'Ghìm cương' giá nhà đất

Giá nhà đất tại một số đô thị lớn thời gian qua liên tục tăng mạnh. Điển hình như loại hình căn hộ chung cư tại Hà Nội, hiện nay hầu như không còn dự án mới có giá dưới 50 triệu đồng/m2.

Theo một số nghiên cứu, quý II-2024, giá bán chung cư sơ cấp tại Hà Nội bình quân đạt gần 60 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT, phí bảo trì), tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước; quý III-2024 tiếp tục tăng 6% so với quý II. Giá nhà đất tăng "phi mã" là điều không bình thường bởi vượt xa thu nhập của đông đảo người dân, khiến giấc mơ an cư của rất nhiều người ngày càng khó trở thành hiện thực.

“Ghìm cương”, ổn định giá nhà đất đúng với giá trị thực, phù hợp với quy luật khách quan là việc làm rất cần thiết nhằm phát triển lành mạnh thị trường bất động sản nói riêng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nói chung, đồng thời tạo điều kiện để người dân có cơ hội sở hữu nhà ở, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Nhiều dự án bất động sản tập trung tại khu vực phía Tây Hà Nội. Ảnh: TUẤN ANH

Nhiều dự án bất động sản tập trung tại khu vực phía Tây Hà Nội. Ảnh: TUẤN ANH

Theo các chuyên gia, ngoài việc có bảng giá đất mới, chi phí đầu vào tăng... thì nguyên nhân chủ yếu khiến giá nhà đất như “con ngựa bất kham” là do tình trạng đầu cơ và nhất là nguồn cung khan hiếm, trong khi đó nhu cầu nhà ở không ngừng gia tăng. Ví dụ tại Hà Nội, theo đại diện Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhu cầu nhà ở đến năm 2025 là khoảng 185.200 căn, trong đó gần 90% là căn hộ chung cư. Tuy nhiên, từ nay đến năm 2025, trung bình mỗi năm, Thủ đô thiếu hụt khoảng 50.000 căn hộ.

Để ngăn chặn nạn đầu cơ, mới đây, Bộ Xây dựng tiếp tục đề xuất đánh thuế đối với những người có nhà đất thứ 2 trở lên. Đây là việc làm cần thiết, nhưng cần tính toán kỹ, có cách làm, lộ trình khoa học, phù hợp để hạn chế “tác dụng phụ" như tạo áp lực tăng giá bất động sản, đánh thuế không đúng đối tượng... Chính sách thuế này cần nhằm vào những trường hợp sở hữu nhiều nhà đất nhưng găm giữ, bỏ hoang, không đưa vào sử dụng hoặc đầu cơ “lướt sóng”...

Cùng với chính sách về thuế, giải pháp quan trọng cần làm ngay là tăng nguồn cung nhà ở, điều chỉnh nguồn cung hài hòa giữa các phân khúc cao cấp và bình dân. Muốn vậy, cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, pháp lý, mặt bằng, vốn... để mở mới và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án nhà ở. Đặc biệt, cần có cơ chế khuyến khích các tập đoàn lớn đã thành công trong phân khúc nhà ở cao cấp thể hiện trách nhiệm xã hội, đầu tư vào phân khúc nhà ở tầm trung, bình dân, khắc phục tình trạng dư thừa nhà ở cao cấp nhưng thiếu nghiêm trọng nhà ở có giá vừa phải, phù hợp với thu nhập, khả năng của phần lớn người lao động như đang diễn ra.

Về lâu dài, để giảm áp lực tăng giá nhà đất ở các thành phố lớn thì không thể chỉ dừng lại ở việc tăng nguồn cung mà cần chú trọng giảm “cầu” nhà ở tại các địa bàn này bằng cách di dời các cơ quan, công sở, trường học ra khỏi nội thị, xây dựng các đô thị vệ tinh, phát triển hệ thống đường sá, phương tiện vận tải công cộng kết nối đô thị vệ tinh với các thành phố lớn, bảo đảm thuận lợi cho việc di chuyển của người dân...

PHƯƠNG HIỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/ghim-cuong-gia-nha-dat-799859