Giá dầu chặn đứng nỗ lực kiểm soát lạm phát của Fed và ECB?
Đà tăng chóng mặt của giá dầu thế giới trong những tuần gần đây đang có nguy cơ cản trở nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Giá dầu sẽ có quý tăng mạnh nhất hơn 1 năm
Giá dầu tiếp tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 18/9 do dự báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung ngày càng gia tăng vào quý IV/2023, sau khi Ả Rập Saudi và Nga gia hạn cắt giảm sản lượng. Cụ thể, giá dầu Brent cộng 0,1%, lên mức 93,98 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI của Mỹ tăng 0,2% lên 90,92 USD/thùng.
Thị trường năng lượng cũng lạc quan về nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới.
Nhà phân tích Tina Teng của trung tâm CMC Markets cho biết, chính sách kích thích kinh tế của Trung Quốc và việc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (còn gọi là OPEC+) cắt giảm sản lượng liên tục là những yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng giá của thị trường dầu.
Giá dầu Brent và WTI vừa ghi nhận 3 tuần leo dốc liên tiếp, chạm mức cao nhất kể từ tháng 11/2022 sau khi Ả Rập Saudi và Nga gia hạn cắt giảm nguồn cung đến cuối năm nay, như một phần trong kế hoạch của OPEC+. Bên cạnh đó, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc tăng sản lượng, nhờ xuất khẩu tăng mạnh cũng hỗ trợ đà tăng của giá dầu.
Cả hai loại dầu này cũng đang trên đà đạt mức tăng hàng quý lớn nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine vào quý I/2022.
Các nhà phân tích của ngân hàng ANZ cho biết, việc cắt giảm sản lượng, do Ả Rập Saudi dẫn dắt, đã ổn định thị trường trong tháng 7/2023, nhưng hiện có khả năng đẩy thị trường vào tình trạng thiếu 2 triệu thùng/ngày trong quý IV/2023. Dự trữ dầu tiếp tục giảm trong quý IV/2023 khiến dầu mỏ có thể tăng giá hơn nữa vào năm 2024.
Trong khi đó, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trên đà đạt 2,1 triệu thùng/ngày, phù hợp với dự báo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và OPEC.
Vào tuần trước, IEA cảnh báo rằng việc cắt giảm nguồn cung liên tục của Nga và Ả Rập Saudi sẽ tạo ra “sự thiếu hụt nguồn cung đáng kể”, gây ra mối đe dọa đáng kể đối với biến động giá đang diễn ra.
Trước đó, báo cáo hàng tháng của OPEC thông báo, thị trường dầu mỏ đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt hơn 3 triệu thùng/ngày trong quý tới, có khả năng dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung đáng kể nhất trong hơn một thập kỷ.
Lạm phát tại Mỹ và châu Âu tiếp tục tăng nhiệt
Giá dầu giảm đóng vai trò lớn trong việc giảm lạm phát tại Mỹ và châu Âu trong nửa đầu năm nay, nhưng đợt leo dốc hiện nay được cho là sẽ là trở lực trong nửa cuối năm và sang năm 2024.
Đà leo dốc liên tục của giá dầu trong những tuần gần đây làm gia tăng lo ngại về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao. Theo báo cáo của Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố ngày 13/9, CPI tại nước này trong tháng 8/2023 tăng mạnh nhất trong hơn một năm (tăng 3,7% so với cùng kỳ), chủ yếu do giá xăng tăng 10,6%.
Theo Chủ tịch Fed, giá dầu thô tăng 10 USD/thùng sẽ làm tỷ lệ lạm phát tăng 0,2% và đẩy lùi tăng trưởng kinh tế 0,1%.
Tờ Wall Street Journal cho biết, các ngành công nghiệp vốn phụ thuộc vào hydrocarbon của Mỹ đang đối mặt nhiều khó khăn do giá nhiên liệu tăng cao. Các lĩnh vực xây dựng, giao thông và nông nghiệp đều gặp áp lực khi giá năng lượng tăng phi mã, đặc biệt là dầu diesel.
Các chuyên gia phân tích của ngân hàng Mỹ Bank of America nhận định, việc OPEC+ tiếp tục siết nguồn cung có thể khiến giá dầu Brent nhảy vọt lên hơn 100 USD/thùng trước khi năm 2023 kết thúc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cam kết sẽ giảm giá dầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định người đứng đầu Nhà Trắng khó có thể hiện thực hóa được cam kết trên vì kho dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ hiện mới lấp đầy được 50% - mức thấp nhất trong 40 năm. Điều này cũng có nghĩa là chính quyền Tổng thống Biden không thể xả kho dự trữ dầu ở mức kỷ lục như đã thực hiện vào năm ngoái để bình ổn giá “vàng đen” toàn cầu.
Còn tại châu Âu, tồn kho sản phẩm dầu mỏ chưng cất, bao gồm dầu diesel, dầu sưởi, trong tháng 8 vừa qua thấp hơn 8% so với mức trung bình 10 năm. Lượng tồn kho sản phẩm dầu mỏ chưng cất còn lại chỉ đủ để sản xuất xăng, nhưng không đủ phục vụ nhu cầu sản xuất dầu diesel và các sản phẩm chưng cất trung gian khác.
ECB đã thực hiện đợt tăng lãi suất thứ 10 liên tiếp vào tuần trước và ngụ ý rằng nhiều khả năng sẽ dừng lại ở đó. Tuy nhiên, vào thứ Sáu, các nhà hoạch định chính sách cho biết việc tăng lãi suất thêm vẫn chưa được thực hiện.
Lạm phát ở khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm từ mức đỉnh 10,6% vào năm ngoái xuống còn 5,3% vào tháng 8 vừa qua, nhưng xu hướng tăng gần đây của giá dầu đặt ra lo ngại rằng quá trình giảm lạm phát sẽ trở nên gập ghềnh.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/gia-dau-chan-dung-no-luc-kiem-soat-lam-phat-cua-fed-va-ecb.html