Giá cả leo thang vì chuỗi cung ứng tắc nghẽn nghiêm trọng

Hàng loạt 'nút thắt cổ chai' trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang gây sức ép lớn lên các nhà sản xuất, đẩy giá cả nhiều mặt hàng leo lên mức cao kỷ lục.

Theo Wall Street Journal, phần lớn nhà máy và hãng bán lẻ ở các nền kinh tế phương Tây đã thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Họ gấp rút mua thành phẩm, nguyên liệu thô và linh kiện từ những nhà cung cấp châu Á và nhiều nơi khác.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia ở châu Á hiện vẫn trong tình trạng phong tỏa hoặc giãn cách xã hội để ngăn ngừa virus lây lan. Các nhà cung cấp không còn khả năng đáp ứng nhu cầu.

Tình trạng thiếu lao động trên toàn cầu cũng tạo thêm thách thức cho các nhà sản xuất. Những "nút thắt cổ chai" trong chuỗi cung ứng được dự báo sẽ hạn chế sản lượng trong năm tới, làm tổn hại nhiều lĩnh vực và thúc đẩy giá cả leo thang.

Viện Kinh tế Thế giới Kiel hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2021 từ 6,7% xuống 5,9%, một phần do các vấn đề về chuỗi cung ứng.

 Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Reuters.

Tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng nghiêm trọng. Ảnh: Reuters.

Nút thắt cổ chai

Những nút thắt trong chuỗi cung ứng đã thúc đẩy lạm phát lên mức kỷ lục ở Mỹ và các khu vực châu Âu, đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng. Tỷ lệ lạm phát tăng cao đã gây sức ép lên các ngân hàng trung ương. Họ đứng trước áp lực thu hẹp những chính sách kích thích kinh tế mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch.

"Nếu có thể đưa ra một lời khuyên cho người tiêu dùng vào thời điểm này, tôi sẽ nói với họ rằng hãy tìm và mua cây thông Noel sớm", Giám đốc điều hành Jami Warner của Hiệp hội Cây thông Noel Mỹ chia sẻ.

Trung tâm của tình trạng tắc nghẽn toàn cầu là Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Các tàu đến thường phải cách ly trên một tuần trước khi cập cảng. Sự gián đoạn của dịch vụ hải quan và cảng càng khiến vấn đề trở nên trầm trọng.

Càng có nhiều tàu đợi cập cảng ở Trung Quốc, phần còn lại của thế giới càng mất thêm nhiều thời gian chờ đợi. Theo dữ liệu của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc, đầu năm nay, chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Nam Mỹ đã tăng gấp 5 lần so với mức thấp hồi năm ngoái.

 Những nút thắt trong chuỗi cung ứng đã thúc đẩy giá cả leo thang, đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng. Ảnh: Reuters.

Những nút thắt trong chuỗi cung ứng đã thúc đẩy giá cả leo thang, đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng. Ảnh: Reuters.

Cùng với đó, cuộc khủng hoảng năng lượng của Trung Quốc diễn ra đúng vào thời điểm hệ thống vận chuyển toàn cầu tắc nghẽn. Hàng hóa không kịp giao cho mùa cao điểm mua sắm cuối năm. Trong khi đó, Trung Quốc cũng bắt đầu mùa thu hoạch.

"Nếu tình trạng thiếu điện và cắt giảm sản lượng tiếp tục diễn ra, nguồn cung toàn cầu có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhất là khi chúng tác động tới hoạt động sản xuất các hàng hóa xuất khẩu", Bloomberg dẫn lời ông Louis Kuijs, nhà kinh tế cấp cao về châu Á tại Oxford Economics, bình luận.

Đối với người tiêu dùng toàn cầu, câu hỏi đặt ra là liệu các nhà sản xuất và bán lẻ sẽ chịu phần chi phí tăng cao, hay đẩy sang phía họ.

Nó giống một cú sốc đình lạm (nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao) khác đối với ngành sản xuất, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới

Ông Craig Botham, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics

"Nó giống một cú sốc đình lạm (nền kinh tế đình trệ trong khi lạm phát cao) khác đối với ngành sản xuất, không chỉ ở Trung Quốc mà còn trên toàn thế giới", ông Craig Botham, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macroeconomics, bình luận.

"Giá sẽ tăng trên phạm vi rộng. Đó là hệ quả của việc Trung Quốc tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông nói thêm.

Giá phân bón tăng chóng mặt, ảnh hưởng đến những người nông dân vốn đã lao đao vì sức ép của chi phí gia tăng.

