Gia Bình, Bắc Ninh: Đất thủy lợi được 'hô biến' thành đất ở?

Xác minh đơn tố cáo, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Gia Bình (Bắc Ninh) thừa nhận việc UBND xã Song Giang đã cho dân thuê thầu đất hành lang bảo vệ công trình thủy lợi là không phù hợp quy định. Tuy nhiên, người tố cáo vẫn cho rằng sai phạm nghiêm trọng hơn vì vụ việc có dấu hiệu bán đất trái phép để 'biến' đất thủy lợi thành đất ở.

Sau khi xã Song Giang cho thuê thầu sai quy định, đất bảo vệ công trình thủy lợi (cống Lập Ái) đã bị xâm phạm.

Sau khi xã Song Giang cho thuê thầu sai quy định, đất bảo vệ công trình thủy lợi (cống Lập Ái) đã bị xâm phạm.

Bất thường trong giao khoán

Theo xác minh của Phòng TN&MT huyện, năm 2012, UBND xã Song Giang giao khoán diện tích mặt nước (5mx22m) tại gần vị trí cống Lập Ái (theo bản đồ sau này là thửa 219, tờ bản đồ số 32) cho ông Trịnh Đình Thực để cải tạo trồng cây hàng năm. Xã lập phiếu thu của ông Thực 40 triệu đồng tiền “hoa lợi công sản”.

Năm 2017, gia đình ông Thực đổ đất, san lấp thửa đất để trồng cây ăn quả và xây tường ngăn cách thửa đất với phần lòng sông.

Theo xác định của Xí nghiệp Thủy nông Gia Bình, vào thời điểm gia đình ông Thực san lấp, đơn vị đã làm việc với UBND xã Song Giang và khẳng định diện tích đổ đất này là vi phạm hành lang bảo vệ cống Lập Ái, cần giải tỏa để trả lại nguyên trạng mặt bằng phục vụ công trình thủy lợi.

Phòng TN&MT xác định, việc UBND xã giao khoán cho ông Thực diện tích mặt nước thuộc thửa 219 là không phù hợp với Luật Đất đai 2003, vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi; đề nghị xã rà soát và thanh lý hợp đồng giao khoán với ông Thực.

Không đồng tình với kết luận và kiến nghị trên, ông Nguyễn Văn Đình (SN 1972, trú tại thôn Lập Ái, người có đơn tố cáo) cho hay, việc xã cho thuê thầu trên là vi phạm nghiêm trọng bởi đây là đất hành lang bảo vệ công trình thủy lợi chứ không phải đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, nghĩa là không được cho thuê thầu. “Ví dụ đất có đủ điều kiện cho thuê thầu thì thời hạn thầu cũng không quá 5 năm và tiền thu hàng năm chứ không thể cho thuê “lâu dài” và thu tiền một lần như cách làm của xã Song Giang”, ông Đình nói.

Hơn nữa, thời điểm năm 2012, tuy đang là mặt nước nhưng xã Song Giang lại giao khoán cho ông Thực với mục đích “cải tạo trồng cây hàng năm”. Đây là việc “bật đèn xanh” cho gia đình ông Thực san lấp mặt nước làm vườn. Chưa hết, đã hai năm kể từ khi Xí nghiệp Thủy nông đề nghị xử lý vi phạm của ông Thực và giải tỏa mặt bằng nhưng xã Song Giang vẫn không thực hiện.

Theo đánh giá của ông Đình thì vụ việc có dấu hiệu bán đất trái phép, che giấu bằng việc “cho thuê thầu”.

Nghi vấn trên càng có cơ sở khi năm 2018, ông Đình phát hiện thửa đất thuê thầu trên đã chính thức được ghi nhận vào bản đồ địa chính của xã số thửa đất là 219; diện tích 111,5m2 với ký hiệu là ONT219/111,5. Ký hiệu này cho thấy loại đất là “đất ở nông thôn”.

Điều này đồng nghĩa với việc, đất hành lang bảo vệ công trình thủy lại, sau khi được xã cho thuê thầu đã được “lột xác” thành đất ở.

Khi xác minh vụ việc thì Phòng TN&MT lại chỉ đề cập đến số thửa và diện tích của thửa đất mà “lờ” đi ký hiệu “ONT”. Vì vậy, ông Đình đang tiếp tục khiếu nại, đề nghị làm rõ có hay không việc “biến” đất công thành đất ở trong vụ việc này.

Dấu hiệu “hợp thức hóa” đất công

Theo ông Đình thì tại tờ bản đồ 25, còn nhiều thửa đất được công nhận là “ONT” (đất ở nông thôn) một cách mờ ám. Đơn cử như thửa ONT 85/371,0 mang tên bà Trịnh Thị Bái.

Thửa đất trên vốn là đất mặt nước do HTX giao khoán năm 1992, diện tích 126m2. Không hiểu do đâu mà hiện nay, thửa đất này lại được công nhận trên bản đồ là đất ở nông thôn và có diện tích rộng gấp ba lần ban đầu.

Phản đối kết luận của Phòng TN&MT, ông Đình cho hay, nếu cho rằng đây là đất do UBND xã giao theo diện giãn dân thì phải có các chứng cứ về việc giao đất như: Quyết định của UBND xã, danh sách các hộ được giao, phiếu nộp tiền; biên bản giao đất thể hiện vị trí thửa đất…

Hơn nữa, ví dụ có việc bà Bái được xã giao đất giãn dân thì việc giao này cũng trái thẩm quyền và việc bà này được giao cùng một lúc tới hai thửa đất giãn dân (tổng cộng 480m2) ở cùng thôn Lập Ái là rất vô lý. Nếu UBND huyện Gia Bình đã có quyết định cấp sổ đỏ cho thửa đất này thì cần rà soát xem hồ sơ có đầy đủ tài liệu chứng minh nguồn gốc đất hoặc nộp tiền sử dụng đất theo quy định hay không.

Ông Đình cũng cho rằng cần kiểm tra lại hồ sơ và thực địa thửa đất ONT113, tờ bản đồ số 32 vì một loạt các lô đất được quy hoạch ở đây chỉ rộng khoảng hơn 100m thì riêng thửa đất này rộng tới 216m2 là bất thường. Cần làm rõ lý do việc tăng diện tích như trên và có hay không việc hợp thức đất công (hiện vẫn là đất mặt nước) rồi ghép vào thửa đất tiếp giáp mang tên ông Trị.

Dấu hiệu sai phạm khi cho thầu sông để nuôi cá

Theo ông Đình, hiện việc địa phương cho thuê thầu nuôi cá tại sông Lập Ái (sông Địa) đang thể hiện nhiều bất cập bởi đây không thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích mà chưa sử dụng (tức không thuộc diện cho thuê thầu).

Hơn nữa, việc cho thuê thầu như trên kéo theo việc đắp bờ, lấn chiếm lòng sông, làm ảnh hưởng đến dòng chảy và tiêu thoát nước. Việc này không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn cản trở việc sản xuất nông nghiệp của nhân dân. Hơn nữa, việc thu, chi tiền cho thuê thầu cũng không được công khai, minh bạch nên gây nhiều dị nghị trong dân.

Khoa Lâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ban-doc/gia-binh-bac-ninh-dat-thuy-loi-duoc-ho-bien-thanh-dat-o-489880.html