Giá cước vận tải container sẽ còn tăng đến đâu?
Việc Mỹ tạm thời hạ thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc đã khiến doanh nghiệp đẩy mạnh xuất hàng trong 90 ngày 'vàng', kéo giá cước vận tải biển tăng vọt. Câu hỏi đặt ra lúc này là giá cước sẽ còn tăng đến đâu?
Báo cáo phân tích của Xeneta - một nền tảngphân tích và so sánh giá cước vận tải biển và hàng không hàng đầu thế giới cho biết, cách đây 15 ngày, vào ngày 11/5, các doanh nghiệp rơi vào trạng thái “lửng lơ” về thuế quan giữa lúc nhu cầu vận chuyển container trên tuyến thương mại chính từ Trung Quốc sang Mỹ giảm mạnh.
Việc hiện nay bắt đầu xuất hiện thông tin về khả năng giá cước vận tải tăng vọt – sau khi có thông báo tạm thời hạ thuế nhập khẩu giữa Mỹ và Trung Quốc – cho thấy tình hình có thể thay đổi chóng mặt ra sao và vì sao các chủ hàng ngày càng khó khăn trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng giữa bối cảnh bất ổn như hiện nay.
"Chắc chắn sẽ còn nhiều biến động nữa, nhưng các chủ hàng có thể tận dụng dữ liệu để nắm bắt xu hướng biến động giá cước trong những tuần tới, đồng thời áp dụng các chiến lược linh hoạt nhằm giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng",Xeneta cho biết.
Tác động từ “thời cơ 90 ngày”
Việc Mỹ tuyên bố giảm thuế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc từ 145% xuống 30% trong vòng 90 ngày giống như phát súng lệnh để các doanh nghiệp tranh thủ xuất hàng tối đa trong khoảng thời gian ngắn ngủi này.
Các hãng vận tải biển không bỏ lỡ cơ hội để áp thêm phụ phí khi công suất vận tải bị siết lại – điều này đặt các chủ hàng vào thế khó.
Ai cũng hiểu rõ về “thời cơ 90 ngày” và hệ quả tài chính nếu lỡ hạn nhập khẩu. Ngay cả khi giá cước tăng lên mức đỉnh như trong giai đoạn gián đoạn vì xung đột ở khu vực Biển Đỏ năm ngoái, thì con số đó vẫn còn nhỏ so với thiệt hại tài chính nếu thuế quay trở lại mức 145%.
Các chủ hàng nắm rất rõ điều này – và có lẽ quan trọng hơn, các hãng vận tải cũng nắm rõ – khi hiện đã xuất hiện các thông báo tăng phụ phí giá chung (GRI) đẩy tổng giá cước lên mức 7.000 USD/FEU (container 40 feet) vào bờ Đông nước Mỹ kể từ ngày 1/6.
Xeneta cho rằng dù các mức tăng này có thể không giữ được lâu, chúng cho thấy rõ ý đồ của các hãng vận tải.
Giá cước sẽ tăng đến đâu?
Xeneta nhận định rằng các chủ hàng sẵn sàng chi trả cao hơn nếu điều đó giúp hàng hóa của họ đến Mỹ kịp trong giai đoạn “90 ngày vàng”.
Ngay sau thông báo “Ngày Giải phóng thuế quan”, một số chủ hàng đã chuyển sang vận tải hàng không để kịp xuất hàng – dù giá cước hàng không cao hơn nhiều, nhưng vẫn còn “dễ chịu” nếu so với nguy cơ bị áp thuế trở lại.
Câu hỏi đặt ra là: các hãng vận tải có thể “hét giá” tới mức nào trong những tuần tới?
Câu trả lời không nằm ở sự hợp lý hay cân đối giữa cung và cầu. Giá cước sẽ tăng đến mức mà các chủ hàng sẵn sàng chi trả để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển đúng hạn.
Nếu tháng trước, một số doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận chi phí hàng không để bảo vệ chuỗi cung ứng, thì giờ đây họ hoàn toàn có thể chi mức phí cao ngất cho vận tải đường biển.
Phân tích dữ liệu giá cước
TheoXeneta, hành vi của các chủ hàng có thể được phản ánh qua biến động giá cước.
Ví dụ, trên tuyến Trung Quốc – bờ Tây nước Mỹ, giá cước trung bình đã tăng 8% kể từ ngày 14/5, từ mức 2.600 USD/FEU lên 2.805 USD/FEU.
Tuy nhiên,Xeneta lưu ý rằng mức trung bình này sẽ còn tăng mạnh hơn nữa. Do thông báo giảm thuế Mỹ - Trung đến quá bất ngờ, nên ưu tiên trước mắt của các chủ hàng là “xuất hàng cho nhanh” – điều này có nghĩa là mức giá trung bình sẽ tiếp tục tăng khi ngày càng nhiều chủ hàng thương lượng lại với hãng vận tải ở mức giá cao hơn.
