Giá dầu dự kiến tăng sau binh biến Wagner ở Nga
Cuộc nổi dậy của lực lượng Wagner ở Nga làm dấy lên lo ngại về nguồn cung năng lượng từ một trong những quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới sẽ bị gián đoạn.
Sau khi lực lượng lính đánh thuê Wagner của ông trùm Evgeny Prigozhin hành quân về phía Moscow sau khi giành quyền kiểm soát Rostov-on-Don, một thỏa thuận đã được đưa ra nhằm giảm leo thang tranh chấp có nguy cơ đẩy nước Nga vào một cuộc nội chiến.
Ông trùm Wagner Prigozhin đã ra lệnh cho lực lượng của mình trở về căn cứ sau cuộc hội đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, người đóng vai trò trung gian cho Tổng thống Nga Putin.
Theo ông Paul Sheldon, cố vấn địa chính trị của S&P Global Commodity Insights, “sự leo thang của xung đột quân sự trong nước trong những ngày tới có thể làm tăng nhu cầu về hàng tồn kho, ít nhất là tạm thời, trong một thị trường dầu mỏ vốn đang khá tự mãn”.
Quyết định thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine của Nga vào tháng 2/2022 đã dẫn đến sự biến động lớn về giá dầu. Giá dầu Brent ở mức 137,64 USD/thùng vào ngày 8/3/2022, tăng từ 100,49 USD/thùng vào ngày 23/2, một ngày trước khi xung đột nổ ra.
Kể từ đó, giá dầu đã giảm. Giá dầu Brent ở mức 73,115 USD/thùng vào ngày 23/6. Nga đã sản xuất 9,45 triệu thùng/ngày dầu thô trong tháng 5, theo khảo sát mới nhất của công ty định giá hàng hóa Platts, một đơn vị của về sản lượng của OPEC+.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Nga là nước xuất khẩu dầu lớn nhất và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ hai ra thị trường thế giới. Quốc gia này cũng là một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+).
Các nhà phân tích hiện đang lo ngại cuộc nổi dậy thất bại của Prigozhin báo trước một thời kỳ hỗn loạn chính trị ở Nga.
Nhà phân tích tội phạm tài chính quốc tế và chuyên gia về Nga George Voloshin cho rằng hành động của Prigozhin có thể dẫn đến một “cuộc đảo chính trong cung điện”, hoặc khuyến khích một số người trong bộ máy an ninh chống lại ông Putin và đoàn tùy tùng.
“Trong trường hợp đó, sự bất ổn đột ngột chắc chắn sẽ dẫn đến một thị trường dầu mỏ hỗn loạn với khả năng tăng vọt lên 90 USD/thùng”, ông Voloshin dự báo.
Ông Bjarne Schieldrop, trưởng bộ phận phân tích hàng hóa tại ngân hàng Bắc Âu SEB cũng cho biết: “Bất ổn nội bộ là rủi ro đối với nguồn cung cho thị trường toàn cầu. Nếu nó trở thành một cuộc nội chiến thực sự thì tất nhiên sẽ cản trở nguồn cung dầu”.
“Nếu điều này diễn ra, một đường ống dẫn dầu có thể bị chặn, một nhà ga hoặc cảng dầu có thể bị chiếm dụng, làm gián đoạn nguồn cung”, một thương nhân cho biết.
Hôm 26/6, hợp đồng tương lai WTI (chuẩn Mỹ) tăng gần 1% lên dưới 70 USD/thùng trong giờ giao dịch ở châu Á sau khi giảm gần 4% vào tuần trước. Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu tăng 0,95%.
Nguyễn Tuyết (Theo S&P Global, WSJ, CNBC)