Giá cao gấp 3 lần đẩy kim ngạch nhập khẩu than tăng tới 122,8%

Bộ Công Thương cho biết, 7 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 122,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu lớn của các nhà máy nhiệt điện than.

Trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao do ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị trên thế giới, Bộ Công Thương cho hay đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị cung cấp than, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than có giải pháp đảm bảo đủ nhiên liệu cho phát điện.

Kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 122,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu lớn của các nhà máy nhiệt điện than.

Kim ngạch nhập khẩu than đá tăng tới 122,8% so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu lớn của các nhà máy nhiệt điện than.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng than nhập khẩu từ đầu năm đến hết ngày 15/7/2022 giảm 2,9 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên kim ngạch than nhập lại tăng rất mạnh.

Cụ thể, đến hết ngày 15/7, kim ngạch nhập khẩu than vào khoảng 4,7 tỷ USD, bình quân khoảng 5,8 triệu đồng/tấn, gấp gần 3 lần so với giá bình quân nhập khẩu than cùng kỳ năm 2021 (tổng kim ngạch 2,1 tỷ USD, bình quân giá than là 2,1 triệu đồng/tấn).

Ở chiều ngược lại, hoạt động xuất khẩu than cũng suy giảm về lượng, nhưng tăng nhẹ về kim ngạch. Hết ngày 15/7, xuất khẩu than của Việt Nam đạt 762.000 tấn, giảm hơn 200.000 tấn so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch đạt hơn 251 triệu USD, tăng hơn 130 triệu USD. Giá than xuất khẩu bình quân là 7,5 triệu đồng/tấn, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước (2,8 triệu đồng/tấn).

Hiện, mức chênh lệch giữa giá bình quân xuất khẩu và nhập khẩu than của Việt Nam là khoảng 1,7 triệu đồng/tấn. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu than giảm, trong khi than nhập có chiều hướng gia tăng.

Theo báo cáo từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), lũy kế 7 tháng đầu năm, than sản xuất đạt trên 24,2 triệu tấn; than tiêu thụ đạt 28,3 triệu tấn… Kế hoạch còn lại 5 tháng cuối năm: sản xuất than 15,3 triệu tấn; than tiêu thụ 17,3 triệu tấn, trong đó than cho nhiệt điện hơn 13,7 triệu tấn; phấn đấu năm 2022, than sản xuất đạt 41,5 triệu tấn, than tiêu thụ đạt 45,6 triệu tấn, trong đó than cấp cho nhiệt điện 35 triệu tấn.

Để hoàn thành kế hoạch 5 tháng cuối năm và cả năm 2022, đại diện TKV cho rằng, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất, chế biến, các Ban chuyên môn của Tập đoàn chỉ đạo các đơn vị tăng cường than pha trộn để đáp ứng các chủng loại than. Về kế hoạch năm 2023, cần sớm có kế hoạch đấu thầu than nhập khẩu, pha trộn, chuẩn bị lượng than dự trữ để chủ động nguồn than đáp ứng cho tiêu thụ trong những tháng đầu năm

Trước đó, ở thời điểm cuối tháng 3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có thông tin về tình hình cung cấp than cho sản xuất điện còn nhiều khó khăn và kêu gọi tiết kiệm điện. Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3/2022, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng hoặc giảm phát.

Cụ thể, các Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 chỉ đủ than vận hành 1 tổ máy ở mức 60 – 70% công suất; Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.

Nguyên nhân thiếu nhiên liệu đốt bởi vì hai đơn vị cung cấp than là TKV và Tổng công ty Đông Bắc gặp khó khăn trong quá trình khai thác từ các mỏ mặc dù đã cố gắng khắc phục. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu than về để pha trộn cũng bị vướng mắc.

Trước tình trạng này, Bộ Công Thương cho biết đang tìm mọi giải pháp để đẩy nhanh nhập khẩu than trong thời gian tới.

Nhật Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/gia-cao-gap-3-lan-day-kim-ngach-nhap-khau-than-tang-toi-122-8-1087107.html