Một điểm đáng chú ý hơn là dữ liệu từ nền tảng Xeneta cho thấy, giá cước trong nhóm có mức thanh toán cao nhất trên thị trường, chiếm khoảng 25% người dùng sẵn sàng trả giá cao, đã tăng đã tăng tới 18% trong cùng kỳ – từ 2.620 USD/FEU lên 3.100 USD/FEU.
Phân khúc này gần như chắc chắn là các chủ hàng phản ứng nhanh nhất với thông tin giảm thuế và sẵn sàng trả giá cao hơn để hàng được vận chuyển ngay.
Dù vậy, để xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, các doanh nghiệp không nhất thiết phải hy sinh hiệu quả tài chính – miễn là họ hiểu rõ các yếu tố đang tác động đến giá cước và biết mình nên nhắm tới phân khúc giá nào.

Giá cước vận tải container từ Thượng Hải đi các Mỹ và châu Âu trong một năm qua (Đơn vị: USD/FEU, nguồn: Drewry)
Tác động dài hạn
Sự bất ổn và lo ngại có thể đẩy giá cước tăng mạnh, ngay cả khi không có yếu tố rõ rệt như thiếu tàu hay tắc nghẽn cảng.
Thị trường từng chứng kiến giá cước “phi mã” trong đại dịch Covid-19, rồi lại một lần nữa trong giai đoạn xung đột tại Biển Đỏ. Tuy nhiên, khác với những cú sốc trước, đợt tăng giá lần này – xuất phát từ quyết định hạ thuế – sẽ chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Sau khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm đầu đại dịch, thị trường chứng kiến đợt “bung hàng” mạnh mẽ. Còn lần này, đợt tăng nhu cầu chỉ đơn thuần để các doanh nghiệp tăng dự trữ hàng tồn kho, đề phòng thuế quay lại. Dù chưa chắc mức thuế sẽ về lại 145%, nhưng có ai dám đánh cược?
Dự báo cũng không có đợt bùng nổ tiêu dùng lớn trong năm 2025. Thuế dù có giảm, vẫn cao hơn trước đây – điều này sẽ tiếp tục kìm hãm nhu cầu.
Sau khi đã tích trữ đủ hàng, các chủ hàng sẽ ngừng nhập trước hạn. Nhu cầu giảm, và các hãng tàu sẽ lại phải chật vật để lấp đầy khoang tàu.
Điều này đồng nghĩa mùa cao điểm quý III sẽ đến sớm hơn trong năm 2025, nhưng giá cước sẽ không duy trì ở mức cao lâu – mà sẽ quay lại xu hướng giảm đã thấy trong quý I.
Dù các hãng vận tải có thể sẽ lại cắt giảm năng lực vận tải – như họ từng làm trong giai đoạn áp thuế 145% – thì cũng khó đủ để ngăn giá giảm về mức thấp chưa từng thấy từ quý IV/2023.
Thời điểm đưa hàng ra thị trường là yếu tố then chốt
Việc nắm rõ các biến động thị trường là cực kỳ quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa ký hợp đồng vận tải dài hạn có hiệu lực từ tháng 5. Nếu họ muốn tranh thủ đẩy hàng sớm mà vượt quá cam kết số lượng tối thiểu (MQC), họ sẽ bị đẩy sang thị trường giao ngay đang tăng nóng.
Diễn biến thị trường giao ngay trong những tuần tới cũng có ảnh hưởng lớn đến quyết định thời điểm đàm phán lại hợp đồng dài hạn cho những doanh nghiệp vẫn còn chần chừ.
Rõ ràng, việc thương lượng giá cước trong giai đoạn giá đang leo thang hiện nay là rất khác so với khi thị trường hạ nhiệt, hàng hóa được nhập xong và hãng tàu tung thêm công suất.

Hội thảo Khoa học ‘Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế’ do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam chủ trì, Tạp chí Điện tử Doanh nhân Việt Nam tổ chức. Hội thảo khoa học sẽ diễn ra vào lúc 8h00 ngày 26/05/2025, tại Khách sạn Thắng Lợi, 200 Yên Phụ, TP Hà Nội.
Hội thảo có sự hiện diện và tham gia thảo luận của đại diện một số cơ quan Đảng, bộ, ngành, các chuyên gia kinh tế đầu ngành, đại diện Hội và hiệp hội, đại diện ngân hàng, doanh nhân tư nhân…
Bên cạnh các bài tham luận riêng từ đại diện cơ quan Đảng, các chuyên gia và đại diện hiệp hội, … Hội thảo cũng tập trung thảo luận các nhóm vấn đề chính như cơ hội, tiềm năng, thách thức của kinh tế tư nhân trong sứ mệnh một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế, cũng như việc thể chế hóa đầy đủ và khoa học Nghị quyết 68/NQ-TW vào thực tiễn trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/gia-cuoc-van-tai-container-se-con-tang-den-dau.html