Giá bất động sản cao so với thu nhập của đa số người dân

Chỉ ra những bất cập từ chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội (NOXH), báo cáo cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn từ các gói tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khó thực hiện dẫn đến chủ đầu tư phải vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến giá bán NOXH cao…

Toàn cảnh phiên họp sáng 28/10. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh phiên họp sáng 28/10. Ảnh: Quốc hội

Gía bất động sản còn cao so với thu nhập của đa số người dân

Sáng 28/10, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn Giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản.

Trình bày báo cáo trước Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, giai đoạn 2015-2023, thị trường bất động sản (TTBĐS) đã có những bước phát triển về quy mô, loại hình, số lượng, hình thức huy động vốn và các chủ thể tham gia.

Về nhà NOXH, có khoảng 800 dự án đã được triển khai với quy mô 567.042 căn, trong đó: 373 dự án đã hoàn thành với quy mô 193.920 căn; 129 dự án đã khởi công với quy mô 114.934 căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 258.188 căn.

Tuy nhiên, TTBĐS và NOXH còn nhiều tồn tại, bất cập, phát triển chưa bền vững, mất cân đối cung - cầu; giá BĐS còn cao so với thu nhập của đa số người dân; nhiều khu đô thị bỏ hoang; quản lý chung cư mini còn nhiều bất cập; chưa có phương án xử lý, giải quyết hiệu quả các khu chung cư cũ không bảo đảm điều kiện sống cho người dân; nhiều dự án gặp vướng mắc, chậm được triển khai. Các loại hình BĐS mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quốc hội

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Quốc hội

Cụ thể, theo báo cáo của Chính phủ, tại Hà Nội có 404 dự án gặp vướng mắc (đã xử lý 158 dự án, tiếp tục xử lý đối với 246 dự án); tại TP. Hồ Chí Minh có 220 dự án vướng mắc (72 dự án do Tổ công tác yêu cầu, 148 dự án do Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh tổng hợp kiến nghị; đã xử lý 77 dự án, tiếp tục xử lý đối với 143 dự án).

Theo Báo cáo của UBND TP. Hà Nội, trong khoảng 2 - 3 năm trở lại, thực trạng phát triển các dự án BĐS tại Hà Nội rất chậm, gần như không có dự án mới được phê duyệt, sản phẩm nhà ở mới được chào bán chủ yếu là các dự án đã được phê duyệt từ giai đoạn trước, nhiều dự án đã được khởi công ở giai đoạn trước cũng chậm triển khai và phải điều chỉnh tiến độ; nhiều dự án có thời gian triển khai thực hiện lên đến 10 - 20 năm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch.

Còn nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển NOXH

Chỉ ra những bất cập về tình hình ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường BĐS và phát triển NOXH, ông Vũ Hồng Thanh cho biết, mặc dù hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ và liên tục được hoàn thiện, tuy nhiên, một số quy định còn chồng chéo, chưa thống nhất, chưa đồng bộ; chưa phù hợp với thực tế, chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung; chưa rõ ràng…

Về công tác quy hoạch liên quan đến TTBĐS và NOXH còn có sự mâu thuẫn, thiếu thống nhất giữa các quy hoạch, chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa bảo đảm tầm nhìn dài hạn, các quy hoạch chậm được ban hành…

Việc thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ NOXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (giai đoạn 2021 - 2030) chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, các loại hình BĐS mới gặp nhiều vướng mắc pháp lý, thiếu quy định rõ ràng, cụ thể điều chỉnh. Tình trạng chậm định giá đất diễn ra ở nhiều địa phương, là vướng mắc chính dẫn đến nhiều dự án BĐS bị đình trệ. Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất còn vướng mắc đặc biệt đối với sản phẩm BĐS mới.

Các đại biểu tham dự. Ảnh: Quốc hội

Các đại biểu tham dự. Ảnh: Quốc hội

Một số dự án BĐS còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện kéo dài có nguyên nhân từ việc pháp luật qua các thời kỳ thay đổi, dẫn đến vướng mắc rất khó tháo gỡ. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, việc thực hiện rà soát pháp lý đối với các dự án BĐS theo các kết luận thanh tra, kiểm toán kéo dài, chưa có kết quả, dẫn đến chậm xử lý các thủ tục triển khai thực hiện dự án BĐS, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, khách hàng đã mua BĐS.

Liên quan đến NOXH, cơ bản các địa phương đã quan tâm bố trí quỹ đất để xây dựng NOXH khi lập, phê duyệt các quy hoạch và khi chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở thương mại phải bố trí quỹ đất 20% làm NOXH. Tuy nhiên, còn nhiều địa phương chưa bố trí quỹ đất độc lập để phát triển NOXH; việc phát triển NOXH chủ yếu phụ thuộc vào quỹ đất 20% trong dự án nhà ở thương mại, nhưng việc triển khai còn nhiều bất cập, vướng mắc.

Ngân hàng thận trọng hơn, hạn chế, giảm tỷ lệ cho vay đối với bất động sản

Về nguồn vốn cho TTBĐS và NOXH, theo báo cáo, các dự án BĐS mới khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Theo Báo cáo số 24/BC-BXD ngày 15/02/2023 của Bộ Xây dựng tại Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy TTBĐS phát triển lành mạnh, bền vững, “Các doanh nghiệp BĐS phản ánh rất khó khăn trong tiếp cận, vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng, đặc biệt là giai đoạn nửa cuối năm 2022, ngay cả khi đối với trường hợp có tài sản đảm bảo do: các ngân hàng hết hạn mức cho vay đồng thời với sự kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực BĐS”, “các tổ chức, cá nhân là khách hàng mua BĐS không được giải ngân cho vay thậm chí trước đó đã ký hợp đồng thỏa thuận cho vay của ngân hàng dẫn đến các doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư do: các ngân hàng hết hạn mức cho vay và thận trọng hơn, hạn chế, giảm tỷ lệ cho vay đối với BĐS”…

Về các chính sách ưu đãi về NOXH việc xét duyệt đối tượng và xác minh điều kiện được hưởng chính sách về NOXH còn nhiều thủ tục phức tạp, rườm rà; một số quy định không rõ ràng, thiếu cụ thể, công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành địa phương thiếu chặt chẽ nên gây khó khăn khi triển khai, thời gian thực hiện kéo dài.

Chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa khuyến khích, thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển NOXH. Tuy nhiên, quá trình thực hiện quy định về ưu đãi chủ đầu tư NOXH cho thấy, một số ưu đãi như hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng NOXH rất ít địa phương thực hiện do vướng mắc về pháp luật đầu tư công. Một số địa phương đã ban hành cơ chế chính ưu đãi riêng cho chủ đầu tư dự án NOXH.

Việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn từ các gói tín dụng ưu đãi, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khó thực hiện dẫn đến chủ đầu tư phải vay từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao dẫn đến giá bán NOXH cao, đối tượng thụ hưởng chính sách NOXH khó tiếp cận. Chất lượng NOXH chưa được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến tâm lý NOXH gắn với nhà ở có chất lượng thấp, phân biệt loại hình NOXH với nhà ở thương mại.

Đoàn giám sát cho rằng những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; bên cạnh nguyên nhân do quy định pháp luật cả ở luật và văn bản quy định chi tiết thi hành luật về quản lý TTBĐS và phát triển NOXH giai đoạn 2015-2023 còn bất cập, phần lớn do việc tổ chức thực hiện các cấp, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế, có tâm lý sợ sai, tâm lý nhiệm kỳ…

Minh Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/gia-bat-dong-san-cao-so-voi-thu-nhap-cua-da-so-nguoi-dan-399281.html