Giá cà phê miệt mài leo thang, doanh nghiệp càng xuất càng lỗ

Giá cà phê liên tục lập đỉnh mới và nguồn cung 'nhỏ giọt' khiến các nhà chế biến và xuất khẩu cà phê đang trong tình trạng lo lắng khi những đơn hàng xuất khẩu đã ký kết dài hạn. Trong khi đó tình trạng mua bán nguyên liệu cũng gặp nhiều vấn đề khiến thị trường kinh doanh xuất khẩu phức tạp hơn.

Các doanh nghiệp cho biết họ lỗ khi giá nguyên liệu tăng gấp đôi, thậm chí mất khách hàng vì phải điều chỉnh giá bán…

Doanh nghiệp lỗ khi giá tăng đột biến

Chưa kịp vui khi đưa cà phê lên quầy kệ chuỗi siêu thị Emart ở Hàn Quốc từ đầu năm nay, nhà sản xuất sản phẩm dưới thương hiệu Meet More đang phải ngậm ngùi chịu lỗ để thực hiện đơn hàng đã ký trước đó cho khách hàng này.

Cà phê được giá nhưng nhiều nhà xuất khẩu căng thẳng với hợp đồng xuất khẩu. Ảnh minh họa: C.Phong

Cà phê được giá nhưng nhiều nhà xuất khẩu căng thẳng với hợp đồng xuất khẩu. Ảnh minh họa: C.Phong

Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, nhà sáng lập thương hiệu cà phê nông sản Meet More, lúc chào hàng và thương thảo với nhà phân phối ở xứ kim chi, giá nguyên liệu cà phê mua vào chỉ ở mức 40.000 – 45.000 đồng/kg, giờ đây đã tăng lên gấp đối khiến sản phẩm chế biến bị đội giá cao.

“Thời gian từ lúc ký hợp đồng đến lúc giao hàng khoảng 7 tháng. Hợp đồng cung cấp đơn hàng được ký kết thực hiện cho cả một năm và đây là khách hàng mới của công ty nên chúng tôi phải thực hiện đúng hợp đồng dù đang cung cấp với giá thấp hơn từ 5-10% so với chi phí sản xuất”, ông Luận chia sẻ, và cho biết đến tháng 7 tới, công ty sẽ báo lại giá mới với khách hàng theo tình hình giá nguyên liệu đầu vào sản xuất.

Bên cạnh khách hàng ở Hàn Quốc, Meet More còn đang thực hiện các hợp đồng với một số khách hàng ở Úc và Mỹ theo giá nguyên liều đầu vào lúc ký còn thấp hơn hiện nay khá nhiều, nên phải chấp nhận chịu lỗ.

“Chưa bao giờ tình trạng giá cà phê trong nước tăng cao và nhanh như thời gian qua. Thời gian này năm ngoái, giá cà phê chỉ 40.000-45.000 đồng/kg, nay đã vọt lên khoảng 95.000 đồng/kg, nằm ngoài dự báo công ty nên trở tay không kịp”. Ông Luận nói.

Tương tự, theo ông Nguyễn Đức Hưng, Tổng giám đốc Napoli Coffee, giá nguyên liệu đầu vào chế biến cà phê tăng cao và nhanh khiến chi phí sản xuất của công ty bị ảnh hưởng nhiều.

Ngoài bán ở trong nước, sản phẩm cà phê chế biến của Napoli hiện còn xuất đi hàng chục thị trường nên công ty đang rất “chật vật” vì nguyên liệu trữ trong kho thấp so với lượng hàng đã ký. Theo ông Hưng, trong lần báo giá tháng tới, công ty sẽ điều chỉnh giá tăng 5-10% dù nguyên liệu cà phê đã tăng hơn 50%.

Với việc điều chỉnh tăng giá này có thể công ty sẽ mất một vài khách hàng vì nhà nhập khẩu sẽ không chấp nhận tăng giá. Tuy nhiên, theo ông Hưng, nếu giữ giá bán hiện nay thì càng xuất khẩu, công ty sẽ càng bị lỗ.

