Giá dầu có thể chạm mốc 100 USD vào cuối năm nay

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất trong 10 tháng vào ngày 13/9, sau khi dự báo bất ngờ về lượng dầu tồn kho của Mỹ không thể xóa đi nỗi lo về nguồn cung vào cuối năm.

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Karbala, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc tại nhà máy lọc dầu Karbala, Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá dầu thô Brent tháng 11 tăng 1,5% lên 92,06 USD/thùng, trong khi dầu thô Nymex giao tháng 10 của Mỹ tăng 1,8% lên 88,84 USD/thùng. Đây là mức giá chốt phiên giao dịch cao nhất kể từ ngày 11/11/2022. Giá dầu WTI và Brent hiện đã tăng lần lượt 10,7% và 7,1% so với đầu năm.

Dữ liệu hàng tuần mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng thêm 4 triệu thùng lên 420,6 triệu thùng, khác với dự đoán giảm 1,9 triệu thùng của hãng tin Reuters. IEA đã điều chỉnh giảm dự báo nhu cầu xuống 600.000 thùng/ngày.

Nhưng động thái trên vẫn chưa đủ sức thuyết phục đối với thị trường.

Ông Andrew Lipow, Chủ tịch Hiệp hội Dầu Lipow ở Houston, nhận định: “Vấn đề là việc cắt giảm sản lượng kéo dài của Saudi Arabia và Nga”. Hai cường quốc dầu mỏ trên đã gia hạn cắt giảm sản lượng 1,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày đến cuối năm. Ngân hàng Trung ương Mỹ cảnh báo động thái đó nâng giá dầu Brent tương lai lên trên ngưỡng 100 USD/thùng trước cuối năm nay.

Báo cáo thị trường dầu của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) công bố hôm 12/9 hầu như không có sự thay đổi đáng kể. OPEC dự báo tăng trưởng nhu cầu không đổi ở mức 2,44 triệu thùng/ngày vào năm 2023 và 2,45 triệu thùng/ngày vào năm 2024. Trong khi đó, tăng trưởng nguồn cung ngoài OPEC được điều chỉnh tăng lên 1,58 triệu thùng mỗi ngày và giảm xuống còn 1,38 triệu thùng mỗi ngày vào năm 2024.

Các nhà phân tích hàng hóa tại Standard Chartered đã dự báo giá dầu thô Brent trong quý 4 năm 2023 sẽ ở mức trung bình 93 USD/thùng. Đó là mức trung bình trong cả kỳ chứ không phải theo thời điểm. Và do đó không loại trừ mức cao nhất trong quý 4 là trên 100 USD/thùng.

Chỉ ba tháng trước, thị trường dầu mỏ vẫn còn ảm đạm và đầy rẫy những người bán khống. Tình trạng đó là do những yếu tố như mức tồn kho tăng cao, nguồn cung từ Nga, Iran và Venezuela tăng, nhu cầu toàn cầu yếu cũng sự phục hồi dưới mức trung bình của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc.

Nhưng tâm lý thị trường hiện đã được cải thiện khá đáng kể, với việc các quỹ phòng hộ đổ xô quay trở lại thị trường dầu mỏ sau khi Nga và Saudi Arabia tiếp tục cắt sản lượng, khiến giá dầu thô tăng 30% kể từ giữa tháng Sáu. Trên thực tế, dữ liệu mới nhất cho thấy quan điểm của các nhà quản lý tiền tệ đã tiết lộ rằng họ đang ở mức lạc quan nhất đối với dầu thô Mỹ kể từ tháng 6/2022.

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Oilprice)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/gia-dau-co-the-cham-moc-100-usd-vao-cuoi-nam-nay-20230914163445714.htm