cầu Quan Âm… ở phía nam Khu di tích là những địa điểm gắn liền với hoạt động chống thực dân Pháp của thủ lĩnh Cai Kinh cuối thế kỷ XIX”, Tiến sỹ Cường nói.
Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Cường, thời tiền sử, Chi Lăng đã là quê hương của các nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng như: Bắc Sơn, Mai Pha với hệ thống di tích tiêu biểu như Hang Lạng Nắc, Hang Ngườm Sâu, Hang Nà Ngụm. Nơi lưu giữ, phát hiện những di vật, mảnh tước, rìu đá, mảnh gốm… minh chứng cho những giai đoạn sơ sử, tiền sử của người Việt cổ có giá trị về nghiên cứu khoa học.
Ngày 10/10, tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn diễn ra các hoạt động chào mừng kỷ niệm 595 năm Chiến thắng Chi Lăng (10/10/1427- 10/10/2022), dấu son của quân và dân ta chống giặc phương Bắc.
Ông Vi Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng chia sẻ: Chi Lăng là huyện nằm ở phía Nam của tỉnh Lạng Sơn, có diện tích gần 700km2, trong đó 83% diện tích là núi đá vôi và rừng, đây là nơi sinh sống của các dân tộc anh em như: Tày, Nùng, Kinh… Họ đã cùng nhau sinh sống, chiến đấu, bảo vệ, tạo nên mảnh đất Chi Lăng anh hùng. Tiếp nối truyền thống cha ông, ngày nay, đồng bào đã biết trồng hái cây na được gọi là “vàng trên núi Kai Kinh”, cùng các đặc sản khác để xây dựng cuộc sống mới, làm giàu trên chính quê hương mình.
“Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục triển khai thực hiện việc bảo tồn, phát huy giá trị, vai trò của Khu di tích lịch sử Chi Lăng gắn với giáo dục truyền thống, nghiên cứu học tập với phát triển du lịch. Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký ban hành Quyết định số 1539/QĐ-TTg về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Chi Lăng, trong đó có xây dựng Đền thờ Chi Lăng, diện tích 100 ha”, ông Vi Quang Trung nói.