Giá cả Việt Nam ngược chiều thế giới

Trong khi chỉ số giá xuất khẩu quý I.2023 tăng thì chỉ số giá nhập khẩu lại giảm so với cùng kỳ cho thấy giá cả các sản phẩm, dịch vụ của nước ta đang ngược chiều so với mặt bằng giá cả của thị trường thế giới.

Theo Hệ thống các tài khoản quốc gia của Liên Hợp Quốc (SNA) thì xuất, nhập khẩu được tính trong GDP là xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Tổng cục Thống kê, xuất nhập khẩu hàng hóa quý I.2023 đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9%; nhập khẩu đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7%. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa tiếp tục nghiêng về xuất siêu với 4,07 tỷ USD.

Báo cáo về GDP quý I của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá hiện hành ước khoảng 138.400 tỷ đồng, tương đương 5,9 tỷ USD. (Lưu ý rằng, quý I.2022, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ âm 5.800 tỷ đồng). Tuy nhiên, khi loại trừ yếu tố giá, chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh năm 2010 của quý I.2023 chỉ còn khoảng... 17.000 tỷ đồng.

Theo định nghĩa của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu là chỉ tiêu tương đối (tính bằng phần trăm) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo thời gian. Danh mục mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu sử dụng để tính chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu gồm các mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu đại diện trong một thời kỳ nhất định, được sử dụng để thu thập giá định kỳ, phục vụ tính chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu. Quyền số của chỉ số giá xuất khẩu, nhập khẩu (tính bằng phần trăm) là tỷ trọng về trị giá xuất khẩu, nhập khẩu của các nhóm hàng hóa và dịch vụ tương ứng trên tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu. Quyền số được sử dụng cố định trong 5 năm. Trường hợp tình hình xuất khẩu, nhập khẩu có biến động mạnh thì có thể rút ngắn thời gian sử dụng, cập nhật quyền số vào giữa kỳ phương án điều tra.

Nhìn vào số liệu xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ quý I.2023 theo hai loại giá, có thể thấy so với quý I.2022 chỉ số giá xuất khẩu tăng 3,06% và chỉ số giá nhập khẩu giảm 2,01%. Đáng chú ý là chỉ số giá xuất khẩu dịch vụ quý I năm nay tăng rất cao so với cùng kỳ năm trước, tới 8,7%; trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I.2023 so với cùng kỳ năm trước chỉ là 4,5% và chỉ số giá nhập khẩu cả hàng hóa và dịch vụ của quý I.2023 đều giảm (tương ứng -2% và -1,3%). Điều này hàm ý giá cả thế giới (giá nhập khẩu) giảm và giá cả Việt Nam (giá xuất khẩu) tăng.

Xuất khẩu dịch vụ bao gồm dịch vụ vận tải, bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng, dịch vụ ăn uống, lưu trú, vui chơi giải trí… Như vậy, việc giá các sản phẩm, dịch vụ đối với những người không thường trú ở Việt Nam tăng - ngược chiều so với mặt bằng giá cả của thị trường thế giới - có thể mang lại lợi ích trước mắt và có thể gây ra những thiệt hại khác lớn hơn về lâu dài. Ví dụ, người bán sản phẩm dịch vụ thu được nhiều tiền hơn, từ đó khiến xuất khẩu dịch vụ theo giá thực tế tăng lên. Tuy nhiên, những người sử dụng sản phẩm dịch vụ như du lịch, khách sạn, nhà hàng, vui chơi giải trí sẽ có sự so sánh và lựa chọn điểm đến là nước khác.

TS. Bùi Trinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/gia-ca-viet-nam-nguoc-chieu-the-gioi-i324936/