Trong khi đó, chuỗi cung ứng thực phẩm cũng lao đao vì khủng hoảng năng lượng. Trung Quốc - nhà sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới - sẽ đối mặt với một mùa thu hoạch khó khăn.

Trong những tuần qua, nhiều nhà máy đã buộc phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng. Một số nhà máy đậu nành của Louis Dreyfus Co., Bunge Ltd. và đơn vị Yihai Kerry của Wilmar International Ltd. nằm trong số các nhà máy bị ảnh hưởng. Đậu nành được chế biến thành dầu ăn và thức ăn gia súc.

Giá lương thực toàn cầu đã tăng lên mức cao kỷ lục trong vòng một thập kỷ. Tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thu hoạch các loại cây trồng từ ngô, đậu nành đến bông.

Chi phí tăng cao

Ngoài Trung Quốc, việc đóng cửa những nhà máy ở Malaysia cũng ảnh hưởng đến nguồn cung chip của các nhà sản xuất xe. Theo giới quan sát, những hạn chế về nguồn cung trên toàn cầu sẽ làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các nhà sản xuất, đồng thời đẩy giá tiêu dùng lên cao.

Nguồn cung của những chiếc container vận chuyển - thứ từng được xem là dồi dào, rẻ tiền nhất - cũng gặp rắc rối. Điều này tạo thêm sức ép và giảm lợi nhuận của các nhà sản xuất.

Chỉ 2 năm trước, khách hàng chỉ cần trả không đến 2.000 USD để thuê một chiếc container 12 m chuyển hàng hóa từ châu Á đến Mỹ. Hiện giờ, giá đã tăng lên 25.000 USD, bao gồm phí bảo hiểm giao hàng đúng hạn.

Theo ông John McCown, nhà sáng lập Blue Alpha Capital, các hãng vận tải đã thu về số tiền lớn. Lợi nhuận của ngành trong năm nay đang trên đà cán mốc 100 tỷ USD, tăng từ khoảng 15 tỷ USD vào năm 2020.

 Chi phí vận chuyển tăng vọt, đè nặng lên lợi nhuận của các nhà sản xuất. Ảnh: Reuters.

Chi phí vận chuyển tăng vọt, đè nặng lên lợi nhuận của các nhà sản xuất. Ảnh: Reuters.

Tính đến cuối tuần trước, khoảng 497 tàu container lớn đang chờ cập cảng bên ngoài các cảng ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ.

Theo Bloomberg, giá sữa bột không béo giao sau đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 8/2014. Nguyên nhân là sản lượng sữa sụt giảm mạnh ở châu Âu và New Zealand.

Theo một cuộc khảo sát gần đây của Hiệp hội Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức, hơn 1/4 công ty đã phải giảm hoặc thậm chí ngừng sản xuất. Tại Thụy Điển, nền kinh tế đã thu hẹp 3,8% trong tháng 8 so với tháng trước, đẩy sản lượng xuống dưới mức trước đại dịch, theo dữ liệu từ Thống kê Thụy Điển.

Dù các chai rượu đã sẵn sàng, khách hàng cũng phải chịu chi phí cao gấp 5 lần để chuyển chúng từ Anh đến Mỹ

Ông Liam Hughes, nhà đồng sáng lập Glasgow Distillery Co.

Ở Anh, Glasgow Distillery Co. lên kế hoạch ra mắt rượu whisky Scotch ở Mỹ từ lâu. Tuy nhiên, các nút thắt trong chuỗi cung ứng đã ảnh hưởng đến hầu hết bộ phận kinh doanh của họ, buộc hãng phải hoãn kế hoạch.

Theo ông Liam Hughes - nhà đồng sáng lập Glasgow Distillery Co., nhà sản xuất rượu whisky đang gặp khó với nguồn cung từ chai, nhãn đến bìa cứng. Thay vì chờ đợi 6 tuần như thường lệ, ông Hughes giờ phải mất tới 6 tháng và chấp nhận giá tăng cao.

"Các nhà cung cấp của chúng tôi đã thông báo tăng giá 10%", ông tiết lộ.

Ngay cả khi đủ nguồn cung, Glasgow Distillery cũng mất nhiều thời gian hơn để chuyển đến nơi chưng cất. "Dù các chai rượu đã sẵn sàng, khách hàng cũng phải chịu chi phí cao gấp 5 lần để chuyển chúng từ Anh đến Mỹ", ông than thở.

Thảo Cao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/gia-ca-leo-thang-vi-chuoi-cung-ung-tac-nghen-nghiem-trong-post1270220.html