Với giá cà phê nguyên liệu quanh mức 95.000 đồng/kg hiện nay, các công ty ước tính lỗ hàng chục triệu đồng mỗi tấn cà phê sau chế biến. Và số tiền thâm hụt sẽ tăng cao nếu lượng xuất khẩu càng nhiều.

Hàng năm, giá cà phê không biến động “sốc”, việc thu mua nguyên liệu khá dễ dàng với doanh nghiệp. Hiện giá cà phê nguyên liệu đang tăng bất chấp các quy luật khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay.

Ông Hưng cho rằng, phần lớn doanh nghiệp chế biến cà phê trong nước tài chính còn “mỏng” nên khả năng mua trữ lượng lớn cho sản xuất dài hạn là khó, dẫn đến giá nguyên liệu lên cao thì bị ảnh hưởng ngay.

Kinh doanh xuất khẩu hỗn loạn vì giá

Giá cà phê trong nước lên cao và vượt sự mong đợi của nhiều người trồng từ trước đến nay nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại. Còn nhớ, năm ngoái, khi giá cà phê tăng lên gần 70.000 đồng/kg ở tháng 12 đã khiến nhiều người trồng cà phê ở Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đắc Nông, Bình Phước… phấn khởi vì đây được xem là giá cao kỷ lục trong suốt 10 năm trở lại.

Thế nhưng bước sang năm 2024 giá cà phê tiếp tục được phá kỷ lục khi nhảy đến mốc 80.000đồng/kg vào cuối tháng 1-2024.

Chính vì giá liên tục tăng cao, nên theo các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này, rất nhiều người trồng cà phê đã không giao cho các đại lý mà họ đã chốt giá trước đó. Các đại lý do không có hàng từ nông dân nên cũng không giao hàng cho các nhà xuất khẩu, đẩy tình trạng kinh doanh xuất khẩu hỗn loạn…

Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và hồ tiêu lớn trong nước, giá cà phê tăng cao, nông dân sau thu hoạch cũng ít gửi đại lý. Vì giá có chiều hướng đang lên nên họ cũng không muốn bán hết một lần hay 50% như mọi năm mà giữ bán từ từ.

Vì vậy, lượng cung nhỏ giọt và giá cao khiến thị trường cà phê cực kỳ căng thẳng. Điều này dẫn đến giá cà phê hiện đã gần cán mốc 95.000/kg.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng cho biết, giá cà phê đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Theo ông, chưa có năm nào giá cà phê ở mức trên 95.000 đồng/kg. Đây là tín hiệu tích cực, thuận lợi cho người trồng sau nhiều năm giá cà phê ở mức thấp.

Có thể nói mức trên 90 triệu đồng mỗi tấn cà phê nguyên liệu hiện nay, theo người trồng là họ đã có lời trên 100% so với giá thành “sản xuất”.

Theo các doanh nghiệp và các chuyên gia trong ngành, lý do khiến giá cà phê trong nước tăng cao là do nguồn cung thế giới đang thiếu và gần như Việt Nam đang “một mình một chợ”.

Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, trong vụ mùa 2023-2024 (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau), sản lượng hụt mất khoảng 10%.

Hiện nhiều nhà đầu cơ tài chính trên thế giới đã chọn cà phê (sau dầu mỏ và vàng) để đầu cơ cũng khiến giá cà phê tăng nóng.

Theo ông Phan Minh Thông, rất nhiều nhà xuất khẩu cà phê đã phải đi đòi hàng ngàn tấn, chục ngàn tấn đã mua và thậm chí đã nhận cọc mà không được giao hàng…

Ở phía các công ty xuất khẩu và các công ty nước ngoài, hợp đồng xuất khẩu đã ký nên vẫn phải mua để giao hàng. Ở trong nước thì cứ tiếp tục tăng giá hàng ngày và bán nhỏ giọt, dẫn đến các công ty mua hàng để giao cho các hợp đồng đã ký bị lỗ nhiều.

