Giá cả tăng mạnh sau cải cách tiền lương, cử tri kiến nghị cần có 'công cụ' kiềm chế giá
Mới đây, cử tri tỉnh Hòa Bình và cử tri tỉnh Bình Thuận phản ánh tình trạng giá cả tăng mạnh ngay sau khi Việt Nam thực hiện cải cách tiền lương.
Theo đó, cử tri Bình Thuận cho biết: Việc giá cả tăng theo quá trình cải cách tiền lương sẽ ảnh hưởng lớn tới người lao động có thu nhập thấp. Vì vậy, cử tri kiến nghị có biện pháp quản lý giá cả thị trường kỹ lưỡng, căn cơ hơn để giảm khó khăn cho đời sống người dân.
Tương tự, cử tri Hòa Bình đề nghị quan tâm có các giải pháp hiệu quả trong việc kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa, thị trường để việc cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 bảo đảm nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, tránh tình trạng tăng lương thì giá cả cũng tăng theo.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ Tài chính cho biết: Công tác quản lý, điều hành giá đã và đang được thực hiện nhất quán theo nguyên tắc thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của Luật giá và các văn bản hướng dẫn.
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được quyền tự định giá theo tín hiệu khách quan trên thị trường, quy luật cung - cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Nhà nước chỉ gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả qua các biện pháp kinh tế vĩ mô và sử dụng biện pháp bình ổn giá khi giá các hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá có biến động bất thường hoặc khi mặt bằng giá biến động ảnh hưởng đến ổn định kinh tế-xã hội.
Theo Bộ Tài chính, bối cảnh nửa đầu năm 2024 là diễn biến phức tạp của các yếu tố địa chính trị, kinh tế, xã hội khu vực và thế giới, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động đặc biệt là diễn biến phức tạp của giá các mặt hàng xăng dầu, vàng, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, chi phí vận tải gia tăng, từ đó đã gây áp lực đến mặt bằng giá cả thị trường trong nước.
Trước bối cảnh đó, công tác quản lý, điều hành giá theo hướng bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và chủ động, linh hoạt trong điều hành giá đã được các Bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Bộ Tài chính đã phối hợp với chặt chẽ với Bộ Kế hoạch đầu tư, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để tổng hợp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ các giải pháp quản lý, điều hành giá phù hợp.
Điều này góp phần ổn định mặt bằng giá cả trong nửa đầu năm và làm tăng dư địa kiểm soát lạm phát trong các tháng còn lại cuối năm đảm bảo theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra cả năm CPI bình quân trong khoảng 4-4,5%.
Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá cả hàng hóa cơ bản ổn định, diễn biến theo quy luật hàng năm và phù hợp với kịch bản lạm phát của Ban Chỉ đạo điều hành giá đã xây dựng từ đầu năm.
Chỉ số giá tiêu dùng biến động theo xu hướng tăng cao trong 2 tháng đầu năm do nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao trong Tết Nguyên đán, nhưng sang tháng 3 đã giảm trở lại, sau đó chỉ tăng nhẹ trong Quý II, với mức tăng trong khoảng 0,05% đến 0,17% mỗi tháng so với tháng trước.
Sang tháng 7, chỉ số CPI tăng 0,48% so với tháng trước trong đó do tác động của thời tiết nắng nóng làm tăng nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt, đồng thời tháng 7 vào kỳ nghỉ hè nên nhu cầu dịch vụ du lịch, giải trí cũng gia tăng. Bình quân 7 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đặc biệt sau thời điểm tăng lương từ ngày 1/7, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý, điều tiết giá, chủ động đề xuất các phương án điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến…
“Việc đánh giá tác động đến CPI của việc tăng lương cơ sở cũng đã nằm trong kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, Bộ Tài chính tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành địa phương triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá, bình ổn giá cả thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Bộ tiếp tục thực hiện quyết liệt theo đúng ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
Cụ thể, Bộ sẽ giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá; điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế
Đối với các mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các cơ quan có thẩm quyền đề xuất, phê duyệt để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở điều hành giá đảm bảo kiểm soát lạm phát bình quân năm 2024 theo mục tiêu Quốc hội đề ra từ 4-4,5%.
Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường; đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, nhà nước và doanh nghiệp.
Chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá.
Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới; tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.
Bộ Tài chính sẽ tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực, đầy đủ, thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.