“Tình trạng được mùa được giá mà các công ty xuất khẩu hay các công ty nước ngoài nếu đã bán trước mà không nhận được hàng đã mua, thiệt hại vô cùng lớn”, ông Thông chia sẻ.

Ông Luận cũng chia sẻ: “Chúng tôi chỉ có thể mua nguyên liệu nhỏ giọt để hoàn thành đơn hàng. Từ đầu năm đến nay, một số đối tác ngoại đặt hàng nhưng công ty không dám nhận, vì nhận nhiều sẽ lỗ nhiều, trừ khi đối tác chịu tăng giá”, ông Luận nói, và cho rằng việc tăng giá lúc này cũng rất khó vì tỷ giá tăng lên và cước phí vận chuyển logistics cũng tăng cao. Theo ông, chỉ có thể cầm cự đến khi nguồn cung nguyên liệu cà phê tăng trở lại.

Thị trường cà phê khó lường, ông Nguyễn Nam Hải của Vicofa khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê cần theo dõi sát diễn biến thị trường và cân đối nguồn hàng. Nếu trước đây ký hợp đồng xuất khẩu kỳ hạn thì trong bối cảnh hiện nay, để giảm bớt rủi ro thua lỗ, doanh nghiệp xuất khẩu nên mua ngay bán ngay thay vì ký bán kỳ hạn như trước. Theo ông, giá cà phê tăng lên từng ngày. Nếu doanh nghiệp ký bán kỳ hạn thì rủi ro cao.

Lo nhà nhập khẩu chuyển hướng?

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng giá cà phê trong nước tăng bất chấp các quy luật và chưa biết sẽ về đâu? Đáng chú ý, giá tăng mà hàng hóa lại nhỏ giọt khiến các hãng rang xay phải tính toán đổi nguồn hàng đưa vào chế biến.

Theo các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu đang chuyển hưởng mua ở các thị trường khác vì cà phê Việt sốt giá. Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, một số nhà chế biến cà phê đã chuyển sang nhập cà phê nguyên liệu ở Brazil và Ấn Độ. Theo ông Luận, giá cà phê robusta ở Brazil hiện thấp hơn ở Việt Nam.

Người trồng cà phê nếu thu hoạch thời điểm này được giá cao kỷ lục. Ảnh minh họa: TL

Người trồng cà phê nếu thu hoạch thời điểm này được giá cao kỷ lục. Ảnh minh họa: TL

Ông Phan Minh Thông cũng cho rằng khi giá cà phê robusta ở Việt Nam lên đến hơn 4.100-4.200 đô la/tấn thì giá cà phê của Brazil chỉ ở mức 3.400/3.500 đô la/tấn.

Theo ông, trước bối cảnh biến động giá cà phê robusta ở Việt Nam – đất nước cung cấp lớn cà phê nguyên liệu nhân xô cho nhiều thị trường, các nhà rang xay trên thế giới sẽ có phương pháp “ứng phó”.

Dù phần lớn người mua cà phê trên toàn thế giới thích cà phê robusta của Việt Nam hơn cà phê robusta Conilon của Brazil nhưng với tình hình giá cao mua khó như thế này, theo ông Thông, các nhà rang xay lớn trên thế giới đã chuyển đổi một phần qua Brazil.

Các công thức pha trộn trong ngành rang xay cà phê từ lâu được sử dụng với tỷ lệ hàng robusta rất cao từ Việt Nam.

Hiện, giá cà phê arabica không tăng nhiều và nguồn arabica không thiếu. Do đó, theo ông Thông, các nhà rang xay lớn trên thế giới cũng mua chuyển đổi một phần từ robusta qua arabica chất lượng thấp để bù đắp nhu cầu của mình.

Các ý kiến cho rằng, một khi chuỗi cung ứng giảm khối lượng đưa vào chế biến hay đưa cà phê Việt Nam về hạng “dự phòng” thì sẽ thất thế.

Dù vậy, các ý kiến cho rằng từ tháng 4, Brazil vào vụ, giá cà phê có thể quay đầu hạ.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/gia-ca-phe-miet-mai-leo-thang-doanh-nghiep-cang-xuat-cang-lo/